Bộ TT&TT tổ chức Hội nghị giao ban QLNN Quý I/2020

09:30, 03/03/2020

Sáng ngày 2/3/2020, tại Hà Nội, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị giao ban quản lý nhà nước (QLNN) Quý I/2020. Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Mạnh Hùng đã chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có các đồng chí Thứ trưởng Bộ TT&TT, đại diện lãnh đạo các đơn vị và doanh nghiệp thuộc Bộ TT&TT và cán bộ chuyên trách về CNTT của 10 Bộ, ngành Trung ương. Hội nghị được tổ chức trực tuyến tại 63 điểm cầu và đại diện Văn phòng Bộ tại TP.HCM và Đà Nẵng.

Theo báo cáo của Văn phòng Bộ, trong qúy I/2020, Bộ TT&TT đã triển khai nhiều nhiệm vụ, theo đó:

Đối với lĩnh vực Bưu chính có sự sụt giảm doanh thu và sản lượng bưu chính quốc tế, tuy nhiên, dịch vụ Bưu chính trong nước lại duy trì được mức tăng trưởng cao. Do chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19 nhưng dịch bệnh bùng phát lại tạo cơ hội cho thương mại điện tử trong nước phát triển, dẫn đến tổng doanh thu và sản lượng của các doanh nghiệp Bưu chính lớn đều đạt các chỉ tiêu đặt ra. Các doanh nghiệp lớn tăng cường phát triển các giải pháp công nghệ mới hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ tiện ích trên nền tảng di động, sản lượng tiêu dùng dịch vụ bưu chính trong nước vẫn ở mức cao.

BT-nguyen-manh-hung-2-3.JPG

Toàn cảnh Hội nghị

Trong quý I vừa qua, Bộ TT&TT đã phát hành đặc biệt bộ tem bưu chính “Kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930-03/02/2020)”. Việc phát hành bộ tem có ý nghĩa quan trọng, để cán bộ, Đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhận thức đầy đủ, sâu sắc về lịch sử vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam trong suốt chặng đường cách mạng Việt Nam 90 năm qua. Đồng thời Bộ TT&TT đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực Bưu chính giữa Bộ TT&TT Việt Nam và Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản. Biên bản ghi nhớ được thực hiện trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2023 trong lĩnh vực bưu chính.
 
Lĩnh vực Viễn thông: Bộ TT&TT đã siết chặt công tác xử lý SIM kích hoạt sẵn trên thị trường trong thời gian vừa qua đã thu được hiệu quả tích cực; số lượng thuê bao di động có lượng sụt giảm. Trước những tác động tiêu cực từ thị trường đối với sản lượng và doanh thu dịch vụ, các doanh nghiệp Viễn thông vẫn đảm bảo tốt chất lượng dịch vụ cung cấp đến người dùng. Ngoài ra, trong bối cảnh khó khăn, các doanh nghiệp viễn thông vẫn tập trung nguồn lực đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, triển khai các chỉ đạo của Chính phủ về tuyên truyền, phổ biến về bệnh dịch đến người dân (tính đến thời điểm hiện tại các doanh nghiệp viễn thông đã tổ chức 5 đợt nhắn tin tuyên truyền tới hơn 125 triệu thuê bao với tổng số gần 7 tỷ tin).
 
Cũng trong 2 tháng đầu năm, Bộ TT&TT đã có văn bản hướng dẫn Tập đoàn Viettel triển khai thí điểm ngăn chặn cuộc gọi rác (spam thoại) trên mạng Viettel. Bộ đã tham vấn doanh nghiệp, xây dựng và báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án thúc đẩy sử dụng điện thoại thông minh 4G/5G, đẩy nhanh việc chuyển đổi sử dụng thiết bị đầu cuối từ 2G sang điện thoại thông minh 4G với mục tiêu sớm dừng công nghệ 2G trong thời gian tới. Đồng thời, Bộ tiếp tục đẩy nhanh việc nghiên cứu xây dựng quy hoạch tần số thử nghiệm 5G tại Việt Nam.
     
