Đào tạo báo chí - truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay

11:15, 06/06/2024

Chiều ngày 5/6, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp với Vụ Báo chí – Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương), Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông), Hội Nhà báo và các cơ quan, ban ngành tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia "Đào tạo báo chí - truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay”.

Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh: Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, tác động sâu rộng, làm thay đổi căn bản nhiều mặt hoạt động của đời sống xã hội, trong đó có hoạt động báo chí - truyền thông. Chuyển đổi số không còn là sự lựa chọn, mà là nhiệm vụ đặt ra đối với từng cơ quan báo chí, cơ sở truyền thông, để vừa phục vụ tốt nhất, nhanh nhất nhu cầu thông tin của công chúng, vừa phù hợp với xu thế phát triển chung của thời đại, đồng thời tối ưu hóa các nguồn lực cho sự phát triển của báo chí - truyền thông nước nhà.

Chú thích ảnh

Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại hội thảo. 

Trước những thách thức và cơ hội mà Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 348/QĐ-TTg ngày 6/5/2023 phê duyệt Chiến lược "Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", với mục tiêu “xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; bảo đảm vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số".

Ông Lê Quốc Minh nhận định, chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí, truyền thông không chỉ dừng lại ở việc đẩy mạnh tin học hóa và số hóa dữ liệu trong hoạt động báo chí, mà còn là sự thay đổi toàn diện hoạt động báo chí - truyền thông trên nền tảng công nghệ số. Cụ thể như: Thay đổi mô hình quản trị toà soạn; tư duy và phương thức lãnh đạo, quản lý hệ thống; quy trình sản xuất, phát triển nội dung và phương thức tác nghiệp báo chí - truyền thông đa nền tảng; vấn đề tiếp thị công chúng; phương thức quản lý dữ liệu, văn hóa báo chí - truyền thông...

Do vậy, ngoài nền tảng công nghệ và nguồn lực tài chính dồi dào, thì khả năng thích nghi của mỗi cơ quan báo chí, truyền thông với một tương lai kỹ thuật số sẽ tùy thuộc vào việc phát triển được hay không một thế hệ lãnh đạo, quản lý, đội ngũ người làm công tác báo chí - truyền thông với kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm lao động nghề nghiệp chuyên nghiệp trong môi trường số. Điều này đang đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao hơn đối với công tác đào tạo báo chí - truyền thông hiện nay, để có thể theo kịp xu thế phát triển chung và đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao kịp thời cho xã hội trong bối cảnh chuyển đổi số.

Trong bối cảnh hiện nay, công tác đào tạo, bồi dưỡng tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền báo chí - truyền thông số ở nước ta. “Điều này đã được khẳng định trong Chiến lược "Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", khi Chính phủ đặt ra mục tiêu “100% các cơ sở giáo dục đại học chuyên ngành báo chí hoặc có khoa báo chí cập nhật các kiến thức, kỹ năng tác nghiệp trong môi trường báo chí số trong chương trình đào tạo cho sinh viên; 100% lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, biên tập các cơ quan báo chí được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số báo chí”, ông Lê Quốc Minh nhấn mạnh.

Chú thích ảnh

Quang cảnh hội thảo.

Thực tế trong thời gian qua, các cơ sở đào tạo báo chí - truyền thông đã sớm tích hợp, đưa các nội dung của chuyển đổi số vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng; đồng thời, thường xuyên cập nhật, bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện các chương trình khung, chương trình chi tiết của từng chuyên ngành, phù hợp với yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn.

Các nhà trường cũng đã chú trọng đổi mới tư duy, phương pháp đào tạo theo hướng hiện đại, đồng bộ, kết hợp giữa lý luận và thực tiễn, giữa giảng dạy lý thuyết và hướng dẫn thực hành; trang bị các kiến thức, kỹ năng lao động cần thiết cho người học trong môi trường số, đưa các mô hình tòa soạn số, trường quay ảo, công nghệ truyền thông thế hệ mới... vào giảng đường; song song với đó là bồi dưỡng, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, tâm huyết, công tâm, khách quan trong thực thi nhiệm vụ, luôn đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, của nhân dân lên trước hết.

Tuy nhiên, bối cảnh chuyển đổi số hiện nay đang đặt ra yêu cầu đối với các cơ sở đào tạo báo chí - truyền thông cần xác định lại triết lý, mục tiêu đào tạo phù hợp với xu thế mới; sớm xây dựng một khung chương trình chuẩn về đào tạo báo chí, truyền thông của quốc gia, gắn với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đây là những thách thức mới đặt ra đối với công tác đào tạo báo chí, truyền thông trong nước, nhất là trong bối cảnh chất lượng đào tạo có nơi chưa đáp ứng được yêu cầu hoặc chậm được đổi mới về phương pháp, việc đầu tư cơ sở vật chất và nguồn lực, xây dựng cơ chế riêng cho đào tạo báo chí, truyền thông còn nhiều bất cập, thiếu thốn...

Trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu là lãnh đạo các đơn vị thuộc Hội Nhà báo Việt Nam, lãnh đạo các cơ quan báo chí, các nhà khoa học đã chia sẻ nhiều tham luận giá trị, tham gia tọa đàm bàn tròn, nhằm nghiên cứu, quán triệt, thảo luận, đề xuất các giải pháp, khuyến nghị để tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo báo chí - truyền thông đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số ở Việt Nam trong thời gian tới.

Các đại biểu bày tỏ sự thống nhất với một số ý kiến cho rằng môi trường truyền thông mới, đặc biệt là việc chuyển đổi số báo chí đòi hỏi phải có cơ chế mới trong việc bồi dưỡng và đào tạo nhà báo. Các phương tiện truyền thông mới có nhiều tính năng, vừa có chữ viết, âm thanh, vừa có hình ảnh, là sự tổng hợp của tất cả các phương tiện truyền thông truyền thống. Đối với nhà báo số hiện nay, phải biết ứng dụng các kỹ thuật truyền thông mới, biết quay phim, viết, xử lý âm thanh, hình ảnh, đồng thời phải nắm bắt các kỹ thuật thông tin hiện đại như Skype, MSN, blog, Podcasting… Vì vậy, yêu cầu công tác đào tạo báo chí cần phải cải tiến một cách mạnh mẽ, vừa khoa học, nhưng phải mang tính hệ thống... để thích ứng với nhu cầu của các phương tiện truyền thông đang trong quá trình đổi mới, từ đó đào tạo ra đội ngũ nhà báo số chuyên nghiệp, phù hợp với nhu cầu phát triển và chuyển đổi số báo chí hiện nay.

Theo Tạp chí Văn hóa & Phát triển

(https://vanhoavaphattrien.vn/dao-tao-bao-chi-truyen-thong-trong-boi-canh-chuyen-doi-so-hien-nay-a25249.html)