IBM muốn Mỹ 'siết chặt' công nghệ nhận dạng khuôn mặt
IBM cho rằng các hệ thống nhận dạng khuôn mặt có thể bị lợi dụng để vi phạm nhân quyền, nếu chúng được xuất khẩu đến những nhà nước cực đoan.
Theo Reuters, IBM tuyên bố Bộ Thương mại Mỹ nên đưa ra các giới hạn xuất khẩu đối với “loại hệ thống nhận dạng khuôn mặt có nhiều khả năng bị sử dụng trong các hệ thống giám sát hàng loạt, phân biệt chủng tộc hoặc các hành vi vi phạm nhân quyền khác”.
Trong tháng 7, Bộ Thương mại Mỹ đã hỏi ý kiến công chúng về việc nên hay không nên áp dụng yêu cầu giấy phép mới lên những phần mềm nhận dạng khuôn mặt và hệ thống sinh trắc học được sử dụng trong hoạt động giám sát. Hạn chót nhận ý kiến là vào ngày 15.9.
Logo IBM tại sự kiện Mobile World Congress ở Tây Ban Nha vào năm 2019
IBM nói với Reuters rằng chính phủ Mỹ cần tập trung vào “một đến nhiều” hệ thống có khả năng được áp dụng để tìm ra đối tượng chống đối từ một đám đông hoặc để triển khai trong giám sát hàng loạt, thay vì chỉ phụ thuộc vào những hệ thống “nhận dạng khuôn mặt” cho phép người dùng mở khóa iPhone hoặc xuất trình vé lên máy bay.
IBM cũng khuyên Bộ Thương mại Mỹ kiểm soát “việc xuất khẩu các camera độ phân giải cao được dùng để thu thập dữ liệu; cùng các thuật toán phần mềm dùng trong phân tích và đối sánh dữ liệu đó với cơ sở dữ liệu hình ảnh” và lập luận rằng họ nên “hạn chế khả năng sở hữu của chính phủ nước ngoài đối với những bộ phận điện toán quy mô lớn, vốn cần thiết để triển khai một hệ thống nhận dạng khuôn mặt tích hợp”.
IBM tin rằng Bộ Thương mại Mỹ cũng nên hạn chế quyền truy cập vào những cơ sở dữ liệu hình ảnh trực tuyến vì chúng có thể được sử dụng để đào tạo các hệ thống nhận dạng khuôn mặt.
3 tháng trước, IBM thông báo đến Quốc hội Mỹ họ ngừng cung cấp phần mềm nhận dạng khuôn mặt, phản đối mọi quyết định sử dụng công nghệ tương tự như vậy cho mục đích giám sát hàng loạt lẫn phân biệt chủng tộc. Công ty cũng kêu gọi việc ra quy định liên bang mới để buộc cảnh sát phải chịu trách nhiệm cao hơn đối với những hành vi sai trái.
Châu Anh (Theo Reuters)