Chuyển đổi số trong mọi khâu, mọi mặt của công tác chỉ đạo điều hành
Theo UBND thành phố Hà Nội, để bảo đảm thúc đẩy chuyển đổi số, TP. Hà Nội sẽ tiếp tục phân công, phân nhiệm rõ ràng, tránh tình trạng trùng chéo, bỏ sót nhiệm vụ; đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, Đề án 06 trong mọi khâu, mọi mặt của công tác chỉ đạo điều hành…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đại biểu trải nghiệm các ứng dụng phòng họp thông minh của TP Hà Nội. Ảnh: VGP/Minh Anh
Hợp nhất 3 Ban Chỉ đạo thành 1 Ban Chỉ đạo chung
Theo báo cáo mới nhất của UBND thành phố Hà Nội, thực hiện Nghị quyết 04/NQ-CP về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý Nhà nước; Nghị quyết số 76/NQ-CP của Chính phủ về Ban hành Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021-2030, Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia và Đề án 06 của Chính phủ - 3 mảng nội dung trọng điểm trong công cuộc Chuyển đổi số, xây dựng Thành phố thông minh được Thành phố đặc biệt quan tâm; xác định mục tiêu xuyên suốt "lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo cho hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố".
Thực hiện đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, với phương châm phương châm 5 rõ: "Rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả", "Một việc-một đầu mối xuyên suốt". Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giảm họp, giảm thời gian, giảm chi phí, giảm nhân công, thường xuyên kiểm điểm tiến độ, chất lượng triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo chương trình công tác; phát huy tinh thần chủ động, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.
Trước năm 2023, TP. Hà Nội có 3 Ban chỉ đạo (Ban Chỉ đạo CCHC, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số và Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 06) hoạt động độc lập với 3 đơn vị chuyên môn thường trực độc lập (Sở Nội vụ, Sở Thông tin và Công an Thành phố)… Đến tháng 8/2023, Thành phố đã hợp nhất Ban Chỉ đạo CCHC và Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số thành Ban Chỉ đạo CCHC, Chuyển đổi số TP. Hà Nội; Ban Chỉ đạo Đề án 06 vẫn hoạt động độc lập.
Trong quá trình hoạt động, mỗi Ban Chỉ đạo ban hành các chương trình, kế hoạch riêng; thời gian họp định kỳ họp 1 tháng/1 lần (Ban Chỉ đạo Đề án 06) và Ban Chỉ đạo họp 1 quý/1 lần (Ban Chỉ đạo CCHC, chuyển đổi số) và các Tổ công tác giúp việc của các Ban Chỉ đạo cũng họp định kỳ như trên. Tiếp đó, Thành phố đã nhìn nhận thực trạng khi các Ban Chỉ đạo hoạt động độc lập và 5 vấn đề bất cập từ việc hoạt động độc lập của các Ban Chỉ đạo.
Theo đó, nhiều chương trình, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ bị trùng lặp; giao thoa lẫn nhau; việc phân công nhiêm vụ bị giao thoa, trùng chéo về nội dung, nhiệm vụ; công tác quản lý về dữ liệu, tổng hợp, thống kê bị phân tán, tổng hợp ở nhiều hình thức khác nhau dẫn tới số liệu không có sự đồng nhất đặc biệt với các số liệu cùng nội dung hoặc tương đồng; do nhiều nhiệm vụ thực hiện tại các văn bản chỉ đạo khác nhau ngoài việc trùng nội dung giao nhiều đơn vị thì cũng có hiện tượng "sót, lọt, không kiểm soát" được nhiệm vụ, chương trình...
Do đó, Thành phố Hà Nội đã quyết tâm chỉ đạo giao Sở Nội vụ nghiên cứu, chủ trì cùng Sở Thông tin, Công an Thành phố và Văn phòng UBND Thành phố thực hiện việc "hợp nhất 3 Ban Chỉ đạo thành 1 Ban Chỉ đạo chung" do trực tiếp Chủ tịch UBND Thành phố làm Trưởng Ban. Đồng thời thành lập 1 Tổ giúp việc chung của Ban Chỉ đạo, trong đó thường trực chung giao Văn phòng UBND Thành phố và 3 cơ quan làm nhiệm vụ giúp việc cho 3 mảng nội dung: CCHC– Chuyển đổi số - Đề án 06.
Ban Chỉ đạo yêu cầu thực hiện rà soát lại toàn bộ các nội dung Kế hoạch của từng Ban trước đó; xác định nhưng nhiệm vụ trùng lặp và phân giao lại phù hợp với chức năng, nhiệm vụ từng đơn vị; Ban hành quy chế hoạt động, thực hiện phân công nhiệm vụ đến các thành viên Ban Chỉ đạo; phân cấp, ủy quyền, phân công lại các khối theo chức năng, nhiệm vụ đồng thời mời các chuyên gia, các nhà khoa học tham gia để giúp Ban Chỉ đạo trong nghiên cứu, biên tập các Đề án, chương trình, kế hoạch của Ban Chỉ đạo.
