Doanh thu 'khủng' của đại gia công nghệ HPT đến từ đâu?
Nhiều năm qua, Công ty cổ phần Dịch vụ Công nghệ Tin học HPT (mã: HPT; Công ty HPT) gây chú ý với doanh thu cao ngất ngưởng hơn 900 tỉ đồng, chia cổ tức hậu hĩnh… Nhờ mối quan hệ thân thiết với các ngân hàng, HPT cũng huy động được nguồn vốn hàng trăm tỉ đồng để “quay vòng” kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ.
Doanh thu cao, biên lợi nhuận “mỏng”?
Năm 2019, Công ty cổ phần Công nghệ tin học HPT đã nhận sáp nhập Công ty TNHH Công nghệ HPT, hình thành CTCP Dịch vụ Công nghệ tin học HPT với mức vốn điều lệ hơn 75,3 tỉ đồng. Từ lâu, Công ty HPT được biết tới là doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ hệ thống-hạ tầng CNTT, dịch vụ CNTT, dữ liệu, điện toán đám mây, phần mền… cho hàng loạt đối tác lớn như Vietinbank, VPBank, SHB, Vietcombank, Techcombank, SCB, MB, Tổng cục thuế, Manhindra Việt Nam, Ngân hàng Campuchia.
Sau khi sáp nhập, năm 2019 Công ty HPT ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan với doanh thu đạt 832 tỉ đồng, tăng 5,7% so với năm trước song giảm gần 100 tỉ đồng so với giai đoạn 2017-2018 (đạt hơn 902-924 tỉ đồng mỗi năm).
Nhưng do giá vốn hàng bán luôn ở mức cao, đạt gần 530,4 tỉ đồng nên lợi nhuận gộp của năm 2019 chỉ còn gần 134,6 tỉ đồng, tăng 15% so với năm trước. Cùng với đó các chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh nên lãi thuần chỉ còn 11,35 tỉ đồng.
Đại gia công nghệ HPT liên tục ghi nhận doanh thu “khủng” từ 800-900 tỉ đồng nhưng lợi nhuận vẫn lẹt đẹt . |
Tính chung năm 2019, Công ty HPT ghi nhận lợi nhuận trước thuế là 21,2 tỉ đồng, lãi sau thuế gần 17 tỉ đồng. Mức lợi nhuận này đã cải thiện đáng kể, tăng gấp đôi so với năm 2017 (lãi sau thuế hơn 9,3 tỉ đồng, doanh thu vượt hơn 924 tỉ đồng), nhưng có quá bèo bọt so với doanh thu gần nghìn tỉ?
Doanh thu cao ngất ngưởng qua các năm, nhưng các chỉ số tài chính (tỉ suất sinh lời, hiệu suất sử dụng tài sản, chỉ số cơ cấu tài sản, nguồn vốn) phản ánh hiệu quả kinh doanh của HPT lại rất thấp so với các công ty cùng lĩnh vực dịch vụ hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, phần mềm… Đơn cử: năm 2019, tỉ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) là 0,16%. Tỉ suất lợi nhuận sau thuế trên tổng tài sản (ROA) là 0,04%.
Dù lợi nhuận sau thuế hàng năm ở mức khiêm tốn nhưng Công ty HPT lại dành phần lớn lợi nhuận để chia cổ tức rất hậu hĩnh cho cổ đông với mức từ 5-15% mỗi năm, duy trì đều đặn nhiều năm. Tỉ lệ cổ tức của năm 2019 là 5% bằng tiền mặt và 10% bằng cổ phiếu, tương ứng số tiền chia cổ tức là 11,3 tỉ đồng. Dự kiến năm 2020, mức cổ tức là 8-12% bằng tiền hoặc cổ phiếu.
Hiện, cổ phiếu HPT đang giao dịch trên Upcom ở vùng giá hơn 8.000 đồng/CP, thanh khoản rất thấp không đáng kể, thì mức cổ tức cao cũng khiến các cổ đông, nhà đầu tư chấp nhận được.
Xét về cơ cấu cổ đông, tại thời điểm 31/12/2019, Công ty HPT có 6 cổ đông lớn nắm tổng cộng 53,3% vốn điều lệ. Cụ thể, ông Ngô Vi Đồng-Chủ tịch HĐQT sở hữu 13,07% vốn, CTCP Đầu tư Phân phối SATICO nắm 7,89%, ông Nguyễn Đức Tiến nắm 6,22%, bà Hàn Nguyệt Thu Hương nắm 5,19%, bà Đinh Hà Duy Trinh-Phó chủ tịch HĐQT nắm 5,15%, Tổng giám đốc Đinh Hà Duy Linh nắm 5,04%...
