Khai mạc Khoá tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên ở nước ngoài
Khóa tập huấn lần này có sự tham gia đông nhất từ trước đến nay của các giáo viên Việt Nam ở nước ngoài, cho thấy phong trào dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng ngày càng phát triển.
Ngày 9/10, Lễ khai mạc Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên Việt Nam ở nước ngoài đã được Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN), Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức dưới hình thức trực tuyến.
Tham dự Lễ khai mạc có ông Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN; ông Đinh Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thông tin - Văn hóa, Ủy ban Nhà nước về NVNOON; ông Hoàng Đức Minh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên, Bộ GD&ĐT; PGS.TS. Dương Tuấn Anh, Phó Trưởng Khoa Ngữ Văn, Đại học Sư phạm Hà Nội; TS. Lê Thị Thanh Tâm, Trưởng Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Ngoài ra, Lễ khai mạc còn có sự tham dự của đại diện Ban Đối ngoại và Kiều bào, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cùng các học viên và giảng viên của khóa tập huấn.
Các đại biểu dự lễ khai mạc tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN Lương Thanh Nghị cho biết, năm 2020 và 2021, do đại dịch Covid-19 bùng phát, diễn biến phức tạp, Ủy ban không tổ chức được các khóa tập huấn tại Việt Nam với sự tham dự trực tiếp của các giáo viên kiều bào như thường lệ.
Tuy nhiên, với sự quyết tâm nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác dạy và học tiếng Việt cho cộng đồng NVNONN, Ủy ban Nhà nước về NVNONN, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ GD&ĐT tổ chức khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên NVNONN năm 2021 theo hình thức trực tuyến.
Theo ông Lương Thanh Nghị, khóa tập huấn lần này có sự tham gia đông nhất từ trước đến nay của các giáo viên NVNONN, cho thấy phong trào dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng ngày càng phát triển và ngày càng nhiều giáo viên có nhu cầu được đào tạo, nâng cao phương pháp giảng dạy.
Đặc biệt, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn đề cao việc giữ gìn bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc.
Tọa đàm trực tuyến về thực trạng dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng NVONN được tổ chức ngay sau Lễ khai mạc khóa tập huấn.
Mới đây, tại Kết luận số 12/KL-TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác NVNONN trong tình hình mới và Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 10/9/2021 của Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam đã một lần nữa nhấn mạnh việc phải giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống và ngôn ngữ tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN khẳng định: "Thời gian qua, dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19, phong trào dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng vẫn ngày càng lan tỏa và đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ.
Các thầy cô, những giáo viên kiều bào vẫn luôn tận tình, sáng tạo trong việc giảng dạy tiếng Việt cho thế hệ trẻ tại nhiều địa bàn. Ủy ban Nhà nước về NVNONN luôn ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực và cống hiến không mệt mỏi của các thầy cô trong sự nghiệp 'gieo chữ, trồng người' rất cao cả này".
Về phía Bộ GD&ĐT, ông Hoàng Đức Minh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên, nhấn mạnh, đến nay, Thủ tướng đã phê duyệt Đề án Tăng cường dạy tiếng Việt trên mạng trực tuyến cho NVNONN và Đề án Nâng cao hiệu quả dạy học tiếng Việt cho NVNONN nhằm nâng cao chất lượng dạy học tiếng Việt cho NVNONN.
Thực hiện Quyết định số 14/QĐ-TTg ngày 6/1/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án Nâng cao hiệu quả dạy học tiếng Việt cho Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Ủy ban nhà nước về NVNONN tổ chức bồi dưỡng kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên, tình nguyện viên dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài vào tháng 8 hằng năm tại Việt Nam hoặc tại nước sở tại nếu có nhu cầu.
Từ năm 2013 đến năm 2019, mỗi năm có khoảng 65-70 giáo viên từ nhiều quốc gia về tham dự và được cấp chứng nhận hoàn thành lớp bồi dưỡng, trở thành nòng cốt trong phong trào dạy và học tiếng Việt của cộng đồng người Việt Nam ở các nước sở tại.
Ông Hoàng Đức Minh cũng cho biết, tổ chức khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên NVNONN là hoạt động thường niên được tiến hành từ năm 2013, với mục đích nâng cao trình độ và kỹ năng sư phạm, cập nhật kiến thức cho các giáo viên chuyên và không chuyên đang giảng dạy tiếng Việt tại các cơ sở tiếng Việt của cộng đồng.
Cho đến nay, hơn 200 lượt giáo viên kiều bào đã về nước tham gia các khóa tập huấn với sự hỗ trợ của các giảng viên là những chuyên gia ngôn ngữ hàng đầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo trực tiếp lên lớp, giảng dạy.
Theo Ban tổ chức, khóa tập huấn lần này được tổ chức theo hình thức trực tuyến với gần 400 học viên, được tổ chức theo hai lớp: Lớp học thứ nhất dành cho địa bàn châu Á - Australia; Lớp học thứ hai dành cho địa bàn châu Âu - Bắc Mỹ.
Các giáo viên tham dự khóa học tại các các nước.
Tại Lễ khai mạc ,TS. Lê Thị Thanh Tâm - Trưởng Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội bày tỏ cảm ơn Ban tổ chức tạo điều kiện gặp gỡ các giáo viên kiều bào và hỗ trợ tích cực cho việc tham gia khóa tập huấn của các giảng viên.
Các giáo viên kiều bào như cô Nguyễn Hà Chung ở Nhật Bản, thầy Nguyễn Trường Thi ở Thái Lan... cũng bày tỏ xúc động vì giữa hoàn cảnh khó khăn vì đại dịch, Ban tổ chức vẫn quyết tâm tổ chức lớp học trực tuyến nhằm trau dồi, nâng cao kiến thức cho các giáo viên dạy tiếng Việt ở nước ngoài.
Khóa tập huấn được kỳ vọng sẽ mang lại những kiến thức chuyên môn bổ ích, là dịp để các giáo viên VNONN cùng chia sẻ những kinh nghiệm quý báu về giảng dạy tiếng Việt, từ đó tiếp tục đóng góp cho phong trào dạy và học tiếng Việt ở nước sở tại.
Ngay sau Lễ khai mạc khóa tập huấn, các đại biểu đã tham gia Tọa đàm Thực trạng dạy và học tiếng Việt cho cộng đồng NVNONN và biện pháp thúc đẩy.
Tại đây, các đại biểu khẳng định nhu cầu học tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN luôn rất lớn, tuy nhiên, các giáo viên kiều bào đang còn gặp nhiều khó khăn như thiếu giáo trình, tài liệu tham khảo phù hợp với địa bàn; đa dạng về cấp học và kỹ năng sư phạm của các giáo viên kiều bào còn hạn chế…
Bộ Ngoại giao, Ủy ban Nhà nước về NVNONN và Bộ GD&ĐT ghi nhận những ý kiến xác đáng của các giáo viên kiều bào, trao đổi các biện pháp, phương hướng tháo gỡ khó khăn, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả của công tác dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN.
Khôi Nguyên (T/h)