Chính quyền địa phương hai cấp mở ra cơ hội mới cho doanh nghiệp

14:37, 03/07/2025

Mô hình chính quyền địa phương hai cấp được kỳ vọng sẽ mở ra hướng đi mới cho doanh nghiệp, tháo gỡ điểm nghẽn, cải thiện môi trường đầu tư và tiếp thêm động lực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Thay đổi để bứt phá

Từ ngày 1/7, mô hình chính quyền địa phương hai cấp đã chính thức được triển khai trên phạm vi toàn quốc, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong tiến trình cải cách thể chế hành chính của Việt Nam.

Đây không chỉ là sự thay đổi về mặt tổ chức bộ máy, mà là một cuộc đại phẫu mang tính chiến lược, một “cú hích thể chế” đúng nghĩa, mở ra kỳ vọng mới cho bộ máy quản trị quốc gia hiện đại, linh hoạt và phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.

Một cuộc cải tổ hành chính quy mô lớn nhất trong nhiều thập kỷ đang đồng thời diễn ra trên cả ba tầng nấc: Trung ương, địa phương và đơn vị hành chính. Cụ thể, số lượng các Bộ và cơ quan ngang Bộ được cắt giảm từ 22 xuống còn 17, đồng thời tiến hành sắp xếp lại đơn vị hành chính từ 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xuống còn 34, một sự thay đổi chưa từng có tiền lệ.

Ở cấp địa phương, mô hình chính quyền ba cấp (tỉnh – huyện – xã) được tinh gọn xuống còn hai cấp, nhằm giảm tầng nấc, cắt bỏ trung gian, xóa bỏ tình trạng “trên nóng – dưới lạnh”, và tăng cường tính chủ động trong quản trị địa phương.

Lãnh đạo Hà Nội kiểm tra quy trình vận hành tại đơn vị hành chính mới.

Không dừng lại ở sắp xếp bộ máy, cải cách lần này đi sâu vào cốt lõi: sửa đổi Hiến pháp và hàng loạt bộ luật quan trọng, qua đó đặt nền móng pháp lý cho một bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, và hướng đến phục vụ thay vì quản lý. Đây chính là mô hình “Chính phủ kiến tạo” mà Việt Nam theo đuổi suốt nhiều năm qua, nhưng nay mới thật sự định hình rõ nét.

Ngân hàng Thế giới (WB), trong báo cáo “Việt Nam 2045: Thể chế cho tương lai thu nhập cao”, từng cảnh báo: thể chế quản trị hiện tại đang là điểm nghẽn lớn nhất cản trở tăng trưởng dài hạn.

Doanh nghiệp vẫn phàn nàn về thủ tục hành chính rườm rà, quy trình phê duyệt dự án đầu tư công chậm chạp, thiếu linh hoạt. Trên 35% doanh nghiệp cho biết họ phải dành ít nhất 10% thời gian chỉ để “lần mò” qua các quy định pháp luật, một tỷ lệ phản ánh rõ sự tốn kém về chi phí tuân thủ và năng suất.

WB chỉ rõ: một trong những căn nguyên gốc rễ của tình trạng đó chính là hệ thống hành chính nhiều tầng lớp, quyền lực phân tán và chồng chéo giữa các cấp.

Việc chuyển sang mô hình chính quyền hai cấp là một bước đi đúng hướng để xử lý vấn đề này không chỉ giúp rút ngắn quy trình ra quyết định, mà còn tạo điều kiện để chính quyền địa phương chủ động hơn trong điều hành, linh hoạt hơn trong phân bổ nguồn lực, và nhạy bén hơn trong phản ứng chính sách.

VIS Rating, một tổ chức xếp hạng tín nhiệm độc lập tại Việt Nam trong báo cáo triển vọng cuối năm 2025 cũng đánh giá cao cú hích thể chế này. Theo VIS, việc tinh giản bộ máy sẽ góp phần thúc đẩy tiến độ các dự án đầu tư công, đặc biệt là hạ tầng cơ sở. Cơ cấu hành chính gọn nhẹ cũng đồng nghĩa với việc cắt giảm chi phí quản lý, tăng hiệu quả giải ngân, qua đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững hơn.

