Khơi thông nguồn lực cho phát triển KHCN&ĐMST

15:33, 23/04/2025

Sáng ngày 23/4, tại Hà Nội, lãnh đạo Quốc hội đã có buổi làm việc với lãnh đạo Chính phủ và các cơ quan hữu quan về một số nội dung lớn của dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST).

Chủ trì buổi làm việc có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy; Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho biết, Bộ KH&CN đã nghiên cứu, giải trình, tiếp thu đầy đủ các ý kiến trao đổi, thảo luận tại Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường để hoàn thiện hồ sơ dự án Luật.

Về bố cục, dự thảo Luật gồm 8 chương và 83 điều (giảm 12 điều so với dự thảo Luật trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội - gồm 8 chương và 95 điều). Về cơ bản, Bộ Khoa học và Công nghệ sắp xếp một số chương, mục cho phù hợp với nội dung của Luật và làm rõ hơn nội dung của một số điều. Đồng thời, Bộ đã rà soát toàn bộ dự thảo Luật để đảm bảo thực hiện nghiêm các chỉ đạo về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; quán triệt sâu sắc các giải pháp đổi mới tư duy xây dựng pháp luật.

Bộ KH&CN cũng đã hoàn thiện quy định về tài chính; thể chế hóa tối đa các nội dung liên quan đến chính sách ưu đãi vượt trội, đặc thù trong KH,CN&ĐMST; đề cao vai trò của doanh nghiệp, khu vực tư nhân. Các quy định về tài chính, ưu đãi vượt trội, đặc thù đã được thể chế hóa tại Chương IV dự thảo Luật.

Đồng thời, Bộ đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp rà soát những khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn của pháp luật liên quan đến KH,CN,ĐMST và chuyển đổi số để đề xuất các cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động KH,CN&ĐMST.

Trên cơ sở đó, Bộ đã đề xuất sửa đổi các luật có liên quan tại Điều khoản thi hành (Luật Công nghệ cao, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Đất đai, Luật Nhập cảnh, Xuất cảnh, Quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Luật Báo chí, Luật Sở hữu trí tuệ).

Về khoán đến sản phẩm nghiên cứu cuối cùng, công khai và minh bạch, phản biện xã hội và trách nhiệm giải trình, Bộ KH&CN đã nghiên cứu, tiếp thu tại dự thảo Luật các nội dung như: Có bộ chỉ số đầu ra đo lường hiệu quả tác động của nghiên cứu, không chỉ dựa vào hồ sơ tài chính, phân loại nhiệm vụ nghiên cứu khoa học gắn với mức độ rủi ro (nhất là các nhiệm vụ có tính đột phá), tăng tính độc lập của hội đồng đánh giá, tăng cường hơn nữa minh bạch tài chính và công bố công khai, tăng tính phản biện của xã hội để tạo giám sát của dư luận, hạn chế gian lận, tình trạng nghiên cứu khoa học "xếp ngăn kéo", tăng trách nhiệm giải trình của người đứng đầu và tổ chức chủ trì nghiên cứu.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn phát biểu tại buổi làm việc.

Đề cập về một số nội dung cần trao đổi về dự thảo Luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn cho biết, dự thảo Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội gồm 08 chương, 95 điều (giảm 11 điều so với dự thảo Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội).

Cơ quan chủ trì thẩm tra, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị bố cục lại dự thảo Luật theo hướng logic hơn, bao quát những nội dung cơ bản nhất có liên quan trong lĩnh vực KH,CN&ĐMST; nghiên cứu kế thừa hợp lý nội dung Luật KH&CN năm 2013, đồng thời cân nhắc về tên gọi của dự thảo Luật để bảo đảm phù hợp tên Luật và bố cục; bảo đảm cân đối hài hòa giữa các lĩnh vực, nhất là các quy định về khoa học công nghệ và khoa học xã hội, nhân văn. Đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát thực hiện đúng với chủ trương đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, đảm bảo quy định ngắn gọn, đúng thẩm quyền theo hướng những vấn đề gì thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì quy định, còn những vấn đề đã giao cho Chính phủ hoặc đã có quy định giao Thủ tướng Chính phủ thì không nên quy định vào dự thảo Luật này.

