Hội thảo “Chuyển dịch năng lượng - Vai trò của hệ thống điện”
Chiều 7/12, tại Hà Nội, Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Công ty TNHH Hitachi Energy Vietnam tổ chức Hội thảo “Chuyển dịch năng lượng - Vai trò của hệ thống điện”.
Hội thảo "Chuyển đổi năng lượng - Vai trò của Hệ thống điện".
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Ngô Sơn Hải, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết: Trong hơn 3 năm vừa qua, với chính sách khuyến khích phát triển của Chính phủ, nguồn điện từ năng lượng tái tạo đã phát triển rất nhanh. Tính đến thời điểm hiện tại có khoảng 16.500 MW điện mặt trời và 5.000 MW điện gió đưa vào vận hành (chiếm khoảng 27% công suất lắp đặt toàn hệ thống). Nguồn năng lượng tái tạo bổ sung đã có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp điện, đặc biệt là khu vực miền Nam Việt Nam - nơi có tốc độ tăng trưởng phụ tải cao.
Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải phát biểu khai mạc hội thảo.
Tại hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc năm 2021 (COP-26), Chính phủ Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ về trung hòa các-bon vào năm 2050. Mục tiêu này đặt ra cho ngành năng lượng Việt Nam, đặc biệt là ngành Điện những thách thức vô cùng to lớn khi vừa phải đảm bảo an ninh năng lượng, cung cấp nguồn điện ổn định phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, vừa phải thực hiện các cam kết cắt giảm phát thải CO2 và phải đáp ứng mức giá điện hợp lý.
Theo ông Bùi Quốc Hùng - Phó cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo, Việt Nam hiện vẫn là nước đang phát triển, kinh tế thu nhập thấp, cho nên nguồn vốn để thực hiện Quy hoạch điện VIII sắp tới là thách thức rất lớn. Việt Nam rất cần hỗ trợ về vốn đầu tư và công nghệ, học tập kinh nghiệm phát triển năng lượng tái tạo, quản lý vận hành lưới điện từ các quốc gia có thế mạnh để đáp ứng cung cấp điện trong tương lai.
Ông Bùi Quốc Hùng - Phó cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương thông tin đến hội nghị về thực trạng phát triển hệ thống năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Theo bà Ann Måwe - Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam, quá trình chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam đang diễn ra mạnh mẽ trong những năm gần đây, phù hợp với xu hướng toàn cầu. Sự gia tăng mạnh mẽ của nguồn năng lượng tái tạo - nguồn điện vốn phụ thuộc vào thời tiết - trong cơ cấu phát điện có thể gây ra một số thách thức trong việc vận hành. Một trong những thách thức là lưới điện hiện hữu có thể không đáp ứng với các nguồn phát mới đặt tại những địa điểm xa trung tâm phụ tải.
Còn Tiến sĩ Gerhard Salge - Giám đốc Công nghệ Toàn cầu Hitachi Energy cho rằng, công nghệ tự động hoá và công nghệ số đóng vai trò vô cùng quan trọng trong vấn đề quản lý hệ thống điện đối với các quốc gia. Tiến sĩ Gerhard Salge cũng thông tin đến hội nghị một số giải pháp giải quyết các thách thức trong quá trình chuyển đổi năng lượng và quản lý hệ thống điện bền vững như: sử dụng hiệu quả tiềm năng thuỷ điện, trao đổi và kết nối giữa các quốc gia nhằm ổn định lưới điện; kết nối liên thông hệ thống điện bằng công nghệ HVDC,…
Tại hội thảo, các đại biểu cũng dành nhiều thời gian trao đổi, thảo luận với doanh nghiệp của Thụy Điển về kinh nghiệm triển khai chuyển dịch năng lượng ở các nước, những thách thức trong công tác vận hành hệ thống điện với nguồn năng lượng tái tạo chiếm tỉ trọng lớn; đồng thời chia sẻ kinh nghiệm và các ví dụ thực tiễn về phương án giải quyết những thách thức đó bằng cách áp dụng các giải pháp công nghệ và thiết bị tiên tiến.
Kết luận hội thảo, Phó Tổng giám đốc Ngô Sơn Hải nhấn mạnh, những chia sẻ về giải pháp công nghệ kỹ thuật số, hệ thống tự động hóa tiên tiến cũng như bề dày kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực năng lượng từ Hitachi Energy rất có giá trị với EVN và các đơn vị liên quan, đồng thời mở ra những cơ hội hợp tác tiềm năng trong tương lai. Lãnh đạo EVN cũng khẳng định, bên cạnh phát triển sản xuất điện từ năng lượng tái tạo, hiện nay EVN cũng đang đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số. Trong thời gian qua, với việc ứng dụng công nghệ số, ngành Điện đã nâng cao dịch chất lượng dịch vụ, được khách hàng sử dụng điện ghi nhận và đánh giá cao.
Bảo Trân (T/h)