Cổ phiếu VPL tăng kịch trần ngày đầu niêm yết, Vinpearl vào Top 10 doanh nghiệp lớn nhất HoSE
Sáng nay (13/5), cổ phiếu VPL của Công ty Cổ phần Vinpearl đã chính thức niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE), đánh dấu sự trở lại thị trường sau thời gian dài thuộc sở hữu của Tập đoàn Vingroup.
Cổ phiếu VPL được niêm yết với giá tham chiếu 71.300 đồng/cổ phiếu. Ngay khi thị trường mở cửa, cổ phiếu này đã tăng kịch trần 20% lên mức 85.500 đồng/cổ phiếu. Tính đến 9h30, có khoảng 4.000 cổ phiếu được khớp lệnh tại giá trần, trong khi lượng đặt mua giá trần lên tới hơn 1 triệu đơn vị.
Với gần 1,8 tỷ cổ phần niêm yết, tại mức giá trần 85.500 đồng, Vinpearl đạt mức vốn hóa tạm tính gần 154.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 5,9 tỷ USD. Điều này giúp doanh nghiệp nhanh chóng vượt qua nhiều “ông lớn” như MBBank, PV Gas, VPBank, Vinamilk, ACB và Sabeco để lọt vào Top 10 doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất sàn HoSE.
Cổ phiếu VPL được niêm yết với giá tham chiếu 71.300 đồng/cổ phiếu.
Vinpearl là cái tên thứ ba trong hệ sinh thái Vingroup hiện diện trong nhóm doanh nghiệp giá trị nhất trên sàn, bên cạnh Vingroup (VIC) và Vinhomes (VHM). Vingroup và Vinhomes hiện đang xếp thứ hai và thứ ba về vốn hóa trên HoSE, và với sự gia nhập của Vinpearl, tổng vốn hóa hệ sinh thái này (gồm VIC, VHM, VRE, VPL và VEF) đã chạm ngưỡng khoảng 30 tỷ USD.
Trước khi niêm yết, cơ cấu cổ đông của Vinpearl gồm Tập đoàn Vingroup nắm giữ 85,55% cổ phần, phần còn lại thuộc về 114 nhà đầu tư cá nhân trong nước.
Kết quả kinh doanh khả quan, tiềm năng tăng trưởng dài hạn
Vinpearl hiện là đơn vị vận hành chuỗi khách sạn, khu nghỉ dưỡng và tổ hợp giải trí hàng đầu Việt Nam với 48 cơ sở tại 18 tỉnh, thành, bao gồm 31 khách sạn - khu nghỉ dưỡng (hơn 16.000 phòng), 4 công viên chủ đề, 5 khu vui chơi, 4 sân golf, cùng nhiều cơ sở giải trí đặc biệt như học viện cưỡi ngựa, công viên bảo tồn động vật bán hoang dã, và trung tâm hội nghị - ẩm thực.
Trong quý I/2025, Vinpearl ghi nhận doanh thu thuần từ mảng kinh doanh cốt lõi đạt 2.435 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận gộp đạt 450 tỷ đồng, tăng 83%. Lợi nhuận sau thuế đạt 90 tỷ đồng. Tổng lượt khách lưu trú tại các khách sạn của Vinpearl tăng 18%, trong khi VinWonders ghi nhận gần 1,6 triệu lượt khách, tăng 29%.
Vinpearl đặt mục tiêu doanh thu năm 2025 đạt 14.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.700 tỷ đồng. Doanh nghiệp cũng khẳng định sẽ tiếp tục mở rộng hệ thống khách sạn, khu vui chơi và sân golf trong thời gian tới.
Định giá cao hơn trung bình khu vực
Theo Công ty Chứng khoán Vietcap, tại mức giá tham chiếu 71.300 đồng/cp, Vinpearl được định giá với hệ số P/E dự phóng năm 2025-2026 lần lượt là 73,1 và 55,6 lần, cao hơn nhiều so với trung vị khu vực là 19,5 và 16,9 lần. P/B dự phóng là 3,3 và 3,2 lần (so với trung vị 3,7 và 3,3). P/S đạt 9 và 7,8 lần, cũng cao hơn trung vị khu vực (5,6 và 5,4). ROE tương ứng 5% và 5,8%.
Dù chưa có báo cáo tài chính riêng cho Vinpearl, Vietcap ước tính giá trị doanh nghiệp của mảng khách sạn – nghỉ dưỡng trong hệ sinh thái Vingroup đạt khoảng 52.000 tỷ đồng, chưa tính đến giá trị quỹ đất và tiềm năng mở rộng trong tương lai.
Đáng chú ý, đây là trường hợp tái niêm yết thứ hai trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam sau cổ phiếu BBT của Công ty Bông Bạch Tuyết. Sự kiện niêm yết lại của Vinpearl đánh dấu bước ngoặt quan trọng, khẳng định tiềm lực tăng trưởng dài hạn của ngành du lịch – nghỉ dưỡng trong nước.