Game trên điện thoại di động – một kỉ nguyên mới?

00:00, 09/03/2011

Nếu như vài năm trước đây, người dùng điện thoại di động thường chỉ có các trò đơn giản như rắn ăn táo hay xếp hình trên những mẫu điện thoại Nokia hay Sony Ericsson thông dụng thì giờ đây mọi việc đã hoàn toàn khác biệt. Những người dùng hiện nay không còn phải chơi những trò chơi trên giấy như cờ caro mà đã có cả một thế giới game di động với hàng trăm ngàn tựa hấp dẫn. Tuy nhiên mọi việc chỉ thực sự bùng nổ khi chiếc máy iPhone đình đám của Apple ra đời. Tại sao lại như vậy?

Thế giới game di động – chuyển mình không ngừng

Nhiều sản phẩm đáng chú ý kể từ khi nền tảng Java xuất hiện. Màn hình màu của những chiếc điện thoại đời mới cũng giúp hồi sinh những trò chơi cổ xưa như Solitaire hay Pacman. Điện thoại cho phép chủ nhân liên lạc, nhắn tin và làm nhiều thứ khác. Nó theo sát người dùng ở mọi nơi mọi lúc và sẽ thật lý tưởng nếu bạn có thể làm vài ván game khi chờ tàu, xe hoặc đơn giản là vài phút rảnh rỗi trong quán cà phê đợi bạn bè. 

Thực tế, Nokia là hãng đầu tiên nảy ra ý tưởng kết hợp điện thoại di động với các máy chơi game chuyên nghiệp vào năm 2003. Hệ quả là sự ra đời của dòng máy N-Gage đình đám. Đây là sự kết hợp khá tốt của PDA, máy chơi nhạc MP3, Radio và một thiết bị di động. Tuy nhiên vẻ ngoài khá … xấu cùng những trục trặc cả ở phần cứng lẫn phần mềm khiến cho việc sử dụng không được như ý muốn. Cùng với giá thành cao, những yếu tố đó đã khiến N-Gage nhanh chóng thất bại.

 Trong khi đó, giai đoạn 2004-2005 là thời kì hoàng kim của những chiếc máy như PSP với cấu hình khá tốt cùng những trò chơi được thiết kế chuyên dụng có nội dung hấp dẫn. Tuy nhiên, chúng vẫn bị những điểm yếu của các thế hệ đi trước là kém tiện dụng. Trong khi đó giai đoạn này các loại điện thoại di động thường khá yếu ớt và không có nhiều khả năng giải trí game cao do màn hình bé và hiếm các nhà phát triển ứng dụng. Một số trò chơi được “ép” để chạy trên các màn hình nhỏ nhắn của điện thoại đã nhanh chóng rơi vào quên lãng do mất hẳn sự thú vị cần thiết. Nhu cầu thực tiễn đã cho thấy cộng đồng cần tới một chiếc máy đa năng, vừa đàm thoại tốt, vừa có cấu hình cao, màn hình rộng và quan trọng nhất là nền tảng phần mềm đủ mạnh cho các nhà phát triển game tung hoành.

iPhone – khởi động thế hệ game đi động mới

 Một thực tế không thể phủ nhận là chỉ tới khi iPhone xuất hiện vào năm 2007, các nhà phát triển mạng nói riêng và cộng đồng công nghệ nói chung mới nhất thấy một kỉ nguyên mới của điện thoại thông minh đã tới và thế giới trò chơi cho điện thoại di động thực sự bùng nổ. Ngay từ giai đoạn này, Apple đã giới thiệu ngay App Store nhằm cung cấp cho người dùng phương thức tải vô số các ứng dụng một cách nhanh chóng, đơn giản và … rẻ. Những game ban đầu của iPhone rất đẹp, dễ chơi và hấp dẫn mà không yêu cầu cài đặt phức tạp với cáp USB hay mua qua các dịch vụ đắt đỏ của nhà mạng. Người dùng chỉ việc chọn và tải xuống từ App Store, việc thanh toán sẽ được thực hiện tự động.

