Covid-19 là “cú huých” trăm năm cho chuyển đổi số quốc gia

Hữu Ích 14:10, 09/05/2020

Ngày 8-5, phát biểu tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước bốn tháng đầu năm 2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT), Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ: Chúng ta coi Covid-19 là cơ hội trăm năm cho chuyển đổi số quốc gia và cũng là cú huých trăm năm của chuyển đổi số. Do vậy, ngành TT-TT phải nắm bắt cơ hội này để bứt phá, vươn lên, dẫn đầu chuyển đổi số quốc gia.

Hội nghị giao ban quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông bốn tháng đầu năm 2020.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, ngành TT-TT bao gồm cả công nghệ và báo chí, tuyên truyền, trong thời gian Covid-19 vừa qua đã có đóng góp rất lớn để Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh thành công, bước đầu đã được Đảng, Chính phủ khen ngợi.

Tới đây khi nền kinh tế tái khởi động, toàn dân ra sức phục hồi kinh tế, tìm cách vươn lên thì ngành TT-TT cũng phải có đóng góp lớn để công cuộc tái khởi động này thành công. Ngành TT-TT phải đóng góp trong hai quá trình chống dịch và quá trình phát triển kinh tế để đạt mục tiêu kép của Chính phủ đã đề ra, Bộ trưởng lưu ý.

Bộ TT-TT sẽ ra một chỉ thị mới để hiệu triệu tất cả các doanh nghiệp ICT, các cơ quan báo chí, truyền thông tham gia và thúc đẩy tái khởi động nền kinh tế bứt phá vươn lên. Việc này Thủ tướng đã giao Bộ TT-TT chỉ đạo các cơ quan báo chí lập các chuyên mục trên các báo, đài phát thanh – truyền hình, báo nói, báo điện tử để thúc đẩy việc tái khởi động nền kinh tế.

Bộ trưởng cho biết, vừa qua, ngành TT-TT đã xây dựng được khá nhiều phần mềm áp dụng trong phòng, chống dịch Covid-19 như: Khai báo y tế bắt buộc tại cửa khẩu, phầm mềm khai báo y tế tự nguyện NCOVI, phần mềm phát hiện tiếp xúc gần Bluezone, phần mềm dự báo dịch bệnh, và rất nhiều các phần mềm khác đều do Việt Nam làm. Ngoài ra, một số phần mềm được chia sẻ quốc tế, lấy ý kiến cộng đồng, chia sẻ mã nguồn mở. Đây là lần đầu tiên một phần mềm tác động tới người dân do cơ quan quản lý Nhà nước chỉ đạo phát triển, sử dụng công khai rộng rãi cho người dân, được cộng đồng góp ý, tới đây có thể mở rộng ra để thế giới tham khảo.

Vào tháng 8 tới, sẽ tổ chức Đại hội Hội mã nguồn mởi Việt Nam lần đầu tiên cũng như xây dựng chiến lược cho mã nguồn mở. Đây chính là cơ hội cho “Make in Viet Nam” để làm chủ các nền tảng chuyển đổi số cho từng ngành, từng lĩnh vực. Thị trường hiện nay của chúng ta lớn, Việt Nam có khát vọng vươn lên thông qua việc chuyển đổi số.

“Chúng ta nói chuyển đổi số mà không có nền tảng Việt Nam thì chuyển đổi số trở thành nguy hiểm. Làm chủ nền tảng chuyển đổi số Việt Nam được coi là yếu tố quan trọng nhất. Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam phải đẩy nhanh việc phát triển và làm chủ các nền tảng số. Bộ TT-TT sẽ cùng nhịp với công cuộc chuyển đổi này”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, thời dịch Covid-19 sẽ đẩy nhanh tiến độ của Chương trình mỗi người Việt Nam sở hữu một điện thoại thông minh và mỗi hộ dân Việt Nam một đường truyền cáp quang internet tốc độ cao. Bộ xác định đây là nền tảng chuyển đổi số, nếu thiếu hai cái này thì rất khó để nói đến chuyển đổi số. Hiện Việt Nam vẫn còn 15-16 triệu người dùng 2G và 40% hộ gia đình vẫn chưa có đường truyền internet tốc độ cao bằng cáp quang. Bộ TT-TT đặt mục tiêu cơ bản trong năm 2020 mỗi người Việt Nam có một máy điện thoại thông minh, đến 2021, cơ bản mỗi hộ gia đình có một đường truyền internet tốc độ cao bằng cáp quang. Bộ trưởng yêu cầu các nhà mạng tập trung thúc đẩy việc này để sớm đạt mục tiêu đã đề ra. Nếu đạt 80-90% thì Việt Nam tương đương với các nước phát triển về hạ tầng ICT.

