Gỡ nút thắt giá điện để thu hút đầu tư phát triển năng lượng sạch
Cơ cấu giá thành, cách tính giá điện như hiện nay chưa hợp lý, còn dưới giá thị trường đang là “nút thắt” lớn nhất cần được tháo gỡ, để ngành điện có thể thu hút đầu tư phát triển nguồn điện, đặc biệt là điện sạch, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia…
Sự bất ổn của địa chính trị, sự cạn kiệt dần tài nguyên hóa thạch khiến cho điện "bẩn" cũng không còn rẻ
Tọa đàm "Đột phá nào để thu hút đầu tư vào ngành điện" do Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ tổ chức mới đây đã nhận được nhiều ý kiến góp ý từ chuyên gia.
4 BẤT CẬP LỚN CỦA GIÁ ĐIỆN VIỆT NAM
Nhận xét về giá điện hiện nay, chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài Chính), cho rằng đang có 4 bất cập rất lớn.
Thứ nhất, giá điện chưa thực hiện theo cơ chế thị trường. Điều này thể hiện khi giá điện bán ra không phản ánh được những biến động trong chi phí cấu thành lên giá điện.
Số liệu 2 năm 2022 và 2023 gần đây cho thấy chính cách điều hành đã gây lỗ của ngành điện khoảng 47.500 tỷ đồng. Đây là khó khăn lớn cho việc cải thiện dòng tiền của ngành điện để đầu tư, phát triển nguồn và lưới.
Thứ hai, “Chúng ta kỳ vọng và giao cho giá điện gánh vác nhiệm vụ đa mục tiêu” khi muốn tính đúng, tính đủ, bảo đảm bù đắp chi phí nhưng vẫn phải khuyến khích thu hút đầu tư, đảm bảo an sinh xã hội, bảo đảm an ninh năng lượng, kiểm soát lạm phát. Quá nhiều mục tiêu đề ra, có những mục tiêu ngược chiều nhau khiến kết quả chung đó là không đảm bảo được mục tiêu cao nhất.
Nghị quyết 55-NQ/TW cũng chỉ ra phải dùng những biện pháp như thuế, phí, quỹ điều tiết thị trường để điều tiết thị trường điện chứ không chỉ trông cậy vào việc kiềm chế giá thấp để đảm bảo được mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Thứ ba, cơ chế bù chéo giá điện hiện nay không rõ ràng. Đề án cải tiến biểu giá điện triển khai từ năm 2019 đã tính đến phương án giảm dần bù chéo nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.
Bù chéo giữa nhóm những người tiêu dùng điện sinh hoạt với nhau - bậc cao bù cho bậc thấp, bù chéo giữa giá điện sinh hoạt trong sản xuất ở mức độ nhất định. Giá điện trong sản xuất phải thấp hơn, bởi vì tiêu dùng điện hạ áp giá đắt hơn nhưng vẫn có bù chéo nhất định giữa điện cho sinh hoạt đối với điện sản xuất.
Đặc biệt, cơ chế bù chéo về giá điện giữa các vùng miền với nhau đang bất cập khi điện ở các xã, huyện hải đảo thường 7.000-9.000 đồng/kWh, nhưng chúng ta vẫn bán 1.000-2.000/kWh, tức là lấy vùng thấp bù cho vùng cao...
Thứ tư, giá điện đang chưa tách bạch giữa giá với chính sách an sinh xã hội, giảm giá điện nhưng lại đang để ngành điện tự gánh vác việc giảm giá này. Có thể thấy, chính sách giá điện không bảo đảm đúng nguyên lý về giá cả để bảo đảm mục tiêu khuyến khích ngành điện phát triển, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Thực tế cho thấy EVN đã có những nỗ lực để hạ chi phí giá thành sản suất kinh doanh, tuy nhiên, giá điện chưa hợp lý đã khiến ngành điện không có đủ nguồn lực để đầu tư, phát triển nhằm giảm giá thành sản xuất, truyền tải, phân phối; khó thu hút mạnh được được nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào ngành điện...
GIẢI BÀI TOÁN GIÁ ĐIỆN, THÚC ĐẨY CHUYỂN ĐỔI XANH
Theo Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, giá điện không chỉ tác động đến ngành điện mà có những tác động lớn hơn đến sự vận hành và tái cấu trúc nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đang đẩy mạnh phát triển kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, xanh sạch hướng tới net zero.