 

 Cũng từ đây, nhiều nhà phát hành game đã nhập cuộc với vô số các tựa game cho người dùng lựa chọn. Từ những game kinh điển được làm lại cho tới những trò chơi hoàn toàn mới đều hiện diện. Bản thân những trò chơi “mini” như Bejeweled trên iPhone cũng có vẻ ngoài bóng bẩy hơn các nền tảng Symbian hay Windows Mobile trước đó. Sự xuất hiện của màn hình rộng, cảm ứng đa chạm đã gần như “nhúng” chiếc Wii của Nintendo vào mẫu điện thoại mới. Người dùng thực sự có những trải nghiệm thú vị qua các kiểu hình chơi game mới thay vì chỉ biết tới mấy nút bấm như 1-2 năm trước đó. Với iPhone 4, vấn đề cấu hình thậm chí còn được đẩy lên một mức cao hơn và ngày càng có nhiều trò chơi với chất lượng hình ảnh vượt xa các nền tảng chuyên dụng như PSP hay DS Lite được tung ra cho iPhone. Chúng thậm chí ứng dụng cả những tính năng vốn “đặc quyền” trên PC như khử răng cưa hình ảnh.

Tương lai nào cho game trên điện thoại di động

 Trong khi mảng game di động bùng nổ thì game cho máy tính để bàn thông thường lại đang tàn lụi một cách chậm chạp. Trong khi đó các máy chơi game chuyên dụng như Wii cũng không thể cạnh tranh được bởi chúng phù hợp hơn với môi trường trong nhà, gia đình thay vì bám theo người dùng mọi nơi mọi lúc. Thực tế, những trò chơi mini lại có sức hấp dẫn rất lớn với hàng triệu người chơi. Bạn có thể không đủ thời gian cho một cuộc phiêu lưu hay vài ván tennis với Wii hay Playstation nhưng lại dư sức mở Angry Birds và bắn vài chú heo. Thậm chí nếu muốn, việc chơi nhiều người qua mạng Wifi hoặc Bluetooth là hoàn toàn khả thi.

Trong khi việc nâng cấp phần cứng trên máy console khá chậm chạp điển hình như Xbox 360 hay Playstation 2 gần như đã giữ nguyên cấu hình trong nhiều năm thì môi trường di động đang biến đổi nhanh hơn bao giờ hết. Trong hơn 2 năm, người dùng có tới 4 mẫu iPhone và vô số các loại máy Android / Windows Phone… với đủ ưu nhược điểm khác nhau. Thậm chí Sony cũng hé lộ những thông tin về mẫu PSP Phone đầu tiên của mình được phát triển từ dòng máy chơi game di động Playstation Portable (PSP) nổi tiếng. Tuy nhiên xu hướng chung của bộ xử lý nhanh hơn và bộ xử lý đồ họa rời sẽ tạo điều kiện cho những trò chơi có hình ảnh đẹp hơn và phong phú hơn về nội dung. Các nhà phát triển game cũng hết sức quan tâm tới ý tưởng về nền tảng game di động với độ phân giải cao, màn hình rộng, kết nối Internet mọi nơi mọi lúc và chức năng cảm ứng trên điện thoại di động. Song song với đó là sự hiện diện của các dòng máy tính bảng mới cùng các sản phẩm “lai” với kích thước từ 5 đến 10 inch khởi đầu từ 2010 và dự kiến sẽ bùng nổ mạnh trong 2011 tới đây. Chúng cũng sử dụng cùng hệ điều hành với điện thoại thông minh như Android hay iOS nên việc chuyển đổi ứng dụng sang là không quá khó ngoại trừ việc thiết kế lại hình ảnh sao cho phù hợp với độ phân giải cao hơn.

Hiện tại, các trò chơi cầu kì vẫn là đặc quyền của các dòng máy “không di động”. Bên cạnh đó, câu hỏi liệu máy bảng có thể lấp kín khe hở giữa các nền tảng game truyền thống như PC hay máy chơi chuyên dụng với những nền tảng di động mới hay không vẫn chưa thực sự được trả lời. Tuy nhiên cho dù thế nào thì hiện tại rõ ràng vẫn là giai đoạn vàng đối với người dùng đam mê loại hình giải trí “vừa chơi vừa chạy” này.

Nguyễn Thúc Hoàng Linh