Khơi thông nguồn lực trí thức trẻ trong bối cảnh chuyển đổi lớn của đất nước

14:28, 16/07/2025

Sự chuyển động mạnh mẽ về tổ chức bộ máy và định hướng phát triển quốc gia đang đặt ra yêu cầu cấp bách trong việc đổi mới phương thức tập hợp, thu hút và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trẻ.

Ông Nguyễn Quyết Chiến, Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Thu Giang.

Hội thảo “Công tác đoàn kết, thu hút, tập hợp đội ngũ trí thức trẻ” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức ngày 16/7 tại Hà Nội đã đặt ra nhiều vấn đề cấp thiết, từ cơ chế chính sách, mô hình tổ chức đến giải pháp kết nối, phát huy trí tuệ Việt trong và ngoài nước.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Quyết Chiến, Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nhấn mạnh, cả hệ thống chính trị đã và đang tiến hành sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy từ Trung ương đến cơ sở, trong đó có việc chuyển Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật ở Trung ương và địa phương về trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và hợp nhất, sáp nhập từ 63 tỉnh, thành phố thành 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (kết thúc hoạt động cấp huyện).

Hàng loạt nghị quyết lớn được Bộ Chính trị ban hành, được ví như "Bộ tứ trụ cột" cho phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Đó là Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Nghị quyết 59 về hội nhập quốc tế; Nghị quyết 66 về đổi mới công tác xây dựng, thi hành pháp luật và Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân.

Cùng với đó là Nghị quyết 193/2025/QH15 và Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo vừa được Quốc hội thông qua, tạo nền móng thể chế mạnh mẽ để phát triển đất nước dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Theo ông Nguyễn Quyết Chiến, tất cả những chuyển động lớn đó đòi hỏi cần có tư duy mới, cách tiếp cận mới, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, đổi mới phương thức tập hợp trí thức, bao gồm cả trí thức là các chuyên gia đầu ngành, nhiều kinh nghiệm, đã lớn tuổi đến trí thức trong các viện nghiên cứu, trường đại học, các doanh nghiệp và trí thức trẻ ở trong và ngoài nước.

Hiện nay, toàn hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam có khoảng 3,7 triệu hội viên, trong đó có khoảng 2, 2 triệu trí thức. Tuy nhiên, việc thu hút, tập hợp trí thức trẻ vào các hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam vẫn còn gặp nhiều rào cản như cơ chế chính sách chưa phù hợp, môi trường làm việc chưa đủ hấp dẫn, chưa có nhiều mô hình tổ chức phù hợp với đặc điểm thế hệ trẻ.

Hội thảo “Công tác đoàn kết, thu hút, tập hợp đội ngũ trí thức trẻ” - Ảnh: VGP/Thu Giang.

Tại Hội thảo, TS. Lê Công Lương, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Khoa học và Hợp tác quốc tế Liên hiệp Hội Việt Nam nhấn mạnh, việc tập hợp trí thức trẻ không chỉ là nhiệm vụ cấp thiết mà còn là chiến lược dài hạn để hình thành đội ngũ kế cận đủ năng lực, bản lĩnh, khát vọng cống hiến vì sự phát triển bền vững của đất nước.

Từ đó, ông Lê Công Lương đề xuất nhiều giải pháp thiết thực như: Xây dựng các chương trình hành động, cuộc thi, diễn đàn khoa học dành riêng cho trí thức trẻ; tổ chức hoạt động học thuật kết hợp thực tiễn như khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, công nghệ xanh, nghiên cứu ứng dụng gắn với sản xuất; số hóa hoạt động của hội, phát triển nền tảng trực tuyến để kết nối hiệu quả với trí thức trẻ trong và ngoài nước.

Đặc biệt, cần hình thành mạng lưới trí thức trẻ của Liên hiệp Hội Việt Nam hoạt động theo các cụm chuyên môn (môi trường, chuyển đổi số, nông nghiệp công nghệ cao...), định kỳ tổ chức hội nghị trí thức trẻ toàn quốc hoặc khu vực.  Cùng với đó là việc đề xuất xây dựng Quỹ hỗ trợ sáng tạo và nghiên cứu cho trí thức trẻ, tạo nền tảng nuôi dưỡng ý tưởng và hỗ trợ triển khai thực tiễn.

TS. Đặng Vũ Cảnh Linh, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học (MTTQ Việt Nam) cho rằng đội ngũ trí thức trẻ Việt Nam đang phát triển mạnh, được minh chứng qua việc chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam liên tục được cải thiện, đến năm 2024 đã đứng vị trí thứ 44/133 quốc gia, vùng lãnh thổ được xếp hạng, tăng mạnh so với vị trí thứ 71 của năm 2014.

Tuy nhiên, công tác thu hút, đoàn kết, tập hợp trí thức trẻ hiện vẫn đối mặt với không ít rào cản. Đội ngũ phân bố không đồng đều; thiếu chuyên gia đầu ngành, nghiên cứu cơ bản; thiếu chính sách thu hút, cơ chế tài chính đủ mạnh; thiếu chiến lược đào tạo, sử dụng và tôn vinh trí thức trẻ...

Do đó, TS. Đặng Vũ Cảnh Linh đề xuất Liên hiệp Hội Việt Nam cần triển khai nhóm giải pháp đồng bộ gồm: Nâng cao nhận thức của các cấp về vai trò của trí thức, khơi dậy trách nhiệm và khát vọng cống hiến của đội ngũ trí thức trẻ; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức hoạt động cụ thể, xây dựng chính sách đào tạo, trọng dụng, đãi ngộ trí thức trẻ; hoàn thiện cơ chế chính sách về tài năng trẻ, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, hỗ trợ chuyển giao sáng chế, sáng kiến và thúc đẩy hợp tác quốc tế; tạo dựng môi trường sáng tạo, tạo điều kiện để trí thức trẻ tham gia phản biện chính sách, đề xuất sáng kiến phát triển kinh tế-xã hội.

Các đại biểu cũng cho rằng, công tác đoàn kết, thu hút, tập hợp đội ngũ trí thức trẻ là bước đi quan trọng trong tiến trình hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước. Để làm được điều này, không chỉ cần các chính sách nhất quán, cơ chế thuận lợi mà quan trọng hơn cả là sự chuyển động thực sự từ tổ chức đến con người. Cơ chế, chính sách chỉ thực sự có giá trị khi đi vào cuộc sống bằng hành động cụ thể,t từ việc tạo ra không gian sáng tạo, hỗ trợ khởi nghiệp đến việc kết nối thế hệ trí thức trong và ngoài nước, mở rộng cơ hội hợp tác quốc tế.

Việc tập hợp trí thức trẻ không chỉ dừng lại ở số lượng hội viên, mà còn là quá trình xây dựng hệ sinh thái sáng tạo, môi trường làm việc cởi mở, trọng dụng nhân tài thực chất.