Ở cấp địa phương, việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh được kỳ vọng sẽ khắc phục tình trạng cát cứ ngân sách, manh mún trong đầu tư công. Khi quy trình ra quyết định trở nên liền mạch, trách nhiệm giải trình được nâng cao, khả năng phối hợp liên ngành, liên vùng cũng sẽ hiệu quả hơn.

Ở cấp Trung ương, yêu cầu cắt giảm ít nhất 30% thủ tục hành chính được kỳ vọng sẽ tháo gỡ hàng loạt vướng mắc pháp lý đang kìm hãm nhiều ngành nghề, lĩnh vực quan trọng.

Thể chế là nền tảng của mọi chuyển động. Không có một nền kinh tế năng động nào được xây dựng trên bộ máy cồng kềnh và quan liêu. Cú hích thể chế lần này, nếu được thực thi một cách nghiêm túc và thực chất, không chỉ là một cuộc “sắp xếp lại bàn cờ” về mặt hành chính, mà còn là lời tuyên bố mạnh mẽ rằng: Việt Nam đang dám thay đổi để bứt phá.

Không chỉ là cải cách bộ máy, mà là cải cách tư duy phục vụ

Cùng với việc chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp từ ngày 1/7, một làn sóng kỳ vọng mạnh mẽ đang dâng lên trong cộng đồng doanh nghiệp, những người đứng ở tuyến đầu của nền kinh tế, trực tiếp cảm nhận hiệu quả hay bất cập của bộ máy hành chính nhà nước.

Tại Hưng Yên, một trong những địa phương có mật độ doanh nghiệp cao với hàng chục nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh đang hoạt động cải cách bộ máy được các doanh nghiệp đánh giá là bước đi “táo bạo nhưng đúng hướng”.

Không chỉ dừng lại ở tinh giản đầu mối, mô hình chính quyền hai cấp được nhìn nhận như một giải pháp để tháo gỡ hàng loạt nút thắt từng gây bức xúc kéo dài nhiều năm qua: chồng chéo thẩm quyền, tầng nấc trung gian, chi phí thời gian và gánh nặng thủ tục.

Ông Trần Quang Huy, Trưởng phòng Đối ngoại Công ty TNHH Giày Ngọc Tề (KCN Dệt may Phố Nối, Hưng Yên), đơn vị với gần 10.000 lao động cho rằng: “Việc phân cấp mạnh mẽ cho chính quyền cấp xã/phường sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận cơ quan công quyền dễ dàng hơn, nhất là khi xảy ra những vướng mắc cụ thể trong sản xuất kinh doanh.

Trước đây, nhiều thủ tục nhỏ nhưng phải đi qua cấp huyện, cấp tỉnh gây tốn thời gian và chi phí. Giờ đây, nếu xã/phường được trao đủ thẩm quyền, chúng tôi có thể tháo gỡ vấn đề ngay tại chỗ”.

Một trong những “điểm nghẽn” lớn nhất từng làm nản lòng nhiều doanh nghiệp chính là sự bất nhất, chồng chéo trong thủ tục hành chính, đặc biệt với các lĩnh vực nhạy cảm như đất đai, môi trường, cấp phép đầu tư, quy hoạch xây dựng hay đăng ký kinh doanh.

Việc cắt bỏ cấp trung gian không chỉ rút ngắn quy trình xử lý mà còn giúp giảm nguy cơ phát sinh chi phí không chính thức điều mà giới doanh nhân gọi thẳng là “chi phí gãi đầu gãi tai”.

