Hướng tới việc hình thành Mạng lưới chuyên gia tư vấn cho CMCN 4.0
Hưởng ứng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5), chiều 13/5, Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ trẻ Việt Nam (VAYSE) tổ chức toạ đàm “Mạng lưới chuyên gia tư vấn cho Cách mạng công nghiệp 4.0 từ nhu cầu của trí thức trẻ” với sự tham gia của đông đảo các chuyên gia tư vấn trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Toạ đàm “Mạng lưới chuyên gia tư vấn cho CMCN 4.0 từ nhu cầu của trí thức trẻ” - Ảnh: VGP/Hoàng Giang
PGS.TS Lê Phước Minh, Chủ tịch Hội Trí thức KH&CN trẻ Việt Nam cho biết, mục đích của Hội là tập hợp, đoàn kết trí thức trẻ Việt Nam ở trong và ngoài nước để trao đổi kinh nghiệm, nâng cao trình độ sáng tạo, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, khuyến khích phát huy tính sáng tạo và tài năng phục vụ sự phát triển của thị trường công nghệ và hàng hoá, tạo sự đổi mới thiết thực và đóng góp có hiệu quả vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Theo PGS.TS Lê Phước Minh, mối quan tâm của trí thức trẻ tới các chiến lược quốc gia là đặc biệt quan trọng vì chính họ là đối tượng thụ hưởng và góp phần thực thi các chiến lược này. Riêng với Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, trí thức trẻ càng giành sự quan tâm nhiều hơn và chủ động nắm bắt để vươn lên.
Trong các hoạt động của mình, Hội Trí thức KH&CN trẻ Việt Nam đặc biệt quan tâm tới việc xây dựng các chiến lược quốc gia trong nhiều lĩnh vực. Vì vậy, Hội mong muốn tạo diễn đàn, là cầu nối giữa các chuyên gia tư vấn, qua đó hình thành được mạng lưới chuyên gia tư vấn cho CMCN 4.0 nhằm giúp các chiến lược quốc gia được ban hành có tính khả thi, đi vào thực chất hơn.
Trong thời gian tới, Hội mong muốn đóng góp nhiều hơn nữa trong lĩnh vực KH&CN và đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, trong năm nay, Hội sẽ có những hoạt động hướng tới trí thức người dân tộc thiểu số để không ai bị bỏ lại phía sau trong công cuộc chuyển đổi số, CMCN 4.0.
Ông Nguyễn Quyết Chiến, Tổng thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước luôn xác định đội ngũ trí thức là một lực lượng quan trọng thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Trí thức vừa là một bộ phận của nguồn nhân lực, vừa là nguồn lực khoa học, kỹ thuật, trực tiếp tham gia vào việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài cho đất nước.
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đặc biệt coi trọng công tác thu hút, tập hợp, đoàn kết trí thức, nhất là trí thức trẻ, trí thức là người Việt Nam ở nước ngoài, phát triển tổ chức, phát triển hội viên, làm cầu nối vững chắc giữa Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị với đội ngũ trí thức.
Hiện nay, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã tập hợp, thu hút đông đảo nhất đội ngũ trí thức KH&CN với khoảng 3,7 triệu hội viên, trong đó có 2,2 triệu trí thức, chiếm khoảng 32,5% số trí thức trong cả nước.
Trong thời gian tới, ông Nguyễn Quyết Chiến mong muốn Hội Trí thức KH&CN trẻ Việt Nam sẽ cùng với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tham mưu cho Đảng và Nhà nước nhiều vấn đề quan trọng về đường lối, chủ trương, chính sách xây dựng, phát triển đất nước; tư vấn, phản biện và giám định xã hội; nghiên cứu KH&CN, kịp thời nắm bắt, phản ánh và xử lý thỏa đáng tâm tư, ý chí, nguyện vọng của đội ngũ trí thức...
TS. Trần Minh Tiến, nguyên Viện trưởng sáng lập Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông cho biết, cuối năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 2289/QĐ-TTg để ban hành Chiến lược Quốc gia về Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030.
Trong Chiến lược này, Bộ KH&CN có trách nhiệm xây dựng mạng lưới các chuyên gia tư vấn về các công nghệ ưu tiên để chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cấp, chuyển đổi công nghệ.
Hiện nay, nhiều công nghệ mang tính đột phá, tạo nên sự phát triển đột biến, thay đổi lớn không chỉ cho ngành công nghiệp mà cho cả nền kinh tế, xã hội, môi trường, văn hóa, quản lý nhà nước...
Nhấn mạnh những đặc trưng CMCN 4.0 đó là tính kết nối thông minh và toàn cầu, TS. Trần Minh Tiến cho rằng, ngoài dự báo tương lai, chúng ta cũng phải định hình tương lai. Đây thực sự là bài toán khó, do đó, cần tập hợp trí tuệ, xúc tiến việc hình thành mạng lưới chuyên gia tư vấn cho CMCN 4.0.
Tại tọa đàm, các chuyên gia cũng đóng góp nhiều ý kiến cho công tác tư vấn về CMCN 4.0 trong sản xuất, kinh doanh và giáo dục tại Việt Nam. Trong đó, việc đào tạo nguồn nhân lực để thích ứng với CMCN 4.0 là hết sức quan trọng. CMCN 4.0 đã và đang là thách thức rất lớn với giáo dục đại học Việt Nam và đòi hỏi các nhà trường cùng đội ngũ giảng viên phải có những thay đổi mang tính cách mạng để đón đầu những xu hướng, thành tựu công nghệ cho công cuộc "trồng người".
Các ý kiến trao đổi tại toạ đàm sẽ được tổng hợp để gửi lên Bộ KH&CN cùng Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho việc chính thức hình thành Mạng lưới chuyên gia tư vấn như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo.
Theo Báo Điện tử Chính phủ