Đào tạo phi công bằng buồng lái giả định

13:08, 29/02/2020

Giờ đây bất kỳ ai đều có thể học làm phi công máy bay mà không cần phải thông qua hãng hàng không như trước nay.

Theo dự đoán của CAAV, cho đến năm 2023, ngành hàng không cần bổ sung thêm 2.700 phi công chuyên nghiệp nhằm đáp ứng cho tiến trình tăng trưởng mạnh mẽ. Nhu cầu này xuất phát từ lượng khách tăng trưởng mỗi năm, cùng sự ra đời của hàng loạt hãng hàng không mới. Do đó, việc đào tạo nên một thế hệ phi công chất lượng cao trở thành một bài toán vô cùng cấp bách.

Thấu hiểu thực trạng đó, từ tháng 9/2019, trung tâm đào tạo chuyên dụng của BAA Training Việt Nam đã chính thức đi vào hoạt động với tổng diện tích lên đến 3.000m2. Với hệ thống buồng lái giả định đầu tiên được lắp đặt - Airbus A20ceo, trung tâm bắt đầu cung cấp dịch vụ đào tạo cho cả những cá nhân tự tài trợ lẫn các hãng hàng không lớn. Sau khi tận dụng hết công suất của thiết bị Airbus A320ceo, trung tâm quyết định đưa thiết bị buồng lái giả định đời mới Airbus A320neo vào hoạt động tại thị trường nội địa.

Buồng lái giả định Airbus A320ceo để đào tạo phi công.

Từ thời điểm chính thức đi vào hoạt động, BAA Training Việt Nam đã sử dụng hơn 1.400 giờ của thiết bị buồng lái giả định để cung cấp dịch vụ đào tạo chuyên môn cho các hãng hàng không như Bamboo, VietJet cùng nhiều hãng khác. Thêm vào đó là một trung tâm đào tạo hàng không độc lập đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam, đã đào tạo 34 phi công cho loại máy bay Airbus A320 đến từ Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và các quốc gia khác.

Giờ đây, khi có thêm thiết bị buồng lái giả định mới, BAA Training Việt Nam sẽ mang đến thị trường nội địa tổng cộng hơn 14.600 giờ bay mỗi năm, cũng như lên kế hoạch đào tạo 120 phi công, dành hơn 10.000 giờ cho công tác đào tạo định kỳ và cung cấp các dịch vụ cho thuê. Đồng thời, dự tính sẽ có thêm hai thiết bị buồng lái giả định đi vào hoạt động trong năm 2021.

Bên cạnh đó, BAA Training Việt Nam còn lắp đặt thêm thiết bị mới phục vụ cho công tác huấn luyện chữa cháy - V9000 Commander. Với tính năng mô phỏng lửa và khói, thiết bị này giúp đào tạo các thành viên phi hành đoàn khả năng ứng biến trong trường hợp khẩn cấp  như chữa cháy và sơ tán an toàn cho hành khách.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Vytautas Jankauskas - Giám đốc điều hành BAA Training Việt Nam cho biết: “Theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam, các hãng nội địa hiện đang khai thác 170 máy bay, tuy nhiên con số này sẽ tăng lên thành 200 vào năm 2020, đòi hỏi số lượng phi công cũng phải tăng thêm 200 người mỗi năm.

Với trọng tâm ở máy bay thân hẹp như Airbus A320, BAA Training Việt Nam đang nỗ lực đảm bảo thị trường nội địa có đầy đủ nguồn lực cần thiết phục vụ công tác đào tạo phi công. Đặc biệt, là trung tâm huấn luyện hàng không duy nhất hiện tại ở Việt Nam, chúng tôi mong muốn có thể giúp các cá nhân tự do hiện thực hoá mơ ước của mình”.

PV/TH