Về triển khai 5G, dự kiến tháng 6 tới, thiết bị 5G của Việt Nam sẽ được thử nghiệm trên mạng lưới; tháng 10, Việt Nam sẽ thương mại hóa 5G bằng thiết bị Việt Nam ở quy mô đã xác định. Do vậy các nhà mạng và nhà sản xuất cần hợp tác chặt chẽ với nhau. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh 4G.

Về Mobile Money, mặc dù đã chậm, song cố gắng trong tháng 6, Ngân hàng Nhà nước và Bộ TT-TT sẽ cấp phép cho các doanh nghiệp viễn thông, đề nghị các doanh nghiệp chuẩn bị kỹ đề án cũng như cơ sở vật chất để triển khai nhanh khi có giấy phép. Về việc này, Thủ tướng đã đồng ý để cho phép triển khai trên toàn quốc.

Về an toàn, an ninh mạng, Bộ TT-TT đã yêu cầu tất cả các tổ chức có ứng dụng CNTT đều phải xây dựng hệ thống bảo vệ. Vừa qua, các tổ chức, doanh nghiệp nhận ra điều này nên doanh thu của các doanh nghiệp an toàn, an ninh mạng tăng lên đáng kể. Thị phần của các sản phẩm an ninh mạng Việt Nam cũng tăng lên một cách đáng kể (gấp đôi). Ưu tiên sử dụng các sản phẩm an toàn, an ninh mạng do Việt Nam sản xuất, mục tiêu năm 2020 là cơ bản hệ sinh thái an toan, an ninh mạng do Việt Nam làm chủ.

Về doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đón nhận làn sóng chuyển dịch cung ứng toàn cầu về Việt Nam, ưu tiên các doanh nghiệp công nghệ lớn. Các địa phương cần có chương trình phát triển các doanh nghiệp công nghệ số của mình, trung bình 1.000 người dân phải có một doanh nghiệp công nghệ số.

Về thay đổi phương thức quản lý nhà nước, Bộ TT-TT đang tập trung đưa công tác quản lý nhà nước trên mạng trực tuyến. Đây là thay đổi phương thức quản trị rất căn bản của Bộ TT-TT, tránh tiếp xúc doanh nghiệp, đơn vị, giảm thời gian, giảm nhũng nhiễu, phiền hà. Để làm được việc này, các đơn vị quản lý nhà nước phải kết nối được với các đơn vị trong Ngành, các đơn vị trong Ngành thực hiện nghiêm việc kết nối về Bộ. Bộ trưởng giao Cục An toàn thông tin, Cục viễn thông, Cục Bưu điện Trung ương bảo đảm an toàn cho việc kết nối này.

Về khó khăn trong hoạt động thông tin, tuyên truyền, Bộ TT-TT đã hỗ trợ 9 tỷ đồng để đặt hàng báo chí. Doanh nghiệp ICT đã đồng hành hỗ trợ cho báo chí, các nhà mạng đã hỗ trợ miễn phí đường truyền cho các cơ quan báo chí trong hai tháng cao điểm chống dịch Covid-19. Bộ đang đề nghị Chính phủ đặt hàng cho báo chí năm 2020 thêm khoảng 100 tỷ. Đồng thời, Bộ TT-TT đã có văn bản gửi đến Chính phủ và các địa phương coi lĩnh vực báo chí là lĩnh vực thiết yếu, hoạt động bình thường trong mùa dịch Covid-19.

Tại Hội nghị, các đại biểu đều đồng tình và đánh giá cao vai trò của ngành TT-TT trong thời gian qua, đã chung sức, đồng lòng cùng Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân kiểm soát và đẩy lùi đại dịch Covid-19, tạo niềm tin xã hội, cùng cả nước vượt qua đại dịch. Cũng nhân dịp này, một số doanh nghiệp, cơ quan báo chí, xuất bản, hiệp hội… đã có ý kiến đóng góp, kiến nghị gửi tới Bộ TT-TT nhằm sớm hoàn thiện cơ chế chính sách để thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh; đóng góp nhiều hơn cho đất nước…

 

Theo nhandan.com.vn