Điện sạch cần đầu trư lớn và giá không thể rẻ
Hiện trạng ngành điện Việt Nam hiện nay cho thấy các nguồn điện giá rẻ đã cơ bản hết tiềm năng phát triển, quy hoạch điện 8 tập trung phát triển mạnh điện khí và điện gió ngoài khơi để dần thay thế điện sản xuất từ nguyên liệu hóa thạch. Đây là hai loại hình có giá thành khá cao, đòi hỏi huy động lượng vốn lớn.
Một trong những khó khăn lớn trong thu hút đầu tư vào phát triển ngành điện là cần nguồn lực đầu tư lớn, trong khi thời gian thu hồi vốn chậm. Đáng lưu ý, giá bán điện hiện nay vẫn còn mang màu sắc “bao cấp”.
Chia sẻ từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Đình Tuấn, Giám đốc nhà máy Nhiệt điện Sơn Động (Tập đoàn Than Khoáng sản), cho biết hiện tại phát triển năng lượng tái tạo là xu thế của thế giới, việc dự trữ năng lượng cho các nhà máy năng lượng tái tạo về mặt kỹ thuật công nghệ có thể thực hiện được. Tuy nhiên ở góc độ giá thành thì đây cũng là vấn đề. Một là, thiết bị đầu tư đầu vào đắt, giá cao. Hai là, để đảm bảo vận hành ổn định, an toàn phải có một hệ thống dự trữ năng lượng, nhưng chắc chắn hệ thống này giá sẽ không rẻ.
Bài toán đầu tư cũng như việc xây dựng hệ thống giá thị trường để đảm bảo từ vận hành an toàn cho đến giá minh bạch, giá phù hợp, đáp ứng được tất cả các điều kiện, nhiệm vụ kinh tế, xã hội,… có rất nhiều yêu cầu giá điện phải gánh vác, đấy cũng là bài toán rất khó xử lý. Do đó, cách tính giá điện và hoạt động đầu tư vào lĩnh vững điện năng là 2 mặt của 1 vấn đề có quan hệ khăng khít, mật thiết và có tác động qua lại, bổ trợ cho nhau trong quá trình vận hành và phát triển.
Phân tích thêm, PGS.TS Bùi Xuân Hồi cho rằng giá điện chưa phù hợp khiến ngành điện khó có đủ nguồn lực để đầu tư, phát triển; không tạo sức ép để các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, máy móc, trang thiết bị ít tiêu hao năng lượng, nâng cao năng lực quản trị. Ngược lại, giá điện được tính đúng, tính đủ sẽ tạo ra nguồn lực lớn cho hoạt động tái đầu tư và mở rộng đầu tư của ngành điện cũng như thúc đẩy sử dụng năng lượng điện tiết kiệm, hiệu quả, hợp lý.
“Chúng ta không có lý do gì để bắt doanh nghiệp chịu lỗ trong sản xuất kinh doanh. Muốn bền vững thì phải công khai, minh bạch, và cả hai cùng thắng trong câu chuyện hài hòa lợi ích doanh nghiệp – nhà nước và nhân dân, đó mới là bài toán kinh tế bền vững, lâu dài” , PGS.TS Hồi nhấn mạnh.
Nhận định mấu chốt vẫn là câu chuyện điều hành giá, PGS.TS Hồi cho rằng nếu chúng ta tách bạch hoạt động công ích và hoạt động thị trường thì sẽ có cơ chế điều tiết giá phù hợp. Còn nếu không thể điều hành giá điện theo cơ chế thị trường ngay, thì tất cả các khía cạnh khi điều tiết cũng phải dần dần hướng đến thị trường.
Dự báo về giá điện, PGS.TS Hồi nhìn nhận, trong xu hướng giá nhiên liệu đầu vào tăng như hiện nay, giá thành cung cấp điện chắc chắn sẽ tăng và chúng ta phải chấp nhận điều đó. “Chúng ta kỳ vọng Net Zero vào năm 2050, những nước khác cũng như chúng ta và họ cũng mong muốn điện sạch, nhưng sẽ không có điện sạch giá rẻ. Điện mặt trời phát được 4 tiếng một ngày là tối đa, điện gió thì phập phù nên không thể nào nói những nguồn điện ấy sẽ có giá rẻ. Tóm lại, một là do biến động của tình hình địa chính trị thế giới; hai là xu hướng dịch chuyển năng lượng nên chắc chắn giá thành cung ứng điện nói chung sẽ cao lên”, PGS.TS Hồi khẳng định.