Các ứng dụng Kaspersky bị vô hiệu hoá trên Google Play Store

16:05, 08/10/2024

Hôm nay truyền thông quốc tế đưa tin các ứng dụng Kaspersky đã bị xoá bỏ khỏi Google Play Store, đồng thời tài khoản của nhà phát triển phần mềm Nga này cũng bị vô hiệu hoá.

Động thái này diễn ra sau gần 1 tuần nhiêu người dùng phát hiện các sản phẩm của Kaspersky, như Kaspersky Endpoint Security hay Kaspersky VPN & Antivirus lần lượt biến mất khỏi cửa hàng ứng dụng Google Play Store tại Mỹ và các khu vực khác.

Google cũng tuyên bố xác nhận các ứng dụng Kaspersky không còn được chấp nhận trong hệ sinh thái Android. Google nhấn mạnh việc "cấm cửa" là động thái tuân thủ lệnh cấm từ chính phủ Mỹ.

"Cục Công nghiệp và An ninh thuộc Bộ Thương mại Hoa Kỳ gần đây đã công bố nhiều hạn chế đối với Kaspersky. Do đó, chúng tôi đã xóa các ứng dụng của Kaspersky khỏi Google Play", một phát ngôn viên của Google tiết lộ.

Các ứng dụng Kaspersky đã bị xoá bỏ khỏi Google Play Store

Về phần mình, Kaspersky xác nhận sự việc và cho biết sẽ điều tra nguyên nhân, tìm kiếm giải pháp để đảm bảo người dùng Android có thể tiếp tục tải xuống và cập nhật ứng dụng từ Google Play. Công ty chỉ trích quyết định đơn phương của Google, cho rằng việc cấm cửa các ứng dụng trên quy mô toàn cầu (thay vì chỉ nước Mỹ) là phản ứng thái quá.

"Các bản tải xuống và cập nhật sản phẩm Kaspersky tạm thời không khả dụng trên Google Play Store", một đại diện Kaspersky tiết lộ.

"Kaspersky hiện đang điều tra nguyên nhân gây ra sự cố và tìm kiếm các giải pháp tiềm năng để đảm bảo người dùng sản phẩm của công ty có thể tiếp tục tải xuống và cập nhật ứng dụng từ Google Play".

Giải pháp tình thế đang được Kaspersky triển khai là khuyến nghị người dùng nên cài đặt ứng dụng từ các nền tảng cửa hàng thay thế, bao gồm Galaxy Store, Huawei AppGallery và Xiaomi GetApps. Ngoài ra, các ứng dụng bảo mật của công ty cũng có thể được cài đặt thủ công bằng cách tải xuống tệp cài đặt .apk từ trang web của Kaspersky.

Sự việc này xảy ra sau khi Kaspersky tuyên bố trong một thông cáo báo chí vào tháng 7 rằng họ sẽ đóng cửa các hoạt động tại Hoa Kỳ, sau khi chính phủ quốc gia này áp lệnh trừng phạt đối với 12 giám đốc điều hành Kaspersky, và cấm phần mềm diệt virus mang thương hiệu Kaspersky vì lo ngại về an ninh quốc gia vào tháng 6.

Trước đó, vào tháng 9, Kaspersky cũng có hành động gây ra phản ứng dữ dội khi gỡ bỏ ứng dụng chống phần mềm độc hại khỏi các máy tính trên khắp nước Mỹ rồi thay thế bằng giải pháp của UltraAV mà không hề thông báo cho người dùng.

Theo báo cáo của nhiều khách hàng, phần mềm của UltraAV được cài đặt trên máy của họ mà không có thông báo nào. Không ít người lo sợ thiết bị sẽ bị nhiễm mã độc. Một người dùng chia sẻ: “Tôi tỉnh dậy và thấy phần mềm diệt virus mới trên máy tính, tôi thử mở Kaspersky nhưng nó đã biến mất. Vì vậy, tôi tra cứu điều gì đã xảy ra vì lo sợ bằng cách nào đó, máy tính bị nhiễm virus và gỡ Kaspersky”.

Tệ hơn, dù một số người dùng có thể gỡ UltraAV bằng công cụ gỡ cài đặt của phần mềm, số khác thấy nó xuất hiện trở lại sau khi khởi động lại máy, khiến nỗi lo bị nhiễm mã độc càng trầm trọng.

Theo Bleeping Computer, không có nhiều thông tin về UltraAV, trừ việc là sản phẩm của Pango Group – chủ sở hữu một số công cụ VPN như Hotspot Shield, UltraVPN, Betternet và Comparitech (website đánh giá phần mềm VPN).

Trên website của mình, UltraAV giải thích với người dùng Kaspersky, khi việc chuyển đổi hoàn tất, UltraAV sẽ được kích hoạt trên thiết bị và người dùng có thể sử dụng mọi tính năng trả tiền.

Một nhân viên Kaspersky cũng chia sẻ phát ngôn chính thức trên diễn đàn của công ty liên quan đến việc cưỡng ép chuyển sang UltraAV. Theo đó, Kaspersky đã hợp tác với UltraAV để bảo đảm tiếp tục bảo vệ những khách hàng tại Mỹ không còn được Kaspersky bảo vệ.