Đề xuất mở rộng đối tượng tham gia hợp tác xã, tổ hợp tác
Dự thảo Luật đã sửa đổi, làm rõ quy định cá nhân, tổ chức có thể góp vốn bằng quyền sở hữu hoặc quyền tài sản khác đối với tài sản góp vốn là quyền sử dụng đất, phương tiện vận tải hay các tài sản bằng hiện vật khác cho tổ chức kinh tế hợp tác theo quy định của Điều lệ
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, chiều 22/10, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật Hợp tác xã (HTX) (sửa đổi).
HTX Tinh Hoa Farm ở phường Tân Lập, thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk)
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự thảo dự án Luật gồm 12 chương, 111 điều; trong đó bãi bỏ 3 Điều, sửa đổi 65 Điều, bổ sung 49 Điều so với Luật Hợp tác xã năm 2012, bám sát 5 nhóm chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Hợp tác xã (sửa đổi).
Đáng quan tâm, dự án Luật đã làm rõ nội dung 7 nguyên tắc của Liên minh Hợp tác xã quốc tế, trong đó nhấn mạnh nguyên tắc về giáo dục, tập huấn thường xuyên cho thành viên, người lao động. Đồng thời, mở rộng đối tượng tham gia tổ chức kinh tế hợp tác với cá nhân từ 15 tuổi trở lên, tổ hợp tác, tổ chức không có tư cách pháp nhân; thành viên liên kết có góp vốn, thành viên liên kết không góp vốn.
Thể chế hóa Nghị quyết 20-NQ/TW, dự án Luật bổ sung đối tượng tổ hợp tác và liên đoàn hợp tác xã với các quy định mang tính nguyên tắc để định vị địa vị pháp lý của các tổ chức này, làm căn cứ cho Chính phủ quy định chi tiết trên cơ sở đánh giá thực tiễn, mô hình thí điểm và học tập kinh nghiệm quốc tế.
Trong đó, tổ hợp tác không có tư cách pháp nhân; việc thành lập, đăng ký và hoạt động của tổ hợp tác sẽ do Chính phủ quy định chi tiết trên cơ sở sửa đổi Nghị định 77/2019/NĐ-CP về tổ hợp tác. Liên đoàn Hợp tác xã là tổ chức kinh tế có quy mô cấp vùng, cấp quốc gia trong các lĩnh vực, ngành nghề, chuỗi giá trị hoạt động chuyên môn hoá cao; đồng thời hỗ trợ, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho thành viên của liên đoàn.
Dự thảo Luật đã sửa đổi, làm rõ quy định cá nhân, tổ chức có thể góp vốn bằng quyền sở hữu hoặc quyền tài sản khác đối với tài sản góp vốn là quyền sử dụng đất, phương tiện vận tải hay các tài sản bằng hiện vật khác cho tổ chức kinh tế hợp tác theo quy định của Điều lệ, quy định của pháp luật và quy định về định giá phần vốn góp; việc góp vốn bằng quyền tài sản khác thì không phải chuyển quyền sở hữu đối với tài sản góp vốn từ thành viên sang tổ chức kinh tế hợp tác; cho phép thành viên được phép chuyển nhượng phần vốn góp và được tổ chức kinh tế hợp tác xác nhận.
Đồng thời làm rõ quy định tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân được phép hoạt động tín dụng nội bộ khác với hoạt động tín dụng của ngân hàng theo quy định của pháp luật.
Bổ sung quy định về quỹ chung không chia, yêu cầu trích lập vào quỹ chung không chia hằng năm tối thiểu 5% lợi nhuận từ các hoạt động giao dịch bên ngoài, do quỹ này mang tính đặc thù riêng của các tổ chức kinh tế hợp tác để hình thành và phát triển tài sản chung không chia; tài sản chung không chia được phép chuyển nhượng, định giá, thanh lý theo quy định của tổ chức kinh tế hợp tác và đưa vào quỹ chung không chia; tăng tỷ lệ vốn góp tối đa của thành viên hợp tác xã từ 20% lên 30% vốn điều lệ, của thành viên liên hiệp hợp tác xã từ 30% lến 40% vốn điều lệ...
Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Hợp tác xã (sửa đổi) nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý thống nhất, đầy đủ cho hoạt động của hợp tác xã trong giai đoạn mới; góp phần thúc đẩy việc phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững theo đúng tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW.
Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, dự thảo Luật đã khẳng định Bộ Kế hoạch và Đầu tư giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về các tổ chức kinh tế hợp tác trong phạm vi cả nước; sở kế hoạch và đầu tư là cơ quan thống nhất quản lý nhà nước về các tổ chức kinh tế hợp tác tại địa phương.
Tuy nhiên, để tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước đối với hợp tác xã, cũng cần nghiên cứu về việc tăng cường nguồn lực, nhất là nhân lực cho các sở kế hoạch và đầu tư làm đầu mối về quản lý nhà nước đối với hợp tác xã tại địa phương; nghiên cứu về việc giao một số nội dung quản lý nhà nước cụ thể có thể ủy quyền cho hệ thống liên minh hợp tác xã đảm nhận.
Bảo Trân (T/h)