Giao dịch kiểu "tàu lượn", chuyên gia dự báo chứng khoán tiếp tục điều chỉnh

13:31, 19/08/2022

Thị trường chứng khoán giao dịch theo kiểu "tàu lượn" khi tăng giảm liên tục với biên độ dao động lớn. Chuyên gia dự báo, thị trường có thể tiếp tục điều chỉnh trong phiên giao dịch 19/8.

Chuyên gia dự báo, thị trường có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh trong phiên giao dịch 19/8Chuyên gia dự báo, thị trường có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh trong phiên giao dịch 19/8.

Bộ ba ông lớn nâng đỡ thị trường

Đóng cửa phiên giao dịch chứng khoán 18/8, VN-Index giảm 1,62 điểm (0,13%) còn 1.273,66 điểm, HNX-Index giảm 1,4 điểm (0,46%) xuống 301,19 điểm, UPCoM-Index giảm 0,22 điểm (0,24%) về 92,85 điểm.

Những nỗ lực tăng giá của bộ ba nâng đỡ thị trường SAB, VIC, GAS không gánh đỡ nổi, để chỉ số rơi vào thế giảm điểm. Kết phiên, chỉ riêng 3 mã này đã mang lại cho VN-Index hơn 2 điểm.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán lại có phần khởi sắc hơn trước thềm thử nghiệm giao dịch T+2. Một số mã cổ phiếu như HCM (+4,81%); CSI (3,69%); PSI (+4,55%); HBS (+2,67%);… đều tăng điểm với biên độ khá rộng. Đặc biệt, SSI (+2,24%) và VND (+1,12%) là 2 mã có thanh khoản mạnh nằm top 3 trong phiên, với giá trị giao dịch lần lượt là 717 tỷ đồng và 500 tỷ đồng.

Bên cạnh nhóm chứng khoán, cổ phiếu ngành hóa chất phân bón dừng phiên khả quan trong sắc xanh. Cụ thể, CSV, DGC, PCE, DCM, DPM, PSW, LAS… đều tăng điểm, song nhiều cổ phiếu vẫn kém sắc hơn như DDV, BFC, SFG, HVT… giảm điểm nhẹ với biên độ không đáng kể.

Ở chiều ngược lại, nhóm bất động sản - xây dựng ghi nhận nhiều mã giảm, song biên độ giảm điểm không mạnh chỉ từ 1% như BCM, NVL, DPG, NLG, KBC, AGG, NBB…

Đáng chú ý trong phiên 18/8, nhóm ngân hàng cũng giao dịch không mấy tích cực. Những mã cổ phiếu lọt top tác động tiêu cực nhất lên thị trường phải kể đến như: BID giảm 1% về mốc 39.600 đồng/cổ phiếu, CTG giảm 1,2% về mốc 28.750 đồng/cổ phiếu, TCB giảm 0,51% về mốc 29.100 đồng/cổ phiếu,…

Áp lực điều chỉnh của thị trường sẽ tăng dần

Thị trường trong nước điều chỉnh sau chuỗi 4 phiên tăng liên tiếp nhưng vẫn có nhiều triển vọng khép lại tuần tăng thứ 6 liên tiếp. Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC) cho rằng, thị trường có thể tiếp tục điều chỉnh trong phiên giao dịch kế tiếp, và VN-Index còn giằng co trong vùng 1.260 – 1.285 điểm. Đồng thời, áp lực điều chỉnh của thị trường có thể gia tăng dần trong những phiên giao dịch tới, và VN-Index sẽ kiểm định lại mức hỗ trợ 1.250 điểm.

Ngoài ra, chỉ báo tâm lý tiếp tục giảm cho thấy các nhà đầu tư ngắn hạn vẫn còn thận trọng với diễn biến hiện tại. Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục và hạn chế mua mới ở giai đoạn này.

Còn theo Công ty Chứng khoán MB (MBS), thị trường điều chỉnh không gây bất ngờ cho nhà đầu tư khi hiện tượng “xanh vỏ đỏ lòng” đã có từ 2 phiên trước đó. Ngay cả khi chỉ số Vn-Index được các trụ kéo lên gần 1.282 điểm thì số mã giảm cũng áp đảo số mã tăng.

Về kỹ thuật, Vn-Index gặp cản ở ngưỡng MA100 ngày sau 5 tháng để mất cũng có thể là tín hiệu điều chỉnh kỹ thuật. Do vậy, nhà đầu tư có thể chốt dần ở các cổ phiếu đã tăng mạnh, và cơ cấu nhóm cổ phiếu chưa tăng nhiều có thể là chiến lược để đón đầu sự luân chuyển của dòng tiền trong các tuần sắp tới.

Chứng khoán KB Việt Nam khuyến nghị, nhà đầu tư nên bán trading khi chỉ số tăng chạm kháng cự, và chỉ kê mua trở lại tại các vùng hỗ trợ nhưng khống chế tỷ trọng ở mức an toàn.

 

Theo Báo Kinh tế & Đô thị