Mô hình chính quyền địa phương hai cấp được kỳ vọng sẽ mở ra hướng đi mới cho doanh nghiệp, tháo gỡ điểm nghẽn, cải thiện môi trường đầu tư và tiếp thêm động lực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Việc bố trí cán bộ sở, ngành về công tác tại xã/phường cũng được doanh nghiệp kỳ vọng sẽ “xóa nhòa khoảng cách hành chính”, tăng tính kết nối giữa chính quyền và người dân, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa, nơi doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã, hộ kinh doanh vốn thường bị “bỏ rơi” do thiếu thông tin và khó tiếp cận chính sách. Khi những nút thắt được gỡ từ gốc, hiệu quả sẽ lan tỏa trên diện rộng.

Không chỉ thuận lợi hơn trong thủ tục, mô hình mới còn giúp tăng tính chủ động của chính quyền cơ sở trong xúc tiến đầu tư, phát triển kinh tế địa phương. Quy trình ra quyết định ngắn gọn, cơ chế điều hành linh hoạt, kèm theo sự phân quyền rõ ràng sẽ tạo điều kiện để các địa phương linh hoạt ứng phó với tình hình thực tiễn, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Đáng chú ý, cải cách tổ chức bộ máy lần này không đứng một mình, mà được triển khai đồng bộ với loạt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ở cấp chiến lược. Trong tháng 5/2025, Bộ Chính trị đã ban hành 4 nghị quyết quan trọng (số 57, 59, 66 và 68), nhấn mạnh vai trò then chốt của khu vực tư nhân, thúc đẩy công nghiệp xanh, công nghệ cao, và hoàn thiện thể chế pháp lý.

Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá đây là tín hiệu rõ ràng về sự dịch chuyển mang tính chiến lược trong tư duy phát triển của Việt Nam, từ ưu tiên hành chính sang ưu tiên hiệu quả.

Những chính sách cụ thể như: hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, ưu đãi thuế có chọn lọc, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng và triển khai cơ chế sandbox (thử nghiệm có kiểm soát) cho đổi mới sáng tạo được kỳ vọng sẽ là “phần cứng” đi kèm với “phần mềm” cải cách thể chế.

Tuy nhiên, như bất kỳ cuộc chuyển đổi lớn nào, cải cách cũng không tránh khỏi những lực cản. Nhiều doanh nghiệp thẳng thắn cho rằng: nếu không có giai đoạn quá độ hợp lý, mô hình mới có thể gây lúng túng trong thực thi. Việc tiếp cận, phổ biến các văn bản pháp quy mới phải đảm bảo vừa đúng luật, vừa bám sát thực tiễn từng địa phương, tránh “trên trải thảm, dưới trải đá”.

Năng lực cán bộ cơ sở cũng là dấu hỏi lớn. Khi được trao thêm quyền, cán bộ xã/phường cần được đào tạo bài bản, đặc biệt trong xử lý hồ sơ, điều hành ngân sách và tương tác với nhà đầu tư. Nếu không, bộ máy cấp cơ sở có thể trở thành điểm nghẽn mới, thậm chí dẫn tới tình trạng “khoán trắng” cho cấp trên hoặc né tránh trách nhiệm.

Để mô hình chính quyền hai cấp phát huy hiệu quả thực chất, cải cách hành chính cần đi kèm với cải cách tư duy quản lý và đẩy mạnh chuyển đổi số. Khi dữ liệu được liên thông, quy trình được số hóa và người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận thông tin một cách minh bạch, thuận tiện, thì lúc đó, chính quyền thực sự trở thành đối tác chứ không chỉ là người kiểm soát.

Cải cách lần này không đơn thuần là chuyện tổ chức lại bộ máy. Đó là bài kiểm tra lớn đối với năng lực quản trị quốc gia trong bối cảnh Việt Nam đang hướng tới mục tiêu thu nhập cao vào năm 2045.

Với doanh nghiệp, đó là cơ hội nhưng chỉ thực sự trở thành động lực tăng trưởng khi được hiện thực hóa bằng một chính quyền phục vụ, gần dân, gần thị trường và đủ năng lực hành động.