Ngày 28/6, UBND TP Hà Nội chính thức ra mắt nền tảng họp không giấy tờ (E-Cabinet) tích hợp phòng họp thông minh, đây là bước tiến đánh dấu quyết tâm xây dựng chính quyền số.Ảnh: VGP/Minh Anh
Với việc hợp nhất Ban Chỉ đạo, công tác điều hành, chỉ đạo của Thành phố đã tập trung và xuyên suốt hơn; các cuộc họp được tổ chức gọn, hiệu quả, tập trung đúng trọng điểm nhiệm vụ; không tổ chức quá nhiều cuộc họp; các nhiệm vụ, kế hoạch, chương trình công tác được rà soát thường xuyên, phân định rõ ràng – không còn trùng lặp hay chồng chéo; việc kiểm đếm tiến độ, phân định trách nhiệm được công khai, minh bạch; rà soát thường xuyên – không còn hiện tượng "lọt, sót nhiệm vụ. Từ đó, công tác phối hợp triển khai các nhiệm vụ nhịp nhàng, hiệu quả; tất các các nhiệm vụ gấp, khó được chia sẻ, bàn bạc và thống nhất về các phương án, giải pháp, cách thức để đạt hiệu quả tối đa.
Thành phố cũng triển khai Hệ thống văn phòng điện tử dùng chung và các ứng dụng phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Thành phố. Thực hiện tương tác trao đổi giữa các Tổ giúp việc; Ban Chỉ đạo qua các ứng dụng nền tảng mạng xã hội và đặc biệt ngày 28/6/2024, Thành phố triển khai ứng dụng iHaNoi – trong đó có chức năng trao đổi thông tin (một ứng dụng mang tính cá thể hóa của Thành phố trong trao đổi thông tin nội bộ Thành phố).
Việc sáp nhập các Ban Chỉ đạo (Cải cách hành chính (CCHC), Chuyển đổi số và Đề án 06) và phân công phân nhiệm để chỉ đạo, điều hành thúc đẩy chuyển đổi số hiệu quả là một quá trình phức tạp, yêu cầu sự cẩn trọng trong việc quản lý và điều hành. Kết quả theo đánh giá của thành phố, Hà Nội đã bảo đảm quá trình này diễn ra suôn sẻ.
Giải pháp thúc đẩy công tác chuyển đổi số
Cũng theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội liên quan đến công tác chuyển đổi số, Thành phố Hà Nội đã đưa ra các ưu tiên sẽ tiếp tục phát huy trong thời gian tới để bảo đảm việc thúc đẩy công tác chuyển đổi số trên địa bàn.
Theo đó, Thành phố sẽ nắm vững chủ trương đường lối của Đảng, nắm chắc chính sách Pháp luật của Nhà nước; thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo.
Trong đó, tập trung phân công, triển khai chiến lược, qui hoạch mạng lưới của ngành; quy trình, quy chế (đặc biệt là quy chế phối hợp liên thông); xây dựng đầy đủ đồng bộ hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức của các ngành lĩnh vực;
Tiếp tục thực hiện rà soát, đẩy mạnh phân công, phân cấp, ủy quyền trong xử lý công việc gắn với cá thể hoá trách nhiệm nhất là trách nhiệm của người đứng đầu theo tinh thần Nghị quyết 04 của Chính phủ và tăng cường, đổi mới phương thức kiểm tra, giám sát thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, dữ liệu tập trung, dữ liệu lớn, hướng tới theo thời gian thực.
Đồng thời, đề cao trách nhiệm cá nhân, tính nêu gương, tính chủ động, đổi mới sáng tạo. Thực hiện nghiêm Chỉ thị 24 của Thành ủy xử lý thay thế ngay các trường hợp vi phạm, không đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là không có tinh thần thái độ, tâm thế phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Phân công, phân nhiệm rõ ràng, tăng cường sự phối hợp giữa các Sở, ngành và địa phương giúp tránh tình trạng trùng chéo, bỏ sót nhiệm vụ; Xây dựng quy trình, quy chế phối hợp và xác định trách nhiệm của từng khâu, từng cơ quan, đơn vị theo từng lộ trình thời gian tại các tiểu kế hoạch, tiểu nhiệm vụ cụ thể.
Ngoài ra, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số, Đề án 06 trong mọi khâu, mọi mặt của công tác chỉ đạo điều hành; triển khai quy trình giải quyết công việc. Tiếp tục rà soát cắt giảm, tái cấu trúc các TTHC, nâng cao số dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Đẩy mạnh thanh toán ko dùng tiền mặt và nâng cao hiệu quả ứng dụng Công dân Thủ đô số iHaNoi để mọi kiến nghị phản ánh của người dân và doanh nghiệp được lắng nghe kịp thời và xử lý nhanh nhất.
Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