Về chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, tài chính cho KH,CN&ĐMST, cơ quan chủ trì thẩm tra đề nghị thể chế hóa tối đa Nghị quyết số 57-NQ/TW về các nội dung liên quan đến tài chính cho KH,CN&ĐMST. Vấn đề lưu ý là làm sao bảo đảm hài hòa giữa mức độ thông thoáng trong các chính sách ưu đãi, hỗ trợ tài chính cho KH,CN&ĐMST với các hoạt động quản lý nhà nước nhằm tránh lạm dụng, trục lợi chính sách dẫn đến lãng phí, thất thoát tài sản công.

Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, thể chế hóa chủ trương của Đảng về vai trò của doanh nghiệp, kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó kinh tế tư nhân là động lực hàng đầu thúc đẩy tăng trưởng và ĐMST.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung trao đổi quan điểm về chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, tài chính cho KH,CN&ĐMST; cấu trúc của dự thảo Luật và tính đồng bộ của các quy định tại dự thảo Luật KH,CN&ĐMST và các luật, dự thảo liên quan, cơ chế ưu đãi cho các nhà khoa học, quan tâm đến doanh nghiệp tư nhân...

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án Luật KH,CN&ĐMST. Đây là luật rất quan trọng vì nhiều quốc gia đều thay đổi tư duy tăng trưởng kinh tế trên cơ sở phát triển KHCN và chuyển đổi số. Luật này cơ bản có nhiều vấn đề, nội dung trọng tâm đạt được yêu cầu nhưng vẫn phải tiếp tục rà soát kỹ lưỡng. Tinh thần của Luật KH,CN&ĐMST là không cầu toàn, thể chế hóa, tháo gỡ những điểm nghẽn về KHCN trong thời gian qua theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng khẳng định, việc xây dưng luật phải phục vụ nhu cầu xã hội và phát triển kinh tế xã hội, thúc đẩy phát triển KH,CN&ĐMST; có cơ chế thu hút các nhà khoa học, nhân tài, chuyên gia giỏi trong và ngoài nước. Dự án Luật đã có những điểm mới trong việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động và tháo gỡ khó khăn cho các nhà khoa học nên cơ quan soạn thảo dự án Luật cần tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng để giao nhiệm vụ, là cầu nối kết nối giữa các Viện, doanh nghiệp trong việc đặt hàng, nghiên cứu, nghiệm thu đề tài, công trình khoa học.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan yêu cầu Chính phủ tiếp thu, nghiên cứu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội tại Phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cần sửa đổi Luật KH&CN hiện hành và nên bổ sung nội dung ĐMST vào trong Luật này. Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo dự án Luật cần quán triệt tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, chú trọng tới hỗ trợ cho các nhà khoa học, thúc đẩy nền khoa học nước nhà phát triển, khắc phục được tình trạng đạo văn, đạo đề án khoa học, tháo gỡ khó khăn cho các nhà khoa học trong việc phải thực hiện các thủ tục hành chính, hóa đơn, chứng từ...

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan, Luật phải thúc đẩy được KH,CN&ĐMST ở địa phương, cấu trúc lại các tổ chức nghiên cứu công lập để sử dụng ngân sách hiệu quả; tháo gỡ khó khăn để các nhà khoa học có thể làm kinh tế từ đề tài; tạo điều kiện để doanh nghiệp tư nhân phát triển. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần làm rõ hơn về việc quản lý của Nhà nước, giải trình cho các tổ chức nghiên cứu khoa học và khơi thông nguồn lực cho phát triển KH,CN&ĐMST.