Về ứng dụng CNTT và triển khai Chính phủ điện tử tại các Bộ, ngành, địa phương: Tính đến nay, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên cả nước đạt 11,13% (tăng so với 10,76% của quý IV/2019), tỷ lệ này của các Bộ, ngành và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đạt 18,59% (tăng so với 17,75% của quý IV/2019), của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đạt 10,85% (tăng so với 10,48% của quý IV/2019). Hiện có 4/19 bộ/ngành, 4/6 tỉnh/thành đạt tỷ lệ 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Vẫn còn 5/19 bộ, ngành; 16/13 tỉnh/thành phố thì có mức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 dưới 5%. Và hiện đã có 16/22 Bộ, cơ quan ngang Bộ, 5/6 cơ quan thuộc Chính phủ và 40/63 tỉnh/thành phố đã triển khai mô hình điện toán đám mây.
 
Trong 2 tháng đầu năm, Bộ TT&TT đã tổ chức thành công Hội nghị trực tuyến Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử do Thủ tướng Chính phủ chủ trì. Bộ đã cơ bản hoàn thiện để trình Chính phủ về Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Vừa qua, Bộ TT&TT đã phối hợp với với các địa phương tổ chức triển khai thí điểm đô thị thông minh. Đến nay đã có 27 địa phương đăng ký thí điểm và 13 địa phương đã hoàn thiện chi tiết quy hoạch gửi về Bộ TT&TT.
 
Trong quý I, Bộ đã phát triển và vận hành trung tâm một cửa hỗ trợ triển khai Chính phủ điện tử. Trong 2 tháng vừa qua tỷ lệ văn bản của Bộ TT&TT gửi cho các Bộ, ngành đạt 100%.... Trong thời gian tới, Bộ sẽ tập trung hoàn thiện chương trình chuyến đổi số quốc gia và đề án xây dựng Chính phủ điện tử giai đoạn 2021-2025; sớm khai trương Cổng dữ liệu quốc gia; thành lập Trung tâm giám sát điện tử quốc gia thực hiện giám sát toàn quốc về hạ tầng mạng, an toàn, an ninh mạng và dịch vụ Chính phủ điện tử và cơ quan nhà nước…
 
Về lĩnh vực an toàn ninh mạng: Trong 2 tháng đầu năm nay, số lượng các vụ tấn công mạng tại Việt Nam đã giảm so với cùng kỳ năm 2019. Cũng tương tự đối với các địa chỉ IP của Việt Nam nằm trong các mạng máy tính ma cũng giảm so với cùng kỳ năm 2019. Bộ đã xây dựng và trình Chính phủ Đề án đưa Việt Nam trở thành Trung tâm phân tích và chia sẻ về an toàn thông tin khu vực ASEAN; đang tập trung nghiên cứu, xây dựng Đề án bảo vệ thông tin cá nhân và hỗ trợ trẻ em tương tác sáng tạo lành mạnh trên không gian mạng. Tới đây, Bộ TT&TT sẽ hoàn thiện Nghị định về định danh và xác định điện tử.
 
Lĩnh vực ICT: Số liệu ước tính về doanh thu và kim ngạch xuất khẩu phần cứng điện tử trong 2 tháng đầu năm 2020 cho thấy mức tăng trưởng vẫn tương đối ổn định. Các doanh nghiệp công nghệ cũng được tích cực tham gia cùng Chính phủ trong công tác phòng chống dịch COVID-19 thông qua việc áp dụng các giải pháp công nghệ mới, phục vụ công tác tuyên truyền, đưa thông tin đến người dân một cách chủ động, đa dạng. Đồng thời ngăn chặn hiệu quả hiệu quả các thông tin giả mạo, sai lệch trên mạng, gây hoang mang dư luận. Cũng trong quý I, Bộ TT&TT đã trình Chính phủ ký ban hành Chỉ thị số Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 14/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ “Về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam”. Bộ đã triển khai các thủ tục để thành lập Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 liên kết với Diễn đàn Kinh tế thế giới (WF) tại Việt Nam.
 
