Cần trang bị "năng lực số" cho sinh viên trước khi thực hiện quá trình chuyển đổi số
Để đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, có năng lực số phù hợp, có khả năng thích ứng và làm chủ công nghệ, tham gia tích cực vào quá trình chuyển đổi số và linh hoạt trước mọi biến đổi của thị trường lao động, trước tiên, cần ý thức rõ tầm quan trọng của năng lực số đối với học sinh, sinh viên.
Năng lực số (digital literacy) vẫn còn là một khái niệm tương đối mới mẻ và chưa được nhiều người biết đến ở Việt Nam. Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng, trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau đại dịch, với nhu cầu tất yếu của việc chuyển đổi số ở mọi mặt đời sống xã hội, năng lực số hiện đã trở thành một tiêu chí quan trọng hàng đầu đối với nguồn nhân lực trẻ.
Sớm nắm bắt được xu thế này, từ năm học 2020-2021, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã trở thành đối tác chính thức của tập đoàn Meta (trước đây là Facebook) trong chương trình Tư duy Thời đại số.
Phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân đã có cuộc trao đổi với GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội về việc triển khai năng lực số cho sinh viên trong quá trình thực hiện chuyển đổi số ở trường này.
GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (Ảnh NVCC).
Xây dựng khung năng lực số đầu tiên ở Việt Nam
- Được biết, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn là đơn vị triển khai rất sớm việc nâng cao năng lực số cho sinh viên trong khối các trường đại học. Ông cho biết rõ hơn về kết quả của quá trình triển khai này cũng như những thuận lợi và khó khăn mà Nhà trường gặp phải?
Với mong muốn có được cái nhìn toàn diện về thực trạng năng lực số của người trẻ, chúng tôi đã tiến hành khảo sát và xây dựng một khung năng lực số đầu tiên ở Việt Nam dành riêng cho sinh viên. Khung năng lực số này cũng là cơ sở để phát triển các học phần chuyên sâu về năng lực số và xuất bản các ấn phẩm quan trọng như Cẩm nang về phát triển năng lực số và Sách chuyên khảo Năng lực số.
Bên cạnh đó, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cũng đã rất chú trọng vào việc hỗ trợ sinh viên phát triển năng lực số thông qua các hoạt động ngoại khóa.
CLB Nhân văn Phiên bản số (USSH Digital Me Club) được thành lập trực thuộc Đoàn Thanh niên Trường đã trở thành nguồn lực quan trọng góp phần tổ chức thành công các diễn đàn và cuộc thi cho học sinh, sinh viên trong cả nước nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết về năng lực số, lan tỏa các thông điệp về tham gia môi trường số an toàn và tích cực.
Tọa đàm và tập huấn năng lực số cho sinh viên tại trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn.
- Theo ông, chương trình nâng cao năng lực số mà Nhà trường triển khai đã mang lại những lợi ích gì cho các bạn sinh viên, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số ảnh hưởng sâu sắc đến thị trường lao động ở Việt Nam?
Có thể nhận thấy trong giai đoạn gần đây, đặc điểm của các ngành - nghề ở Việt Nam đã có những thay đổi rõ rệt. Thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên giờ đây không chỉ cần chuẩn bị cho mình hành trang phù hợp với những công việc cụ thể, đã được gọi tên trên thị trường lao động, mà còn cần sự linh hoạt và khả năng tự xây dựng bộ kỹ năng để thích ứng với bản chất thường xuyên thay đổi của các công việc trong tương lai.
Nhờ ảnh hưởng của các hoạt động nâng cao năng lực số, sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã sớm có nhận thức và hiểu biết về khái niệm mới mẻ này, và chủ động tận dụng các cơ hội học tập, trao đổi cũng như tự hoàn thiện bản thân để có được năng lực số tốt hơn.
Đó có thể là sự thông thạo và nhanh nhạy hơn trong việc sử dụng các công cụ số (như máy tính cá nhân, điện thoại thông minh, mạng xã hội và các nền tảng ứng dụng, phần mềm) hoặc khả năng nghi ngờ hợp lý, tư duy phản biện để đánh giá một khối lượng thông tin khổng lồ, đó cũng có thể là năng lực duy trì những tương tác an toàn và tích cực khi tham gia vào các cộng đồng số để hướng đến sự cân bằng cho cá nhân và toàn xã hội dựa trên nền tảng của cái nhìn đa chiều và năng lực thấu cảm, tôn trọng sự khác biệt.
Và quan trọng hơn hết, sinh viên sẽ có thêm sự sẵn sàng trong việc tự làm quen và nâng cao các kỹ năng số, phục vụ cho việc học tập và phát triển sự nghiệp trọn đời của mình.
Đưa sinh viên hoà nhập vào hệ sinh thái chuyển đổi số của nhà trường
- Việc trang bị và nâng cao năng lực số cho sinh viên đã tạo đột phá, thúc đẩy quá trình thực hiện chuyển đổi số của nhà trường như thế nào, thưa ông?
