Khai mạc Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về biến đổi khí hậu
Phát biểu khai mạc Hội nghị mang tính lịch sử này, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh, Hoa Kỳ thải ra một nửa lượng khí nhà kính trên Thế giới nên không một quốc gia nào có thể đóng vai trò lớn hơn trong nỗ lực giảm phát thải để nhiệt độ trên toàn cầu tăng chậm lại.
Lãnh đạo của 40 quốc gia tham gia Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về khí hậu. Ảnh Reuters.
Tối 22/4, theo giờ Việt Nam, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố khai mạc Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về khí hậu với sự tham gia của lãnh đạo 40 quốc gia nhằm cố gắng thúc đẩy các nỗ lực toàn cầu chống lại biến đổi khí hậu.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Hội nghị này. Hội nghị được tổ chức nhằm thúc đẩy cộng đồng quốc tế đưa ra các cam kết toàn cầu mạnh mẽ hơn về ứng phó với biến đổi khí hậu.
Mở đầu, Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu kéo dài hai ngày, Tổng thống Biden đã công bố mục tiêu của Mỹ cắt giảm 50 - 52% lượng khí thải so với mức năm 2005. "Đây là thập kỷ chúng ta phải đưa ra các quyết định để tránh những hậu quả tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng khí hậu", ông Biden tuyên bố trong phát biểu khai mạc Hội nghị từ Nhà trắng.
Coi đây là vấn đề đạo đức, Tổng thống Joe Biden kêu gọi các nước phải hành động ngay từ bây giờ vì đây là thập kỷ mang tính quyết định để nhiệt độ trên toàn cầu không tăng thêm quá 1,5 độ C. Nếu không, thế giới sẽ đi đến một tương lai tồi tệ vì phải gánh chịu nhiều thiên tai khắc nghiệt hơn.
Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố mục tiêu của Mỹ cắt giảm 50 - 52% lượng khí thải so với mức năm 2005. Ảnh AP
Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh: "Hoa Kỳ đang đi trên một con đường để giảm một nửa phát thải khí carbon vào cuối thập kỷ này. Đó là chặng đường chúng tôi sẽ đi và đó là những gì chúng tôi phải làm để xây dựng nền kinh tế mạnh khỏe, công bằng, thịnh vượng và bảo vệ hành tinh chúng ta. Bước tiếp theo, chúng tôi muốn đạt được mục tiêu là nền kinh tế phát thải bằng 0 vào trước năm 2050"
Mỹ hy vọng rằng kế hoạch mới đầy tham vọng của họ sẽ khuyến khích Trung Quốc, Ấn Độ và những nước khác tiến xa hơn trước cuộc họp quan trọng của COP26, tại Glasgow, Scotland vào tháng 11 tới.
Tại Hội nghị thượng đỉnh này, Thủ tướng Anh Boris Johnson gọi tuyên bố của Tổng thống Biden về việc cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của Mỹ là "thay đổi cuộc chơi".
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, người vừa đến thăm Tổng thống Biden tại Nhà trắng trong tháng này, đã nâng mục tiêu cắt giảm khí thải của Nhật Bản từ mức 26% lên 46% vào năm 2030.
Trong khi đó, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã nâng mục tiêu của đất nước mình cắt giảm khí thải từ 30% lên mức 40-45% vào năm 2030, thấp hơn mức năm 2005.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham gia Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về biến đổi khí hậu cùng lãnh đạo các nước.
Trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không công bố mục tiêu phát thải mới, nhưng ông cho biết Trung Quốc hy vọng lượng khí thải carbon của nước này sẽ đạt đỉnh trước năm 2030 và sẽ đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2060. Trung Quốc sẽ giảm dần việc sử dụng than từ năm 2025 đến năm 2030. Trung Quốc, quốc gia đi đầu trong công nghệ sản xuất năng lượng tái tạo như tấm pin mặt trời, vẫn phụ thuộc nhiều vào than để phát điện.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đề xuất ưu đãi đầu tư nước ngoài vào các dự án năng lượng sạch, nhưng cũng thể hiện rõ rằng Mỹ là nước gây ô nhiễm khí nhà kính hàng đầu thế giới trong lịch sử.
Các nhà lãnh đạo thế giới đặt mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp, ngưỡng mà các nhà khoa học cho rằng có thể ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu.
Với cam kết của Hoa Kỳ tiến tới phát thải khí carbon bằng 0. Đây là tin vui với Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu diễn ra vào cuối năm nay tại Anh, nhằm đạt được mục tiêu giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu vào cuối thể kỷ này không quá 2 độ C và cố gắng dưới 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Nếu đạt được mục tiêu này, các quốc gia được dự báo bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu sẽ an toàn hơn. Tối nay, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ cùng Tổng thống Joe Biden và Tổng thống các nước Tây Ban Nha, Nigeria và Ba Lan sẽ tham dự và phát biểu tại Phiên thảo luận quan trọng về chủ đề "Các lợi ích kinh tế của Hành động khí hậu".
PV (t/h)