Hà Nội chi hơn 832 tỷ đồng hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ
Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt đề án "Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025".
Cụ thể, có 3 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để hỗ trợ thực hiện đề án trên, bao gồm: hỗ trợ chung cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ cho hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; hỗ trợ theo cơ chế của Hà Nội.
Thành phố phấn đấu đạt mục tiêu thông qua các nhóm nhiệm vụ. Trong đó, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; phấn đấu đến năm 2025 đạt 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp gia nhập thị trường, góp phần cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của thành phố.
Đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu tốc độ phát triển doanh nghiệp mới bình quân khoảng 10%/năm (bình quân khoảng 30.000 doanh nghiệp mới/năm), phấn đấu giai đoạn 2021-2025, thành phố có thêm 150.000 doanh nghiệp thành lập mới.
Ảnh: Minh họa.
Mục tiêu của UBND thành phố chỉ rõ, trong giai đoạn 2021-2025, doanh nghiệp nhỏ và vừa phấn đấu đạt được các chỉ tiêu: Tạo thêm khoảng 1,5 triệu việc làm mới cho người lao động; tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm trên 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của Thủ đô; đóng góp trên 40% tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) và trên 30% ngân sách thành phố.
Bên cạnh đó, củng cố, nâng cấp các mô hình sản xuất tập trung, liên kết sản xuất hiện có để phát triển hình thành khoảng 10 cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị thuộc 5 ngành tiềm năng phát triển, bao gồm: công nghệ thông tin; công nghiệp điện tử; cơ khí chế tạo; nông nghiệp công nghệ cao; bảo quản và chế biến nông sản, thực phẩm.
Ngoài ra, thành phố cũng sẽ hỗ trợ ít nhất 500 doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực sản xuất, chế biến thuộc các ngành: công nghệ thông tin; công nghiệp điện tử; cơ khí chế tạo; nông nghiệp công nghệ cao; bảo quản và chế biến nông sản, thực phẩm tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị thành công.
Kinh phí để thực hiện đề án là 957,6 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố Hà Nội hỗ trợ 832,5 tỷ đồng; đối ứng của các tổ chức, cá nhân là hơn 125,1 tỷ đồng.
Bên cạnh kinh phí thực hiện các nhiệm vụ theo dự toán của đề án trên, các sở, ban, ngành, đơn vị thuộc thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã hằng năm sẽ xây dựng dự toán kinh phí từ nguồn kinh phí chi thường xuyên cho các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được phê duyệt nhằm triển khai thực hiện.
Minh Thùy (T/h)