Hội thảo “Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của Tạp chí trực thuộc các Hội ngành toàn quốc"
Ngày 27/11/2024, tại Hà Nội, Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo “Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của Tạp chí trực thuộc các Hội ngành toàn quốc”.
Tham dự Hội thảo có PGS.TS. Phạm Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam); ông Lê Thanh Tùng, Trưởng Ban Truyền thông và Phổ biến kiến thức (Ban TT&PBKT); ThS. Phạm Thị Bích Hồng, Phó Trưởng Ban TT&PBKT; Lãnh đạo của các Tạp chí trực thuộc các Hội ngành toàn quốc.
Toàn cảnh của Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Phạm Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam cho biết, trong nhiều năm qua, các tạp chí trực thuộc các Hội ngành đã thực hiện tốt trách nhiệm và sứ mệnh. Các tạp chí đã góp phần tuyên truyền chủ trương của Đảng, Nhà nước và tiếng nói của giới trí thức trong các lĩnh vực và có tác động tích cực đến xã hội.
Vị lãnh đạo Liên hiệp Hội Việt Nam cũng cho rằng, bên cạnh những thành công đạt được thì vẫn tồn tại vấn đề “con sâu làm rầu nồi canh”, dẫn đến góc nhìn thiếu khách quan về các tạp chí.
PGS.TS. Phạm Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.
Theo PGS.TS. Phạm Ngọc Linh, không thể phủ nhận được vai trò của các Tạp chí hiện nay. Do đó, việc tồn tại của các Tạp chí Hội ngành là rất cần thiết. Bởi lẽ, bên cạnh việc tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước thì các Tạp chí này còn là tiếng nói của giới khoa học, đưa ra các ý kiến, phản biện chính sách để góp phần tích cực cho sự phát triển của đất nước.
Cũng phải nhìn nhận thực tế, hiện nay các Tạp chí đang gặp rất nhiều khó khăn, cần có cơ chế chính sách, giải pháp để tháo gỡ khó khăn và nâng cao hiệu quả hoạt động.
Tại Hội thảo, các đơn vị đã đưa ra những ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm và phương hướng phát triển của các Tạp chí của Hội ngành trong thời gian tới.
Trình bày tại Hội thảo, nhà báo Hồ Quang Hòa, Tổng biên tập Tạp chí Tâm lý Giáo dục cho rằng, cần phân biệt rõ giữa Tạp chí và Tạp chí khoa học để có định hướng phát triển cụ thể. Đối với Tạp chí thông thường thì độc giả rộng hơn, phóng viên cũng được trả nhuận bút.
Còn đối với Tạp chí về khoa học, độc giả là những người nghiên cứu lĩnh vực, ngành đó và nguồn thu chính từ tác giả có bài viết được đăng tải.
Nhà báo Hồ Quang Hòa cho rằng, Hội phải có nguồn kinh phí để duy trì tạp chí; cần định hướng đúng đắn lâu dài; tăng cường nguồn thu bằng cách tổ chức các hội thảo.
Về các giải pháp cụ thể, Tạp chí cần nâng cao chất lượng bài viết, giá trị chuyên môn; tăng cường kiểm duyệt nội dung; đổi mới phương thức xuất bản; ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số; phát triển mô hình tài chính một cách bền vững; đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp; tạo ra hệ sinh thái báo chí liên kết giữa giữa các Tạp chí với nhau.
Nhà báo Hồ Quang Hòa, Tổng biên tập Tạp chí Tâm lý Giáo dục.
Về phát tiển Tạp chí khoa học, nguồn thu từ các tác giả, có thể tổ chức các hội thảo khoa học. Định dạng bài báo khoa học theo "format" của quốc tế: Viết tóm tắt, trích dẫn nội dung, có phiên bản tiếng Anh; Giảm nguồn thu in ấn và tăng online; Định danh giá trị bài báo; Kết nối tìm kiếm quốc tế; Đưa được tạp chí ra Hệ thống tiêu chuẩn chỉ số đánh giá của thế giới.
Chia sẻ tại Hội thảo, Nhà báo Ngô Đức Hành, Tạp chí Cầu đường Việt Nam cho rằng, các Tạp chí hiện nay đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. Để tồn tại và phát triển trong môi trường khó khăn như hiện nay, các Tạp chí cần nâng cao chất lượng để nâng cao vị thế của tạp chí và nâng cao về chất lượng nguồn nhân lực.
Nhà báo Ngô Đức Hành, Tạp chí Cầu đường Việt Nam trình bày tại Hội thảo.
Đặc biệt, các Tạp chí cần tìm ra lối đi riêng như tư vấn kỹ thuật cho các đơn vị; nâng cao chất lượng bài viết; tổ chức sản xuất, phát hành nhanh nhất; quy trình sản xuất cần giám sát những sai xót không đáng có, để đảm bảo tính chất khoa học; tổ chức các hội thảo, tọa đàm, sự kiện, in ấn, xuất bản các sách chuyên ngành.