Với việc phát hành 10% cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông (dự kiến trong quý 2 hoặc 3/2020), vốn điều lệ của HPT sẽ nâng lên hơn 82,72 tỉ đồng, tăng gấp hơn 8,27 lần so với thời điểm năm 2004 khi doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình Công ty cổ phần (khi ấy vốn điều lệ chỉ 10 tỉ đồng).
Ngân hàng hậu thuẫn vốn lớn
Nhằm mở rộng phát triển, năm 2014 Công ty HPT đã triển khai đầu tư dự án khu công nghệ cao tại lô đất E2a-II.3 tại Khu CNC TP.HCM. Đến đầu năm 2020, công ty đã hoàn thành toà nhà trụ sở văn phòng HPT (giai đoạn 1). Công trình này đã được Ngân hàng Phương Đông tài trợ vốn 18,5 tỉ đồng, tài sản đảm bảo là bất động sản và cổ phiếu HPT của 4 lãnh đạo chủ chốt. Hiện chưa rõ tiến độ đầu tư dự án khu công nghệ cao của HPT cũng như nguồn vốn, phương án trả nợ ra sao?
Theo ông Ngô Vi Đồng, Chủ tịch HĐQT Công ty HPT chia sẻ, khu công nghệ cao này sẽ là nơi ươm mầm, tạo điều kiện cho các tài năng trẻ phát triển và HPT mở rộng việc cung cấp giải pháp và dịch vụ công nghệ đến với nhiều khách hàng. Chiến lược của HPT thời gian tới là đẩy mạnh cung cấp các giải pháp chuyển đổi số; phát triển Chính phủ điện tử; ứng dụng công nghệ thông tin trong nhiều ngành nghề...
Tuy nhiên, giới đầu tư cũng đang băn khoăn về nguồn vốn để sản xuất kinh doanh, đầu tư dự án của Công ty HPT sẽ lấy ở đâu khi vốn điều lệ chỉ 75,34 tỉ đồng, lợi nhuận thấp, chia cổ tức liên tục? Bên cạnh đó, tổng nợ phải trả ngắn hạn hơn 300 tỉ đồng, vượt gấp 3 lần vốn chủ sở hữu.
Trong hoạt động kinh doanh, với mối quan hệ đối tác cung cấp công nghệ cho nhiều ngân hàng, Công ty HPT đã vay được nguồn vốn rất lớn. Cụ thể, trong năm 2019, Công ty HPT đã được Ngân hàng Quốc tế (VIB) cấp hạn mức tín dụng 200 tỉ đồng trong thời gian 12 tháng để bổ sung vốn lưu động, mở L/C thanh toán, phát hành cam kết bảo lãnh trong sản xuất kinh doanh về công nghệ thông tin.
Ngân hàng BIDV cũng cấp hạn mức 270 tỉ đồng cho HPT để bổ sung vốn lưu động bảo lãnh mở L/C. Tài sản bảo đảm là bất động sản của bà Hàn Nguyệt Thu Hương và ông Ngô Vi Đồng, xe ô tô, các khoản phải thu…
Chỉ riêng 2 ngân hàng này đã cấp hạn mức tín dụng tới 470 tỉ đồng cho HPT, đều là nguồn vốn ngắn hạn từ 6-12 tháng phục vụ kinh doanh. Theo lưu chuyển tiền từ hoạt động tài chính, trong năm 2019 công ty HPT vay được hơn 295,7 tỉ đồng nhưng đã phải chi trả nợ gốc vay tới 297 tỉ đồng. Tương tự các năm trước, dòng tiền vay – trả nợ lên tới hàng trăm tỉ đồng gần như là ngang nhau, nói cách khác HPT vay 1 đồng thì trả nợ hơn 1 đồng.
Sự tương phản về doanh thu “khủng” và lợi nhuận “tí hon” đang đặt nghi vấn về hiệu quả sử dụng dòng tiền nghìn tỉ của đại gia HPT, rất cần cơ quan thuế làm rõ.
Như Kinh tế Môi trường đã đưa tin, hệ thống giao dịch điện tử của Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) gặp sự cố nghiêm trọng khi bị mất kết nối đường truyền, khiến cho nhiều khách hàng không thể truy cập, giao dịch qua ngân hàng điện tử trong 2 ngày (4 và 5/5/2020). Ngoài ra, người dùng còn phản ánh các lỗi như không rút được tiền từ ATM, không nhận được tiền từ ngân hàng khác. Trước đó, ngân hàng đã triển khai nâng cấp định kỳ hệ thống ngân hàng trong 2 đợt, và xảy ra lỗi giao dịch kéo dài vài ngày. Techcombank cũng là một khách hàng lâu năm, đã đầu tư các hệ thống máy chủ HP 9000 sử dụng hệ điều hành HP-UX và hệ thống lưu trữ HP Enterprise Virtual Array (EVA) do Công ty cổ phần Dịch vụ công nghệ tin học HPT cung cấp. |