Lĩnh vực báo chí truyền thông: Trong 2 tháng đầu năm 2020, lĩnh vực Báo chí, truyền thông đã phát huy rất tốt vai trò tuyên truyền trong bối cảnh người dân và xã hội nói chung có nhiều hoang mang trước sự bùng phát của bệnh dịch, góp phần tạo sự ổn định xã hội, nâng cao niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ. Các cơ quan báo chí đã tuyên truyền kịp thời về sự lây lan của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra tại các nước trên thế giới và ảnh hưởng đến Việt Nam theo Công điện của Thủ tướng Chính phủ.
 
Hoạt động tuyên truyền, phổ biến về bệnh dịch đặc biệt phát huy hiệu quả qua các kênh thông tin cơ sở: Các tài liệu, cẩm nang, tư liệu phát thanh về bệnh dịch, hướng dẫn người dân tự bảo vệ trước cơ bệnh dịch đã được Bộ TT&TT chuyển đến các địa phương để phân phát, phổ biến cho người dân, cũng như phát tuyên truyền trên hệ thống đài phát thanh của các huyện, xã của các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.
 
Trong quý I/2020, Bộ TT&TT đã triển khai xong việc chuyển đổi mô hình, sắp xếp các cơ quan báo chí đối với 19 tổ chức hội Trung ương theo kế hoạch; Chỉ đạo các Sở TT&TT thiết lập và công bố công khai đường dây nóng báo chí để tiếp nhận và xử lý thông tin liên quan hoạt động sai phạm, nhũng nhiễu của nhà báo, phóng viên các cơ quan báo chí tại địa phương; Tổ chức Triển lãm Sách Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; Tham dự Hội chợ sách quốc tế lần thứ 29 được tổ chức tại Thủ đô LaHabana - Cu Ba với vai trò là Khách mời Danh dự của Hội chợ sách.
 
Đồng thời, Bộ TT&TT tiếp tục chỉ đạo các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương tập trung tuyên truyền các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ; các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.…; xây dựng Kế hoạch chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới; đặc biệt, tiếp tục chỉ đạo các cơ quan báo chí tuyên truyền kịp thời về sự lây lan, phòng, chống của dịch Covid - 19 trong nước và các nước trên thế giới theo Công điện và các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ trưởng Bộ TT&TT; tiếp tục theo dõi chỉ đạo các cơ quan báo chí thông tin, tuyên truyền về Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng...
 
Cũng tại Hội nghị, đại diện Sở TT&TT địa phương và cán bộ chuyên trách về CNTT của một số Bộ, ngành Trung ương đã trao đổi về việc tháo gỡ cơ chế chính sách, hướng dẫn về xây dựng thành phố thông minh, chính phủ điện tử, quản lý thông tin sai sự thật trên mạng xã hội tại địa phương…
 
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Năm 2020 Bộ TT&TT xác đinh là năm chuyển đổi số quốc gia, tiếp tục nâng cao thứ hạng Việt Nam, phát triển ICT; tiếp tục hành động theo tinh thần “Làm gương - Kỷ cương - Trọng tâm - Bứt phá”.
 
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ, năm 2020, Bộ TT&TT có tuyên bố quốc gia về Chuyển đổi số, sớm trình Chính phủ về Đề án chuyển đổi số quốc gia, chương trình chuyển đổi số quốc gia. Đây cũng là năm thúc đẩy Bộ mã Bưu chính đến từng hộ gia đình; là năm phổ cập nhanh điện thoại thông minh (đây là lần đầu tiên chúng ta có một chương trình về phổ cập điện thoại thông minh) thông qua việc sản xuất điện thoại thông minh mang thương hiệu Việt Nam đến 100% người dân. Và cũng là năm đầu tiên Chính phủ điện tử được giao cho Bộ TT&TT triển khai. Đối với các Sở TT&TT, năm 2020 là năm đầu tiên Sở TT&TT triển khai Chính phủ số, 100% tỉnh/Bộ/ngành có nền tảng chia sẻ dữ liệu dùng chung, có Trung tâm an toàn, an ninh mạng quốc gia; năm đầu chúng ta tuyên bố Chính phủ điện tử Việt Nam dựa trên nền tảng di động, cung cấp dịch vụ trên nền di động; có hệ thống giám sát quốc gia đo đạc về Chính phủ điện tử; là năm đầu Việt Nam có hệ sinh thái, sản phẩm an ninh mạng; là năm phát triển các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, làm chủ thiết bị hạ tầng viễn thông, đặc biệt là thiết bị 5G; năm cơ bản hoàn thành quy hoạch báo chí của các Bộ/ngành/địa phương. Đồng thời, đây cũng là năm đẩy mạnh đào tạo và đưa công nghệ số vào lĩnh vực báo chí; các nền tảng xuyên biên giới hoạt động tại Việt Nam phải tuân thủ pháp luật Việt Nam và giúp Việt Nam thịnh vượng.
 