Chuyển đổi số là quá trình thay đổi gắn liền với việc ứng dụng công nghệ số vào mọi mặt đời sống xã hội của con người. Sớm được trang bị và nâng cao năng lực số, học sinh, sinh viên của Nhà trường sẽ mang những trải nghiệm, thói quen, hành vi liên quan đến các công nghệ số từ cuộc sống thường ngày vào quá trình học tập, nghiên cứu cũng như làm việc.
Họ sẽ hòa nhập một cách thoải mái vào các hệ sinh thái chuyển đổi số mà Nhà trường hay sau này là các cơ quan, doanh nghiệp, các đơn vị sử dụng lao động cung cấp.
Nói cách khác, những gì chúng tôi đã làm trong thời gian qua đã góp phần chuẩn bị yếu tố quan trọng bậc nhất của mọi quá trình chuyển đổi số: yếu tố con người. Từ đây, việc áp dụng công nghệ số trong giảng dạy và học tập, trong phương pháp nghiên cứu khoa học hay các giải pháp hành chính, quản trị đều sẽ đạt hiệu quả cao hơn.
- Quá trình nâng cao năng lực số cho sinh viên là một quá trình có tính cá nhân hoá đối với người học, trên thực tế, quá trình này phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, ông chia sẻ kinh nghiệm và bài học của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn?
Có thể nói rằng, với tư cách là những “digital natives”, học sinh, sinh viên Việt Nam có đầy đủ tiềm năng để phát triển một cách toàn diện trong môi trường số, tuy nhiên, lộ trình và xu hướng phát triển của mỗi người trẻ là rất khác nhau.
Vì vậy, điều chúng ta cần làm là trang bị cho họ những hiểu biết và kỹ năng cơ bản về thế giới số, cung cấp cho họ cái nhìn đa chiều, giúp họ xây dựng một hệ giá trị riêng dựa trên tinh thần tôn trọng sự khác biệt, khả năng thấu cảm và năng lực nghi ngờ hợp lý. Và đừng quên rằng, chính bản thân chúng ta cũng cần thường xuyên thực hành những giá trị này trong tương tác với những người trẻ.
Nâng cao năng lực số cũng đồng nghĩa là phải giúp thanh thiếu niên hiểu và tự biết chăm sóc sức khỏe thể chất cũng như tinh thần của mình trong quá trình sử dụng các nền tảng này. Bên cạnh việc tránh tiếp xúc quá lâu với các thiết bị số, còn nhiều yếu tố khác cũng cần được cân nhắc như các điều kiện môi trường hay sự an toàn, quyền riêng tư...
Nhận thức rõ về điều đó, các hoạt động hướng đến phát triển năng lực số tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đều được triển khai bài bản, dựa trên kết quả khảo sát, nghiên cứu kĩ lưỡng, và cố gắng để đáp ứng nhiều nhóm đối tượng khác nhau.
Khung năng lực số dành cho sinh viên.
- Để các trường đại học triển khai năng lực số một cách thuận lợi nhất, ông có đề xuất, kiến nghị gì?
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án chuyển đổi số quốc gia đến năm 2030, trong đó Việt Nam được kì vọng đứng trong nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử; có thể nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế với mục tiêu phát triển kinh tế số sẽ chiếm 30% GDP.
Để đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, có năng lực số phù hợp, có khả năng thích ứng và làm chủ công nghệ, tham gia tích cực vào quá trình chuyển đổi số và linh hoạt trước mọi biến đổi của thị trường lao động, trước tiên, các nhà lãnh đạo, quản lý, các nhà giáo dục và các bậc phụ huynh cần ý thức rõ tầm quan trọng của năng lực số đối với học sinh, sinh viên.
Từ đó, năng lực số cần được đưa vào chương trình giảng dạy ở các bậc học khác nhau, với nhiều cấp độ tiếp cận khác nhau, và thường xuyên có các chương trình khảo sát, đánh giá năng lực số của công dân dựa trên các khung năng lực số tương ứng với các nhóm đối tượng cụ thể.
Đồng thời, chúng ta cũng có nghĩa vụ tạo ra một môi trường giáo dục cởi mở, tạo điều kiện để người trẻ được tranh luận, chia sẻ, tìm kiếm và thiết lập các nguyên tắc mà họ cần cho không gian số.
Chúng ta có trách nhiệm trong việc đào tạo và ươm mầm một thế hệ công dân số mới có năng lực về công nghệ số (tạo lập, làm việc, chia sẻ, xã hội hóa, khám phá, vui chơi, giao tiếp và học hỏi); tham gia tích cực và có trách nhiệm (giá trị, kỹ năng, thái độ, kiến thức) vào cộng đồng (địa phương, quốc gia, toàn cầu) ở mọi cấp độ (chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa và liên văn hóa); được tham gia vào một quá trình kép của học tập suốt đời (trong môi trường chính quy và hoặc phi chính quy) và đề cao bảo vệ phẩm giá con người.
Theo Báo Đại biểu Nhân Dân