CIO ở đâu trong khủng hoảng truyền thông?

08:10, 27/11/2015

Khác với trước đây, khủng hoảng truyền thông chủ yếu xuất phát từ báo chí, ngày nay, nhiều “scandal” truyền thông lại xuất phát từ MXH và chủ yếu là Facebook.

Như vậy các CIO sẽ đứng ở đâu trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng truyền thông của mỗi doanh nghiệp hoặc tổ chức?

facebook scandal

CIO (Chief Information Officer – Giám đốc Công nghệ Thông tin) là người chịu trách nhiệm cao ở mảng công nghệ thông tin của mỗi doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan, xí nghiệp v.v… ngày nay, hầu hết các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn kinh tế, hay thậm chí là các quận, huyện, sở, ban ngành tại Việt Nam cũng có chức danh CIO dù được gọi dưới nhiều tên khác nhau nhưng họ có vai trò chung là “kiến trúc sư trưởng về CNTT” tại đơn vị của mình.

CIO phải am tường mạng xã hội

CIO là người nắm rõ nhất toàn bộ hệ thống công nghệ thông tin, đường đi nước bước, sự vận hành hệ thống của tổ chức hay doanh nghiệp, các nhu cầu hay thách thức về CNTT của mỗi tổ chức hay doanh nghiệp. Nhưng đó là câu chuyện trước đây. 

Với những thay đổi nhanh về công nghệ, đặc biệt là trong lĩnh vực truyền thông và Internet, đòi hỏi các CIO, không chỉ đơn thuần là một “cán bộ kỹ thuật cao cấp” mà họ còn phải là người am tường, có nhiều kinh nghiệm cũng như hiểu biết sâu sắc về truyền thông, đặc biệt là mạng xã hội. 

Từ những kiến thức về kỹ thuật, cộng với việc nắm rõ các hoạt động công nghệ thông tin ở doanh nghiệp, tổ chức và am hiểu về mạng xã hội (MXH) của mỗi CIO sẽ giúp ích được cho người lãnh đạo cao nhất của các đơn vị này đưa ra các quyết định chính xác. Theo Bob Evans (Phó chủ tịch Cấp cao kiêm Giám đốc Truyền thông của Oracle, một trong những tập đoàn cung cấp giải pháp công nghệ hàng đầu thế giới), một trong 10 nhiệm vụ của một CIO trong năm 2015 chính là: "Trở thành người dẫn đầu trên MXH. Những công cụ nào là tốt nhất để đánh giá những chương trình xã hội của doanh nghiệp? Làm thế nào để các chương trình đó hỗ trợ cho việc bán hàng? Những CIO tầm thế giới sẽ là những người “đứng mũi chịu sào” cho những quyết định chiến lược của năm nay".

Ý kiến của Bob Evans là có lý khi hiện nay, Facebook đang có 6 tỷ lượt pageview và hơn 1 tỷ người truy cập mỗi tháng (Theo Fortune) – một con số khổng lồ và thế giới MXH không chỉ có Facebook, người ta còn biết đến Twitter và vô vàn các mạng xã hội khác. MXH dù là “ảo” nhưng ngày này đã sức ảnh hưởng lớn đến mọi mặt của đời sống, từ bán hàng online đến giải trí, từ học tập đến kết nối bạn bè, từ vận động bầu cử đến các chiến dịch từ thiện v.v…

Điều đó cũng có nghĩa, am hiểu MXH, chính là một trong những nhiệm vụ chính, không thể thiếu của một CIO trong thế kỷ 21.

Tham gia giải quyết khủng hoảng truyền thông

Gần đây, chúng ta liên tục chứng kiến các khủng hoảng truyền thông đặc biệt trên Facebook. Có thể nói các “scandal” đang lan truyền trên Facebook một cách chóng mặt và hàng ngày. Tuy nhiên, không phải khủng hoảng nào cũng được giải quyết êm thấm và để lại hậu quả nhỏ nhất. 
download

Theo dõi một vài trường hợp khủng hoảng truyền thông gần đây, chúng tôi thấy việc giải quyết các khủng hoảng này thường thiếu vai trò của CIO. Những người có nhiệm vụ giải quyết khủng hoảng thường ít tham vấn CIO, người đáng ra phải có vai trò lớn trong việc này. Vì đơn giản, như đã nói ở trên, CIO là người am hiểu về kỹ thuật, cách thức vận hành của các mạng xã hội. Thay vì đưa ra quyết định này hay quyết định khác có tính chất giải quyết khủng hoảng một cách truyền thống, người CIO có thể tư vấn cho chủ doanh nghiệp, thủ trưởng đơn vị các bước đi kỹ thuật cần thiết khi những người này không nắm rõ về kỹ thuật thậm chí chưa bao giờ sử dụng MXH.

Đơn giản như, nếu một cá nhân chỉ kết nối với vài bạn bè trên Facebook thì những gì người ta viết ra không có sức mạnh như một người không chỉ có vài ngàn Friends và vài triệu người hâm mộ. Tuy nhiên, người chủ doanh nghiệp hoặc người đứng đầu tổ chức lại không hiểu vấn đề này, họ thậm chí không biết ai có vài Friends và ai có vài triệu người theo dõi (Follow), vì thế khi có những nội dung làm ảnh hưởng xấu đến doanh nghiệp được post lên, họ không đánh giá được hết tình hình khiến cho khủng hoảng ngày càng trầm trọng hơn. Lúc này đây, vai trò của một CIO là rất quan trọng. 

Hay như khi ai đó “post” một nội dung sai trái, không tốt, vi phạm pháp luật hoặc vi phạm đạo đức, thay vì đối phó với người ta như cách thông thường, bằng cách gặp gỡ, trao đổi, thậm chí phải nhờ đến cả sự can thiệp của pháp luật… người CIO có thể tư vấn cho bộ phận giải quyết khủng hoảng rằng, Facebook có chế độ phản hồi, cho phép ai đó thông báo về những nội dung không tốt và Facebook có thể khoá ngay các status đó mà bạn không phải mất công làm việc gì khác.

Trên đây chỉ là vài ví dụ điển hình về vai trò của CIO trong việc am hiểu và giải quyết khủng hoảng truyền thông trên MXH. Nhưng những ví dụ này cũng đủ để cho chúng ta thấy không chỉ CIO cần có sự am hiểu và đi đầu trên MXH mà các doanh nghiệp, tổ chức cũng cần lưu tâm đến vai trò của CIO mỗi khi có khủng hoảng truyền thông trên MXH xảy ra.




TIN LIÊN QUAN