Công nghệ góp phần thay đổi hoạt động tôn giáo như thế nào?

10:16, 24/02/2021

Các loại hình thăm viếng, cầu an, tụng kinh hay nghi lễ tôn giáo truyền thống vốn đòi hỏi sự tham gia trực tiếp của các tín đồ nay đều đang dần phải thay đổi, phần lớn là do tác động của đại dịch Covid-19.

Do tác động của các quy định về giãn cách xã hội vì lo ngại lây lan Covid-19, nhiều tổ chức và giáo hội Phật giáo của các nước đã đưa ra những giải pháp khác nhau để tạm thời hỗ trợ phật tử tham gia các hoạt động Phật giáo mà không phải trực tiếp tới chùa hay các địa điểm tín ngưỡng. Phổ biến trong số các giải pháp này là chuyển sang hình thức hoạt động trực tuyến. Từ việc cúng dường, tổ chức các buổi thiền, tụng kinh niệm phật và các nghi lễ khác đều có thể chuyển sang trực tuyến.

Trong số các loại hình hỗ trợ tôn giáo trực tuyến, có thể kể tới 4 loại hình triển khai phổ biến bao gồm: Biểu mẫu web (một hình thức tương tác trực tuyến đơn giản để khai báo thông tin của phật tử và đóng góp của họ), Kios điện tử (nơi để các tín đồ quẹt thẻ để quyên góp), quyên góp qua tin nhắn, ứng dụng quyên góp qua điện thoại di động. Sở dĩ việc chuyển dịch dần sang các hình thức quyên góp và thu phí trực tuyến một phần là do hiện nhiều người đã ít mang tiền mặt hơn, việc quyên góp trực tuyến thuận tiện và quản lý nguồn tiền quyên góp minh bạch hơn.

Các tổ chức Phật giáo và các tôn giáo khác ở nhiều quốc gia đã triển khai những loại hình quyên góp trực tuyến thành công và dần trở nên phổ biến. Điển hình trong số đó có thể kể tới một số quốc gia láng giềng như Singapore, Thái Lan hay Trung Quốc.

Trung Quốc là một trong những nơi tiên phong chuyển dịch qua ví điện tử dưới nhiều hình thức, trong đó nổi bật là hai phương thức thanh toán qua AliPay và WeChat Pay, sau đó còn phải kể tới Baidu Pay. Tất cả đều được thúc đẩy trong bối cảnh chung của nền kinh tế trực tuyến do chính phủ Trung Quốc khởi xướng, theo đó các hình thức thanh toán của quốc gia này đều được số hóa tối đa đến mức “ăn mày” ở quốc gia này cũng sử dụng QR Code để giao dịch và xin tiền.

Không chỉ trong thanh toán, ngay cả các hoạt động thường nhật như cầu nguyện giờ đây cũng được tổ chức dưới dạng phát trực tuyến (livestream) để thu hút nhiều tín đồ và giới trẻ Trung Quốc tham gia, mở rộng ảnh hưởng của các tổ chức tôn giáo thay vì chỉ diễn ra riêng lẻ tại từng ngôi chùa như trước. Trung Quốc là nơi khởi phát dịch bệnh Covid-19 nên các tổ chức Phật giáo tại quốc gia này là nơi đầu tiên phải đối mặt với khủng hoảng việc tìm kiếm nhanh chóng các giải pháp hỗ trợ phật tử tham gia các hoạt động tín ngưỡng chung như cầu nguyện, thăm viếng.

Sau đại dịch, các loại hình tín ngưỡng trực tuyến đã dần được triển khai rộng rãi khắp quốc gia tỉ dân này. Hiện nhiều ngôi chùa lớn tại Bắc Kinh còn cho phép phật tử tham quan 3D, khấn vái từ xa qua trang web và cầu siêu qua mạng.

Tại Singapore, Phật giáo cũng giống như các tín ngưỡng khác, đã phát triển mạnh và chuyển dịch một phần sang hình thức trực tuyến ngay cả trước khi xảy ra đại dịch Covid-19 khiến việc tụ tập tôn giáo hay thờ phụng bị hạn chế. Ở quốc gia này, các ngôi chùa và nhóm Phật giáo đã tìm ra những cách sáng tạo của riêng họ để tiếp tục thực hành các hoạt động tâm linh của mình trong những ngày hành lễ, trong đó bao gồm cả Đại lễ Vesak.

Theo truyền thống, phật tử đến thăm các ngôi chùa vào Ngày Vesak để tham gia các nghi lễ như tụng kinh, tắm tượng phật hay tham gia nhập thất, các hoạt động này kéo dài và các ngôi chùa không đủ kinh phí để hỗ trợ tổ chức các hoạt động Vesak thông thường của họ. Giờ đây, họ cần tổ chức các hoạt động quyên góp công đức để tiếp nhận sự hỗ trợ của các tín đồ cho hoạt động chung và dĩ nhiên không thể diễn ra theo kiểu truyền thống vì phải tuân thủ giãn cách xã hội. Đó là lúc ra đời các loại hình ví điện tử hoặc chuyển khoản trực tuyến mà qua đó các tín đồ có thể dễ dàng tham gia từ xa.

Ví dụ, những tín đồ muốn cúng dường qua Thekchen Choling (một tổ chức Phật giáo tại Singapore) có thể tạo một tài khoản trực tuyến với ngôi chùa Phật giáo Tây Tạng ở đây và trả tiền lễ vật thì có thể chi trả từ xa với thẻ hương 18 USD, đèn cúng 10 USD, đồ cúng chay và quyên góp 30 USD… Các tín đồ thực hiện những lễ vật này để dâng hiến công đức cho bản thân hoặc những người thân yêu của họ trong quá trình làm lễ trực tuyến.

Ông Vincent Kessler, trưởng ban tổ chức Đại lễ Vesak tại Thekchen Choling (Singapore) chia sẻ với Straistimes rằng, "cổng thông tin dịch vụ trực tuyến là một phần của hệ thống tích hợp IT mà chúng tôi đã triển khai gần ba năm nay, cho phép chuyển sang hình thức trực tuyến và hỗ trợ các phật tử 24/24 dễ dàng hơn”. Ông nói thêm ngôi đền của tổ chức Phật giáo này cũng nhận thấy việc tham gia trực tuyến đã giúp họ tiếp cận với nhiều tín đồ mới và giới trẻ hơn. Cổng thông tin này càng trở nên hữu ích khi xảy ra đại dịch Covid-19.

Đó chỉ là hai trong số các quốc gia đã và đang dần ứng dụng mạnh mẽ công nghệ vào việc chuyển đổi các hoạt động tôn giáo truyền thống sang trực tuyến. Bên cạnh đó vẫn còn đó nhiều tranh cãi trong việc ứng dụng công nghệ vào tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng, nhưng nhìn chung bức tranh toàn cảnh của việc ứng dụng công nghệ vào tôn giáo đang dẫn trở nên rõ ràng hơn và khó tránh, bởi nó là công cụ hữu hiệu cho phép kết nối và mở rộng ảnh hưởng tín ngưỡng với các tín đồ hiện có lẫn tiềm năng của các tổ chức tôn giáo, trong đó có Phật giáo.

Theo thanhnien.vn