Hoàn thiện chính sách pháp luật về quản lý tài sản số
Các chuyên gia, nhà khoa học đã kiến nghị nhiều giải pháp hoàn thiện quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ đối với tài sản số, trong đó nhấn mạnh cần đẩy nhanh quá trình nghiên cứu lý luận và thực tiễn về tài sản số cũng như các tài sản khác có thể hình thành trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư và thực hiện thể chế hóa thành quy định pháp luật cụ thể.
Hội thảo khoa học hoàn thiện chính sách pháp luật về quản lý tài sản số - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Hội thảo khoa học hoàn thiện chính sách pháp luật về quản lý tài sản số được Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển tổ chức sáng 15/7 tại Hà Nội nhằm lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách cho về Đề tài "Hoàn thiện chính sách pháp luật về quản lý tài sản số ở Việt Nam" của Viện, góp phần cung cấp thêm các thông tin, phục vụ cho Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Pháp luật và các cơ quan của Quốc hội thực hiện thẩm tra các dự án liên quan trong thời gian tới.
Tham dự Hội thảo có Phó Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng; Viện trưởng Viện Quy hoạch và Phát triển Đặng Huy Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Đặng Văn Thanh; đại diện một số bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học…
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Viện trưởng Viện Quy hoạch và Phát triển Đặng Huy Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại nhiều cơ hội và thách thức chưa từng có, đặc biệt thách thức đối với các nhà hoạch định chính sách tại các quốc gia. Nói đến cuộc cách mạng này là nói đến những công nghệ đột phá như chuỗi khối (Blockchain), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), robot, Internet kết nối vạn vật (IoT), điện toán đám mây, khoa học vật liệu, sinh học, công nghệ di động không dây, công nghệ nano, tự động hóa, công nghệ in 3D... Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng gắn liền với sự xuất hiện với tốc độ nhanh chóng của các sản phẩm, dịch vụ và mô hình kinh doanh mới dựa trên việc ứng dụng các công nghệ số như các sản phẩm, dịch vụ và mô hình kinh doanh mới trong lĩnh vực Fintech, kinh tế nền tảng, kinh tế chia sẻ...
Thời gian qua, chúng ta có thể nhận thấy sự phổ biến nhanh chóng của tài sản số, nhất là những tài sản dựa trên công nghệ chuỗi khối và sự mở rộng đáng chú ý của các hoạt động kinh tế mới.
Tại Việt Nam, pháp luật hiện hành chưa công nhận quyền sở hữu đối với tài sản số. Tuy vậy, hoạt động giao dịch, khai thác tài sản số vẫn diễn ra một cách sôi động trong làn sóng phát triển mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Việc quản lý và tạo hành lang pháp lý như thế nào cho sự phát triển này hiện vẫn còn có nhiều quan điểm và cách tiếp cận khác nhau mà khung khổ pháp luật hiện hành vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện.
Tại Hội thảo, các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia, nhà khoa học đã tập trung thỏa luận, phân tích những vấn đề lớn về về các nội dung liên quan đến thực trạng, cơ hội và thách thức đối với cơ quan quản lý trong bối cảnh chuyển đổi số; nội hàm về quản lý tài sản số; kinh nghiệm quốc tế và giải pháp nhằm thúc quản lý tài sản số tại Việt Nam; các giải pháp hoàn thiện chính sách pháp luật về quản lý tài sản số;...
Các đại biểu cho rằng, với sự phát triển của khoa học, công nghệ và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều hình thái mới được hình thành trên môi trường điện tử, trong đó có sự hình thành của các loại tài sản mới được gọi chung là tài sản số.
Khác với tài sản vật chất thông thường, tài sản số là sản phẩm của trí tuệ, sức lao động của con người để phục vụ cho nhu cầu cụ thể nào đó được thừa nhận giá trị trong cộng đồng người sử dụng nhất định, vì thế cũng có thể được coi là tài sản.
Loại tài sản này có một số đặc tính cơ bản như: Tồn tại dưới định dạng file kỹ thuật số trên môi trường điện tử; được hình thành thông qua ứng dụng công nghệ thông tin; được xác thực thông qua mã hóa; được điều chỉnh bởi nguyên tắc đồng thuận...
Theo ý kiến của nhiều đại biểu, tài sản số là tài sản được số hóa trên môi trường điện tử từ tài sản vật thể hoặc được hình thành trên không gian mạng, trong môi trường phức hợp được hình thành bởi sự tương tác của người sử dụng, phần mềm và các dịch vụ trên Internet thông qua các thiết bị kỹ thuật và mạng lưới được kết nối. Tài sản số có thể bao gồm: tiền kỹ thuật số (tiền ảo, tiền điện tử, tiền mã hóa…), tài sản vô hình (tài khoản game, tài sản trong game, tên miền Internet, địa chỉ hộp thư điện tử…) và tài sản vật thể được số hóa (tranh, ảnh, sách, bản nhạc, tác phẩm nghệ thuật…), nguồn hình thành tài sản số là rất đa dạng. Do đó, để quản lý được tài sản số là một vấn đề đặt ra nhiều thách thức cho xã hội, các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là đối với vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Từ phân tích, nhận định như trên, các đại biểu đã kiến nghị nhiều giải pháp hoàn thiện quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ đối với tài sản số, trong đó nhấn mạnh cần đẩy nhanh quá trình nghiên cứu lý luận và thực tiễn về tài sản số cũng như các tài sản khác có thể hình thành trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và thực hiện thể chế hóa thành quy định pháp luật cụ thể. Bởi lẽ, thời đại khoa học kỹ thuật của phát triển nhanh chóng, việc chậm chễ đồng nghĩa với việc đánh mất cơ hội phát triển hoặc để sự phát triển vượt khỏi tầm kiểm soát.
Các đại biểu cho rằng, tài sản số là khái niệm rất mới và phức tạp nên việc đánh giá đầy đủ và xây dựng khung pháp lý hoàn chỉnh đối với tài sản số là thách thức không chỉ với Việt Nam mà còn với nhiều nước khác trên thế giới. Hiện tại, tài sản số đã bắt đầu xâm nhập vào các hoạt động đầu tư, quan hệ dân sự, tác động đến đời sống kinh tế-xã hội của người dân nên đòi hỏi phải nhanh chóng xây dựng khung khổ pháp lý để bảo đảm thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, phúc đáp yêu cầu cấp bách của thực tiễn trong việc quản lý tài sản số, điều chỉnh các quan hệ phát sinh liên quan đến tài sản số, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư, người dân, đặc biệt là vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Theo đó, để bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ đối với tài sản số được bảo vệ, cần khẩn trương, chủ động nghiên cứu, đưa ra một khái niệm phù hợp về "tài sản số" theo hướng công nhận đây là một loại tài sản theo quy định của Bộ luật dân sự; đồng thời, thể chế hóa nội dung này trong các quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động đầu tư, kinh doanh như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, Luật Thương mại…
Cùng với đó là tiếp tục quan tâm hoàn thiện các văn bản pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến tài sản số. Khi hành lang pháp lý đã được hoàn thiện, các cá nhân, tổ chức có thể bảo vệ và khai thác các tài sản trí tuệ trên môi trường điện tử một cách hiệu quả, minh bạch./.
Theo baochinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/hoan-thien-chinh-sach-phap-luat-ve-quan-ly-tai-san-so-102230715095804259.htm