Cần chế tài mạnh với mua bán tài khoản camera trên mạng
Lắp đặt camera IP để kiểm soát an ninh ngày càng được dùng phổ biến; tuy nhiên khi hệ thống camera bị tấn công bởi tin tặc, nhiều hình ảnh riêng tư có thể bị lan truyền trên mạng...
Khi camera được lắp ở khắp nơi, số lượng gia tăng không ngừng, người dùng đôi khi trở thành “miếng mồi” hay “diễn viên vô tư” cho nhiều đối tượng nhắm tới, khai thác tống tiền và truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy.
Nhận thức an toàn thông tin hạn chế
Hiện nay, rất nhiều người mua camera sử dụng cho mục đích giám sát, an ninh có nhận thức an toàn thông tin hạn chế, khi chỉ quan tâm giá rẻ, sử dụng camera chất lượng tương đối, thậm chí Full HD tại các cửa hàng được bày bán cho đến diễn đàn, trang thương mại điện tử.
Không ít người dùng cũng không coi trọng thương hiệu, không biết camera tồn tại lỗ hổng bảo mật như thế nào. Hay thường để mặc định mật khẩu truy cập, do kiến thức sử dụng các thiết bị IoT hay camera còn hạn chế… rất nhiều lý do khiến người dùng bị lộ, lọt thậm chí bị rao bán hình ảnh riêng tư.
Ông Ngô Trần Vũ, Giám đốc điều hành Công ty NTS Security, cho biết: camera an ninh đang bày bán khắp nơi với giá rất rẻ hấp dẫn người mua nhưng khả năng bảo mật rất kém. Đa số người mua chỉ quan tâm đến tính năng của camera như khả năng truy xuất hình ảnh video chất lượng cao và dùng bền, giá rẻ mà ít khi quan tâm đến chức năng bảo mật của nó.
Trên các mạng xã hội gần đây lại rộ tình trạng mua bán các clip, hình ảnh từ những tài khoản camera mà đối tượng xấu đánh cắp được. Tùy theo chất lượng nội dung mà các hội nhóm rao bán clip 18+ sẽ thu phí từ 100.000 đến 250.000 đồng mỗi lượt tải xem. Đặc biệt những mạng xã hội ít chịu sự kiểm duyệt và thu hút của cộng đồng như Instagram, không chỉ cung cấp nội dung đồi trụy, một số nhóm còn chia sẻ những tài khoản truy cập hệ thống camera đã bị hack với mức phí trọn gói khoảng 3 - 4 triệu đồng.
“Để hạn chế sự rò rỉ thông tin camera, người dùng nên cân nhắc kỹ trước khi lắp camera vào các khu vực nhạy cảm trong nhà hoặc cơ quan. Các vị trí quan trọng và bắt buộc phải có camera thì nên dùng loại bảo mật cao của các hãng nổi tiếng với công nghệ bảo mật tiên tiến nhất”, ông Vũ khuyến cáo.
Ngoài ra, đối với các vị trí ít quan trọng như trước nhà hay lối đi có thể dùng các camera rẻ tiền hơn để giảm chi phí nhưng phải luôn luôn kiểm tra thay đổi mật khẩu và cập nhật phần mềm cho camera để tăng cường bảo mật cho toàn hệ thống.
Xử phạt cần đủ sức răn đe
Theo các chuyên gia Cục An toàn thông tin thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng mua bán clip, tài khoản camera tràn lan trên mạng một phần do quy định, chế tài xử phạt với hành vi mua bán, phát tán dữ liệu cá nhân còn chưa đủ răn đe.
Mặt khác, các chuyên gia cũng khuyến cáo thiết bị camera của các hãng sản xuất không có cơ chế bảo vệ như xác minh tính toàn vẹn của firmware chạy trên thiết bị camera dẫn tới cho phép hacker dễ dàng chèn mã độc, chèn thêm backdoor rồi bán ra thị trường. Thực tế, phát hiện nhiều backdoor cho phép truy cập từ xa ở camera có xuất xứ từ Trung Quốc.
Để khắc phục tình trạng mua bán tràn lan clip, tài khoản camera nói riêng cũng như thông tin, dữ liệu cá nhân, các chuyên gia đều cho rằng, Nghị định quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân cần sớm được ban hành và chế tài nghiêm khắc để tăng tính răn đe và giảm thiểu tỷ lệ vi phạm lấy cắp dữ liệu cá nhân.
Cá nhân tung ảnh nóng của người khác, có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điểm g, Khoản 3, Điều 66 Nghị định 174/2013 NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Theo đó, hành vi "Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác" sẽ bị phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Ngoài ra, cũng có thể bị xử lý hình sự nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Làm gì để bạo mật Camera an ninh tại nhà |
Theo vneconomy.vn