Cải cách thủ tục hành chính để theo kịp tốc độ xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử
Tạo hành lang pháp lý đầy đủ nhằm đảm bảo công tác quản lý của cơ quan Hải quan hiệu quả, đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính. Đây là mục tiêu tại dự thảo Nghị định quy định quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử.
Dự thảo Nghị định hiện đang được Tổng cục Hải quan lấy ý kiến từ người dân, doanh nghiệp và các cơ quan có liên quan.
Theo Tổng cục Hải quan, hiện nay thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ trên toàn thế giới và Việt Nam cũng không thể nằm ngoài sự phát triển này. Do đó cần thiết phải có những chính sách quản lý mới phù hợp với hoạt động giao dịch thương mại điện tử qua biên giới đảm bảo việc quản lý hải quan nhưng không ảnh hưởng đến sự phát triển của hoạt động thương mại điện tử qua biên giới.
Quy định hiện hành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử hay xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch theo phương thức truyền thống thủ tục hải quan được thực hiện giống nhau, do đó gặp phải một số vướng mắc.
Chẳng hạn về hồ sơ hải quan, người mua hàng không nộp hoặc xuất trình được chứng từ giấy liên quan đến trị giá của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (vì người mua thường thanh toán qua các thẻ ghi nợ, ví điện tử,…) cho cơ quan Hải quan khi thực hiện thủ tục hải quan, đặc biệt là các chứng từ nhằm chứng minh trị giá giao dịch của hàng hóa, cơ sở để cơ quan Hải quan xác định trị giá hải quan, thực hiện tính thuế.
Về tốc độ thông quan hàng hóa, do việc mua bán hàng hóa qua thương mại điện tử có xu hướng phát triển mạnh, vì vậy số lượng các lô hàng nhỏ tăng nhanh, theo đó cơ quan Hải quan cần có các giải pháp kỹ thuật hiện đại nhằm thúc đẩy quá trình thông quan hàng hóa, giảm nguy cơ ách tắc hàng hóa tại các cửa khẩu.
Về thông tin đến trước của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, cơ quan Hải quan áp dụng quản lý rủi ro để quyết định việc kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Để áp dụng được quản lý rủi ro trong việc quyết định kiểm tra, giám sát hải quan thì cơ quan Hải quan cần có thông tin trước về hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Tuy nhiên, hiện nay cơ quan Hải quan chưa có thông tin trước về hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử (thông tin đơn hàng, vận chuyển, thanh toán...) nên không đủ cơ sở thông tin để cơ quan Hải quan đưa ra quyết định miễn kiểm tra đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Việc quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử cũng gặp vướng mắc về quản lý chuyên ngành. Hiện các văn bản đều có quy định các trường hợp được miễn cấp phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành nhưng không có văn bản nào quy định về việc miễn cấp phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử, đặc biệt là đối với trường hợp cá nhân mua qua thương mại điện tử với số lượng nhỏ.
Đối với các cá nhân mua hàng số lượng nhỏ phục vụ mục đích cá nhân vẫn phải tuân thủ đầy đủ các quy định về việc cấp phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành theo quy định. Trong khi đó, hầu hết thủ tục cấp phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành của các bộ, ngành liên quan quy định về hồ sơ chỉ có tổ chức xuất nhập khẩu mới có thể đáp ứng, điều này gây khó khăn đối với các cá nhân thực hiện việc nhập khẩu, xuất khẩu hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, do cơ quan quản lý nhà nước chưa có một cơ chế riêng về quản lý đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử nên khi thực hiện các thủ tục hải quan, thủ tục liên quan đến lĩnh vực quản lý của các bộ, ngành, người mua hàng qua thương mại điện tử tại Việt Nam gặp khó khăn trong việc nhận hàng hóa được mua từ nước ngoài.
Do đó, hình thành nên một bộ phận thực hiện việc mua hộ hàng hóa trên website và vận chuyển số hàng hóa này về Việt Nam theo các con đường không chính thống, đặc biệt là qua biên giới đường bộ gây khó khăn trong công tác đấu tranh đối với các hành vi gian lận thương mại.
Dự thảo Nghị định có những quy định để kiểm soát đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử nhưng vẫn đảm bảo thuận lợi để người mua, người bán tuân thủ thực hiện đúng theo quy định pháp luật.
Theo Tổng cục Hải quan - cơ quan soạn thảo - Nghị định quy định quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ về chính sách quản lý, chế độ, đảm bảo công tác quản lý của cơ quan Hải quan hiệu quả, đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính;
Bảo đảm các nội dung quy định được rõ ràng, minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế, là cơ sở để quy định thủ tục hải quan cũng như việc triển khai thực hiện được đơn giản, minh bạch, công khai, thuận tiện, thống nhất.
Dự thảo Nghị định có 8 nhóm vấn đề lớn gồm: nhóm quy định chung; nhóm quy định về Hệ thống; nhóm quy định về chính sách quản lý mặt hàng; nhóm quy định về quản lý thuế; nhóm quy định về cung thông tin liên quan đến đơn hàng, thanh toán, vận chuyển đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử; nhóm quy định về thủ tục hải quan; về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; nhóm vấn đề về điều khoản thi hành.
Minh Thùy (T/h)