Đặc biệt, Bộ trưởng cho rằng: Năm 2020 là năm đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức Triển lãm Số thế giới (đây là lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức, là nước thứ 2 trong ASEAN sau Thái Lan) do vậy phải tập trung mọi nguồn lực để tổ chức thành công. Mặt khác, các đơn vị thuộc Bộ được giao nhiệm vụ bảo vệ Đại hội Đảng các cấp phải chủ động, tích cực phối hợp với các đơn vị có liên quan từ Trung ương đến địa phương hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Các Sở TT&TT cần phối hợp chặt chẽ với Bộ TT&TT để thực hiện nhiệm vụ được giao bảo vệ Đại hội Đảng các cấp.
 
Bên cạnh đó, đây là lần đầu tiên Bộ TT&TT có quyết định cử người đi biệt phái về địa phương. Bộ trưởng đề nghị các Sở TT&TT tạo điều kiện để cán bộ được biệt phái phát huy khả năng để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đồng thời các sở TT&TT cần xây dựng kế hoạch, định hướng phát triển của Ngành, nhất là hạ tầng viễn thông, hạ tầng số. Các đơn vị phải tổ chức đo đạc các chỉ số phát triển của Ngành từ Sở TT&TT cho tới cấp Bộ…
 
Đối với báo chí, truyền thông đã phát huy tốt nhiệm vụ của mình, tuyên truyền kịp thời về sự lây lan, phòng, chống của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona - 19 gây ra tại các nước trên thế giới và ảnh hưởng đến Việt Nam theo Công điện của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời, phát huy vai trò của hệ thống thông tin cơ sở, truyền thanh cơ sở để tuyên truyền sâu rộng tới mọi tầng lớp nhân dân về phòng, chống dịch Covid-19. Các nhà mạng đẩy mạnh việc xây dựng các ứng dụng để giúp cho các thầy cô giáo và học sinh tương tác các môn học và học online, làm việc tại nhà, dịch vụ công trực tuyến, học qua cầu truyền hình, học qua ứng dụng. Nhân dịp này, Bộ trưởng biểu dương các Sở TT&TT đã làm tốt công tác truyền thông về việc phòng chống dịch tại địa phương.
 
Cũng tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu các Sở TT&TT địa phương cần chú ý và cụ thể hóa Chỉ thị số 01 của Thủ tướng phủ “Về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam” tại địa phương. Sở TT&TT cần đóng vai giúp doanh nghiệp thuộc Ngành tại địa phương phát triển và có nhiều đóng góp cho tỉnh.
 
Về Chính phủ điện tử, phải cải thiện được các chỉ số về an toàn thông tin và tin học hoá. An toàn thông tin là nền tảng của chính phủ điện tử, An toàn thông tin phải đi trước. 
 
Về Dịch vụ công trực tuyến, con số tối thiểu 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 phải chiếm ít nhất 50% tổng số giao dịch dịch vụ công. Tỷ lệ phát sinh hồ sơ của các dịch vụ này phải trên 50%, tức là lên cấp độ 4 phải có người dùng. 
 
Khai trương open data (data.gov.vn) về dữ liệu mở. Đặc biệt quan trọng là Trung tâm giám sát quốc gia về chính phủ điện tử ( dự kiến ra đời tháng 6) và thanh toán điện tử cho dịch vụ công trực tuyến, cùng với mobile money. Đồng thời, tập trung triển khai một số Bộ mẫu, tỉnh mẫu về chính phủ điện tử (với Bộ mẫu là Bộ Y tế và Bộ TT&TT)… 
Theo (Mic.gov.vn)