Hà Nội: Thí nghiệm 150 xe buýt điện tại 9 tuyến mới
UBND TP Hà Nội yêu cầu Sở GTVT Hà Nội tổ chức lựa chọn đơn vị tư vấn, báo cáo phương thức, hình thức triển khai thực hiện thí điểm mở mới 9 tuyến xe buýt điện, bảo đảm không làm thất thoát ngân sách Nhà nước.
UBND TP Hà Nội vừa có ý kiến chỉ đạo để triển khai thực hiện mở thí điểm 9 tuyến xe buýt điện trên địa bàn thành phố.
Theo đó, UBND TP Hà Nội đồng ý về nguyên tắc việc Sở GTVT triển khai nhiệm vụ xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện trên địa bàn. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở GTVT Hà Nội tổ chức lựa chọn đơn vị tư vấn và thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (trong thời gian 1 năm).
Xe buýt điện chạy thử trên đường phố Hà Nội.
Bên cạnh đó, UBND TP Hà Nội yêu cầu Sở GTVT nghiên cứu ý kiến của Sở Tài chính, thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố về chủ trương triển khai hoạt động 9 tuyến xe buýt điện. Tạm thời sử dụng định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá của loại hình xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch (CNG) trên địa bàn để áp dụng trong thời gian thí điểm.
Cùng với đó, Sở GTVT Hà Nội chủ trì, phối hợp với các sở Tài chính, KHĐT báo cáo, làm rõ phương thức, hình thức triển khai khi thực hiện thí điểm.
Ngoài ra, căn cứ tình hình diễn biến dịch Covid-19 trên địa bàn và nhu cầu đi lại của người dân, báo cáo UBND TP Hà Nội lộ trình mở mới các tuyến xe buýt điện trong các năm 2021, 2022.
Việc mở mới các tuyến xe buýt điện phải đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, không làm thất thoát ngân sách Nhà nước, báo cáo UBND thành phố trước ngày 15/10/2021.
Trước đó, đầu tháng 3/2021, Chính phủ đã đồng ý để UBND TP Hà Nội tạm thời sử dụng định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá của loại hình xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch (CNG) trên địa bàn để áp dụng trong thời gian thí điểm (không quá 12 tháng) triển khai dịch vụ vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt điện.
Trên cơ sở kết quả thí điểm, UBND TP Hà Nội chủ trì, phối hợp với các bộ liên quan xây dựng, ban hành định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá đối với xe buýt điện để triển khai chính thức trên địa bàn thành phố theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật.
Mặt khác, Bộ GTVT cũng đã có văn bản đồng thuận với việc TP Hà Nội và TPHCM mở các tuyến buýt điện.
Đồng thời, đề nghị 2 địa phương này yêu cầu Tập đoàn Vingroup cần thực hiện theo đúng quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe buýt điện.
Theo kế hoạch, trong giai đoạn đầu, riêng tại Hà Nội, Vingroup sẽ đầu tư 150 xe và chạy trên 10 tuyến buýt có điểm đầu, điểm cuối tại các khu vực đông dân cư như: Khu đô thị Smart City, Khu đô thị Vinhomes Ocean Park, Khu đô thị Times City và kết nối với bến xe Mỹ Đình, bến xe Giáp Bát, sân bay Nội Bài, công viên nước Hồ Tây...
Thanh Tùng (T/h)