Hà Nội đi đầu triển khai thí điểm mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công
TP. Hà Nội đã đi đầu trong thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về triển khai thí điểm mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công Thành phố; xác định chuyển đổi số là phương thức chủ yếu, là khâu đột phá để đổi mới. Mô hình này giúp Hà Nội giảm các bộ phận một cửa, người dân khi thực hiện TTHC sẽ không phụ thuộc vào địa giới hành chính.
Chỉ sau 4 tháng xây dựng, hoàn thiện Đề án Trung tâm Phục vụ hành chính công TP. Hà Nội, trình các cơ quan có thẩm quyền và được HĐND Thành phố thông qua, ngày 15/10/2024, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Quyết định số 5390/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án "Thí điểm thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công Thành phố".
Đây là kết quả sau một thời gian TP. Hà Nội nỗ lực và quyết tâm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ như Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải đã chia sẻ: Hà Nội đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ, đi đầu về thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về triển khai thí điểm Mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công một cấp trực thuộc UBND cấp tỉnh là cơ quan hành chính.
Nhiệm vụ này được thực hiện theo Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 10/7/2024 của Chính phủ, trong đó có nội dung: "Giao trách nhiệm cho UBND các tỉnh, thành phố: Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, tỉnh Quảng Ninh triển khai thí điểm Mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công một cấp trực thuộc UBND cấp tỉnh là cơ quan hành chính".
Tiếp đó, Nghị quyết số 122/NQ-CP ngày 08/8/2024 của Chính phủ có giao: "UBND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Quảng Ninh phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan triển khai thí điểm hiệu quả mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công một cấp trực thuộc UBND cấp tỉnh theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 10/7/2024.
Hà Nội mong muốn Trung tâm Phục vụ hành chính công sẽ ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và quy trình số hóa - Ảnh: VGP.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải, mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công sẽ góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập của mô hình Bộ phận Một cửa "truyền thống" như: Thiếu tính độc lập; chưa có cơ quan chuyên trách cấp Thành phố với đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và công cụ để điều phối, giám sát, kiểm soát việc tiếp nhận, giải quyết TTHC công khai, minh bạch; chưa thực sự chú trọng đến cải thiện mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân; chưa chủ động tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong khi chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến "tỷ lệ thấp, còn hình thức".
Ngoài ra, tỷ lệ số hóa hồ sơ khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa còn hạn chế, mức độ hài lòng của tổ chức và cá nhân chưa cao…
Tính đến nay, cả nước có 58/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã thành lập Trung tâm Hành chính công (5 đơn vị chưa thành lập là: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Điện Biên). Trong đó, có 2 Trung tâm trực thuộc UBND cấp tỉnh (Quảng Ninh, Bắc Ninh) và 56 Trung tâm trực thuộc các sở, ngành của UBND cấp tỉnh.
Trong quá trình lập Đề án, Hà Nội đã tham khảo mô hình quốc tế và một số địa phương khác, tiếp thu bài học kinh nghiệm, khắc phục hạn chế từ các mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công đang được triển khai tại các tỉnh, thành trong cả nước.
Trên cơ sở rút kinh nghiệm từ mô hình Trung tâm Hành chính công tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Bắc Ninh và mô hình Trung tâm Hành chính công thuộc các sở, ngành của UBND 56 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Trung tâm Phục vụ hành chính công Hà Nội được xây dựng là một mô hình cải tiến toàn diện, nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế của các mô hình đã triển khai tại các địa phương trên cả nước.
Như vậy, chỉ sau 4 tháng triển khai Nghị quyết số 108/NQ-CP của Chính phủ, TP. Hà Nội phê duyệt Đề án: "Thí điểm thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công Thành phố ".
Với tính độc lập trong tổ chức, Hà Nội mong muốn Trung tâm này sẽ ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và quy trình số hóa, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ công, tăng cường tính chuyên nghiệp, hiệu quả trong giải quyết TTHC.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Minh Hải, việc triển khai thí điểm mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công TP. Hà Nội là bước đi tất yếu, trên cơ sở kế thừa những kết quả đã đạt được từ "Mô hình Bộ phận Một cửa hiện đại" của Thành phố nhằm nâng cao chất lượng giải quyết TTHC, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Người dân khi thực hiện TTHC sẽ không phụ thuộc vào địa giới hành chính - Ảnh: VGP.
Thu gọn từ 677 bộ phận Một cửa còn 30 chi nhánh
Hà Nội hiện có 677 Bộ phận Một cửa được bố trí tại các địa điểm thuận tiện cho việc tiếp nhận và trả kết quả, giúp người dân dễ tiếp cận (thường đặt tại vị trí trung tâm của trụ sở đơn vị).
Việc thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công Thành phố sẽ giảm số lượng bộ phận "một cửa" (giảm từ 673 bộ phận "một cửa" còn 30 chi nhánh); giảm số lượng công chức, viên chức tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận "một cửa" (giảm từ 2.768 nhân sự còn 184 người), giúp tiết kiệm hơn 13,3 tỷ đồng/tháng ngân sách nhà nước trong trả lương, phúc lợi và các chi phí liên quan.
