Đặt đạo đức và văn hóa kinh doanh vào tâm điểm phát triển kinh tế tư nhân
Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân là dấu mốc quan trọng, thể hiện tư duy phát triển mới: coi đạo đức và văn hóa kinh doanh là nền tảng cốt lõi. Nghị quyết không chỉ khẳng định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng, mà còn nhấn mạnh vai trò thiết yếu của đạo đức, văn hóa trong việc giúp doanh nghiệp trụ vững trước biến động toàn cầu.
Tư tưởng này càng trở nên thuyết phục khi đặt bên cạnh Nghị quyết số 66-NQ/TW về công tác lập pháp – nơi xác lập tầm nhìn pháp lý hiện đại: bảo đảm quyền tự do kinh doanh, thiết lập một môi trường cạnh tranh công bằng, đồng thời tiệm cận với thông lệ quốc tế.
Trong một hệ sinh thái như vậy, đạo đức kinh doanh không thể chỉ là khuyến nghị mềm, mà cần trở thành nguyên lý cứng, gắn chặt với chuẩn mực pháp luật và niềm tin xã hội.
Bởi lẽ, trong thời đại niềm tin trở thành “tài sản mềm” quyết định thành bại, không có đạo đức, doanh nghiệp không thể tồn tại lâu dài, dù sở hữu tiềm lực tài chính hay công nghệ tối tân.
Kinh nghiệm toàn cầu đã chứng minh: những nền kinh tế mạnh đều dựa trên trụ cột đạo đức kinh doanh vững chắc. Ở Nhật Bản, tinh thần Monozukuri không chỉ là kỹ nghệ chế tác tinh xảo, mà là triết lý gắn với sự tận tâm, trung thực, và tôn trọng khách hàng.
Ở Đức, giá trị “Made in Germany” trở thành bảo chứng toàn cầu cho sự nghiêm túc, kỷ luật và trách nhiệm xã hội. Còn tại Mỹ, những “gã khổng lồ” như Apple, Microsoft, Google không ngừng đầu tư vào phát triển cộng đồng, bảo vệ môi trường, và thể hiện trách nhiệm doanh nghiệp vượt ra ngoài lợi nhuận.
Những mô hình này khẳng định rõ: đạo đức và văn hóa không chỉ song hành, mà chính là nền tảng của khả năng cạnh tranh bền vững.
Đó cũng là lý do vì sao Nghị quyết 68 đưa ra bộ tiêu chí đánh giá doanh nghiệp tư nhân theo chuẩn quốc tế – từ tuân thủ pháp luật, tạo việc làm, nộp ngân sách, đến tham gia an sinh xã hội.
Những tiêu chí này không đơn thuần là “thước đo” hành chính, mà chính là “tấm hộ chiếu giá trị” để doanh nghiệp Việt vươn ra thế giới với tư thế ngang tầm.
Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng, mà còn nhấn mạnh vai trò thiết yếu của đạo đức, văn hóa trong việc giúp doanh nghiệp trụ vững trước biến động toàn cầu.
Thực tế đã chứng minh: nhiều doanh nghiệp nội địa đang tạo ra những chuẩn mực đáng ngưỡng mộ. Vinamilk với Quỹ “1 triệu cây xanh”, Vingroup với hệ thống giáo dục – y tế phi lợi nhuận, hay TH True Milk với mô hình sản xuất xanh – tất cả đều cho thấy: lợi nhuận và trách nhiệm xã hội không phải là hai con đường tách biệt, mà có thể hội tụ và cộng hưởng.
Tuy nhiên, bức tranh chung vẫn còn những khoảng xám. Theo Tổng điều tra kinh tế 2024, phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn xem nhẹ đạo đức kinh doanh, chạy theo lợi nhuận ngắn hạn, thiếu định hướng dài hạn và bền vững. Đây chính là “gót chân Achilles” của khu vực kinh tế tư nhân – dễ tổn thương và dễ đánh mất cơ hội phát triển.
Do đó, xây dựng đạo đức và văn hóa kinh doanh không thể chỉ trông chờ vào sự tự giác của doanh nghiệp hay những khẩu hiệu truyền thông.
Đó phải là một phong trào xã hội có tính hệ thống, bắt đầu từ giáo dục – nơi hình thành những “gen đạo đức” cho thế hệ doanh nhân tương lai. Việc tích hợp chương trình đào tạo khởi nghiệp, kinh doanh có đạo đức vào nhà trường – như Nghị quyết 68 đã định hướng – là yêu cầu cấp thiết.
Một thế hệ doanh nhân chỉ giỏi kiếm tiền nhưng thiếu bản lĩnh đạo đức và trách nhiệm xã hội sẽ không thể làm chủ nền kinh tế tương lai.
Ngược lại, một lớp doanh nhân dám mơ lớn, biết nghĩ sâu và hành xử có đạo lý sẽ trở thành lực lượng tiên phong dẫn dắt đất nước. Để nuôi dưỡng lớp doanh nhân như vậy, vai trò “kiến tạo” của Nhà nước là không thể thiếu.
Nghị quyết 66-NQ/TW đã nhấn mạnh yêu cầu hoàn thiện thể chế, vừa bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, vừa xử lý nghiêm các hành vi gian lận, thao túng, cạnh tranh không lành mạnh. Khi pháp luật trở thành “lá chắn công bằng”, đạo đức kinh doanh mới có đất để bén rễ và phát triển thành thế mạnh cạnh tranh.
Về phía doanh nghiệp, cần một cuộc “cách mạng từ bên trong”: xây dựng văn hóa doanh nghiệp dựa trên nền tảng trung thực, tôn trọng, sáng tạo và hợp tác. Việc đào tạo đạo đức nghề nghiệp, xây dựng hệ thống quản trị minh bạch, công bố báo cáo trách nhiệm xã hội (CSR), triển khai bộ tiêu chuẩn ESG (môi trường – xã hội – quản trị)... không còn là lựa chọn, mà dần trở thành điều kiện sống còn để doanh nghiệp hội nhập và nâng tầm.
Đạo đức và văn hóa kinh doanh, một khi đã trở thành lõi giá trị, sẽ giúp doanh nghiệp Việt không chỉ giữ vững thị trường trong nước, mà còn đủ sức bước ra sân chơi toàn cầu, góp phần hình thành những “thương hiệu quốc gia” đáng tự hào.
Nhưng để làm được điều đó, cần một chuyển động đồng bộ – từ siêu nhỏ, nhỏ, vừa đến lớn; từ doanh nghiệp đến người tiêu dùng, truyền thông, hiệp hội và các cơ quan quản lý. Đây là một hành trình không của riêng ai.
Trong một thế giới đang thay đổi với tốc độ chưa từng có, tài sản lớn nhất của doanh nghiệp không còn là máy móc, tiền vốn hay quy mô, mà là niềm tin. Và con đường dẫn tới niềm tin bền vững nhất, chính là đạo đức và văn hóa kinh doanh.
Nghị quyết 68 đã mở ra cánh cửa lớn để tái định nghĩa vị thế của kinh tế tư nhân trong công cuộc phát triển đất nước. Câu hỏi đặt ra là: chúng ta – từ doanh nghiệp đến Nhà nước, từ xã hội đến từng cá nhân – có dám bước qua cánh cửa ấy bằng sự trung thực, trách nhiệm và khát vọng kiến tạo hay không?