Đóng góp ý kiến tại Hội thảo, nhà báo Nguyễn Văn Cảm, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học Kỹ thuật Thú y cho biết, để tồn tại và phát triển, Tạp chí phải luôn luôn đổi mới. Đồng thời, đơn vị cần tinh giản bộ máy, lãnh đạo cơ quan cũng tham gia các khâu sản xuất tạp chí. Bên cạnh đó, Tạp chí cần tăng cường hội đồng khoa học ở các Hội ngành trong cả nước để phản biện, mở rộng cộng tác viên tại các đơn vị chuyên môn. Lãnh đạo Tạp chí phải thường xuyên trao đổi với các hội viên để nâng cao chất lượng, thậm chí cần có chuyên mục để các đơn vị hội viên có "tiếng nói".
Trong kỷ nguyên số hiện nay, việc áp dụng công nghệ và tự động hóa vào quản lý vận hành là rất cần thiết. Tạp chí cần phấn đấu tạo mã tài liệu số, qua đó định danh bài viết của tác giả; ứng dụng phần mềm chống đạo văn để nâng cao uy tín.
Nhà báo Nguyễn Văn Cảm, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học Kỹ thuật Thú y chia sẻ tại Hội thảo.
Nhà báo Trần Thị Giang, Tổng Biên tập Tạp chí Tự động hóa ngày nay cho rằng, các Hội cần có Tạp chí học thuật, Tạp chí ứng dụng, thậm chí cần có cả Tạp chí giấy và Tạp chí in.
Nhà báo Trần Thị Giang, Tổng Biên tập Tạp chí Tự động hóa ngày nay trình bày tại Hội thảo.
Trình bày quan điểm tại Hội thảo, Nhà báo Trần Thị Giang cho rằng, các Tạp chí cần có nội dung sâu sắc, đội ngũ chuyên môn vững vàng. Qua đó mới tạo cầu nối để trở thành điểm đến, nơi gửi gắm niềm tin của các đơn vị trong Hội ngành.
Theo quan điểm của Nhà báo Lê Hồng, Ban TT&PBKT, LHHVN, trong lĩnh vực Hội ngành, đây là "mỏ vàng" để cho Tạp chí khai thác. Theo đó, các Tạp chí cần định hướng tạo xương sống, hướng đi đúng của tạp chí và vấn đề nhân sự.
Nhà báo Lê Hồng, Ban TT&PBKT, LHHVN.
Theo Nhà báo Lê Hồng, hiện nay phóng viên viết bài cho các Tạp chí lại không nổi tiếng như phóng viên các tờ báo. Điều này trái ngược với nước ngoài, khi phóng viên Tạp chí lại được đánh giá cao vì có những bài viết chất lượng. Nguyên nhân có thể do đội ngũ phóng viên chưa đủ chuyên môn để có những bài chuyên sâu, chất lượng. Điều đó đặt ra vấn đề, phóng viên Tạp chí phải có trình độ chuyên môn cao, bám sát vấn đề nổi bật của ngành để đưa ra các bài viết có tác động, có ích cho xã hội. Tạp chí đạt được những điều đó thì không lo gì "không có đất sống".
Đưa ra quan điểm tại Hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Hội Chăn nuôi Việt Nam đề xuất rằng, cơ quan quản lý cần có cơ chế để cho các Hội tháo gỡ khó khăn về nhân sự và tài chính. Theo đó, cần có những chính sách hỗ trợ người quản lý các Tạp chí.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Hội Chăn nuôi Việt Nam.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn cũng kiến nghị rằng, Liên hiệp Hội Việt Nam cần là cầu nối để hợp tác quốc tế để các Tạp chí phát triển sâu, rộng và hội nhập với quốc tế.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Hà Duy Khánh, Tổng biên Tập Tạp chí Cơ khí Việt Nam cũng đồng quan điểm với các đơn vị trên. Tổng biên Tập Tạp chí Cơ khí Việt Nam cho rằng, việc tồn tại của các Tạp chí chuyên ngành là rất cần thiết.
Ông Hà Duy Khánh, Tổng biên Tập Tạp chí Cơ khí Việt Nam.
Tổng kết Hội thảo, PGS.TS. Phạm Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam khẳng định, cần thiết phải tồn tại các Tạp chí khoa học và các Tạp chí trực thuộc Hội ngành. Bởi lẽ đây là xu hướng tất yếu và là tiếng nói về của giới trí thức. Tuy nhiên, để tồn tại và phát triển, các Tạp chí cần có những giải pháp thiết thực về nhân sự, tài chính, công nghệ..
Cũng theo PGS.TS. Phạm Ngọc Linh, việc một số Hội ngành đã có báo in nhưng nhưng chưa được cấp phép điện tử, dẫn đến khó khăn trong quá trình hoạt động. Trong khi đó, vấn đề "số hóa" đang được Đảng, Nhà nước rất quan tâm. Do đó, Liên hiệp Hội Việt Nam sẽ có những kiến nghị lên Bộ Thông tin và Truyền thông về những khó khăn và giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của tạp chí trực thuộc các Hội ngành.