Hà Nội cũng chuẩn bị đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng đầy đủ về năng lực, chuyên môn công tác, kinh nghiệm thực tế và không sử dụng lao động hợp đồng làm công tác tiếp nhận, trả kết quả bảo đảm nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Theo UBND TP. Hà Nội, 100% dịch vụ công trực tuyến được thiết kế, thiết kế lại nhằm tối ưu hóa trải nghiệm người dùng, khi sử dụng được điền sẵn dữ liệu đã được cập nhật qua số hóa; tái cấu trúc quy trình, đơn giản hóa TTHC, cắt giảm các thành phần hồ sơ đã sử dụng dữ liệu dân cư bảo đảm "3 tăng", "3 giảm", "3 không": Tăng chất lượng dịch vụ, tăng minh bạch, công khai, tăng sự hài lòng và niềm tin của tổ chức, cá nhân; giảm chi phí, thời gian giải quyết TTHC, giảm thủ tục hồ sơ, giảm bước xử lý trong tiếp nhận và giải quyết TTHC; không phiền hà, sách nhiễu, không yêu cầu bổ sung hồ sơ quá 01 lần, không có TTHC giải quyết trễ hạn.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Minh Hải, đây không chỉ là bước tiến trong cải cách hành chính mà còn là minh chứng cho "Tầm nhìn dài hạn - Tư duy sáng tạo - Giải pháp thông minh" của Thành phố trong việc xây dựng chính quyền số, phục vụ người dân và doanh nghiệp, khẳng định "Tư duy Thủ đô, hành động Hà Nội" trong nỗ lực chung nhằm cải thiện sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của một đô thị đặc biệt.
Sơ đồ tổ chức của Trung tâm Phục vụ hành chính công TP. Hà Nội.
Người dân có thể thực hiện các TTHC tại bất kỳ chi nhánh nào gần nhất
Mô hình mới của Thành phố cho phép tiếp nhận TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính, nghĩa là người dân có thể thực hiện các TTHC tại bất kỳ Chi nhánh, Điểm tiếp nhận nào thuận tiện thay vì phải đến các cơ quan hành chính tại địa phương cư trú.
Đây là một cải tiến vượt bậc so với mô hình hiện tại của địa phương khác, nơi sự phân bổ địa giới vẫn còn là rào cản lớn.
Quá trình tiếp nhận và xử lý hồ sơ xác định được số hóa hoàn toàn, từ khâu tiếp nhận đến trả kết quả, giúp tối ưu hóa thời gian và công sức. Quy trình này được tự động hóa và liên thông giữa các sở, ban, ngành và UBND các cấp, bảo đảm theo dõi, giải quyết TTHC nhanh chóng, minh bạch.
Trung tâm sẽ thực hiện theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 dự kiến từ nay đến hết ngày 31/3/2025 (được xác định là giai đoạn then chốt, có tính quyết định); giai đoạn 2 dự kiến từ ngày 1/4/2025 đến hết ngày 30/6/2025 và giai đoạn 3 từ ngày 1/7/2025 trở đi.
Cung cấp dịch vụ trong vòng bán kính không quá 5 km, phục vụ 24/7
Đề án này của TP. Hà Nội cũng nhằm tháo gỡ các điểm "nghẽn" và giải quyết tình trạng "ách tắc" trong giải quyết TTHC (đặc biệt ở các sở, ngành và trong các lĩnh vực như: đất đai, đầu tư, quy hoạch, xây dựng,…) có ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường kinh doanh, chỉ số phát triển của Thành phố như: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Thành phố (PCI) liên tục bị tụt hạng từ vị trí thứ 10 (năm 2021) xuống thứ 18 (năm 2022), thứ 28/63 (năm 2023); chỉ số tiếp cận đất đai 61/63, gia nhập thị trường 54/63, chi phí thời gian 47/63; kết quả xếp hạng chỉ số hài lòng của người dân về cung ứng dịch vụ công của Thành phố (SIPAS) vẫn ở mức trung bình so với cả nước 21/63.
Bên cạnh đó, tối đa hóa phạm vi tiếp nhận TTHC tại một địa điểm theo hướng tiếp nhận hồ sơ TTHC, dịch vụ công không phụ thuộc vào địa giới hành chính; giảm đầu mối bộ phận một cửa riêng lẻ tại các cơ quan nhà nước, bảo đảm mỗi người dân đều có thể tiếp cận với các dịch vụ công được cung cấp trong bán kính dưới 30 phút di chuyển hoặc trong vòng bán kính không quá 5 km, phục vụ 24/7.
Việc thí điểm cũng góp phần nâng cao chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân trong tiếp cận, thực hiện TTHC, trong đó 100% hồ sơ TTHC đều được công khai, minh bạch quá trình tiếp nhận, giải quyết để tổ chức, cá nhân có thể theo dõi, giám sát, đánh giá; bảo đảm trải nghiệm dịch vụ giữa các Bộ phận một cửa thống nhất, đồng bộ.
Việc Hà Nội thí điểm Trung tâm phục vụ hành chính công Thành phố là một bước tiến lấy công nghệ thông tin là công cụ, chuyển đổi số là phương thức chủ yếu, là khâu đột phá để đổi mới, triển khai thực hiện "mô hình một cửa, một cửa liên thông mới". Toàn bộ quá trình tiếp nhận, số hóa, luân chuyển, giải quyết, trả kết quả, trách nhiệm giải trình của các cơ quan, cá nhân liên quan phải được công khai, minh bạch, rõ địa chỉ, rõ trách nhiệm, rõ thời gian và thực hiện hoàn toàn trên môi trường số.
Để triển khai thí điểm, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đã chỉ đạo các đơn vị hoàn thiện quy trình cuối cùng về công tác nhân sự để sớm ra mắt, đưa Trung tâm phục vụ hành chính công Thành phố vào hoạt động.