Kính công nghệ AI chống… buồn ngủ

13:05, 04/01/2021

Một loại kính tích hợp với điện thoại, có thể sử dụng để chống cận thị, cảnh báo cho người lái xe chống buồn ngủ, giúp người khuyết tật giao tiếp với máy tính… được làm ra bởi một startup trẻ - Lê Hoàng Anh.

Kính thông minh đang phát triển mạnh trong làng công nghệ.

Từ giúp người khuyết tật giao tiếp với máy tính

Lê Hoàng Anh, Founder&CEO Công ty Cổ phần Multi Việt Nam (đơn vị sáng lập ra dự án MultiGlass) cho biết, năm 2015, tình cờ một lần tiếp xúc với một số bạn khuyết tật, Lê Hoàng Anh nảy ra ý tưởng làm một chiếc kính thông minh có thể giúp đỡ các bạn khuyết tật có thể sử dụng máy tính để kết nối tri thức.

Sau đó, chiếc kính được nâng cấp thêm tính năng phát hiện cảnh báo buồn ngủ cho tài xế. Nó giúp giảm thiểu tình trạng tai nạn giao thông của cái tài xế lái xe đường dài, cũng như giúp cho việc vận hành xe tải của các tài xế được an toàn.

Công nghệ lõi của chiếc kính này nằm ở thuật toán nhận dạng con mắt – thứ đang được các hãng di dộng sử dụng phổ biến cho dòng điện thoại thông minh.

Điểm khác biệt trong ý tưởng là nếu như các hãng công nghệ và quốc gia trên thế giới ứng dụng công nghệ này cho việc nhận dạng khuôn mặt hay xác thực công dân… thì các nhà sáng lập MultiGlass lại áp dụng nó cho một tính năng khác mang tính xã hội hơn.

“Việt Nam có hàng chục triệu người lái xe hơi và hàng triệu người khuyết tật. Thuật toán mà MultiGlass phát triển với sự tích hợp của trí tuệ nhận tạo giúp chiếc kính có thể nhận dạng được mọi tình trạng, sắc thái, cử động của mắt để đưa ra chính xác lệnh của người dùng”, Lê Hoàng Anh cho biết.

Thậm chí, để bảo đảm cho tính chính xác của các dữ liệu mà cảm biến thu thập được, Hoàng Anh và các cộng sự đã tìm đến những bác sĩ chuyên ngành về mắt để nhờ họ tư vấn các trạng thái mắt có biểu hiện mệt mỏi, buồn ngủ. Sự kết hợp của kiến thức chuyên môn cùng công nghệ trí tuệ nhân tạo giúp chiếc kính có độ chính xác lên tới hơn 90%.

Thiết bị giao tiếp thông minh MultiGlass tích hợp 3 nền tảng công nghệ: Công nghệ multi iris recognition, IoT và trí tuệ nhân tạo giúp doanh nghiệp giám sát hoạt động của tài xế.

Theo đó, khi thiết bị phân tích con mắt tài xế có dấu hiệu buồn ngủ thì hệ thống được lập trình trước đó sẽ tự động gửi tín hiệu trước 30 phút đến một chiếc còi nhỏ gắn trên gọng kính, sau đó, còi sẽ phát ra âm thanh đánh thức tài xế và tránh được cơn buồn ngủ. Sản phẩm này đã được thương mại hoá từ năm 2017 và giá tại thị trường Việt Nam là 35 USD và nước ngoài là 50 USD.

Đến kính chống cận thị

Một năm sau TECHFEST 2019, cuối năm 2020, Lê Hoàng Anh hào hứng giới thiệu về sản phẩm mới: Kính chống cận thị đi kèm cảnh báo sốt - một tính năng mà phóng viên có đùa với Hoàng Anh rằng “bonus – (tặng thêm) thời Covid-19”.

Vì sao lại là sản phẩm kính cận thị? Đây có phải là một thị trường ngách của công ty? Hoàng Anh tin rằng với một thị phần gồm 5 triệu người cận thị ở Việt Nam và con số vẫn không ngừng tăng mỗi năm cũng như việc trẻ em và người lớn nhìn quá nhiều vào màn hình máy tính, tivi, điện thoại mỗi ngày cũng đều cần sử dụng chiếc kính của mình.

Thực tế thì ý tưởng về sản phẩm này đến khi đi khảo sát thị trường, Lê Hoàng Anh và các cộng sự nghe được chia sẻ của các tiệm kính thuốc truyền thống về nhu cầu: “Cần một chiếc kính có khả năng nhắc nhở người sử dụng về việc đã nhìn vào màn hình điện thoại, tivi bao lâu hoặc ngồi quá gần có thể dẫn đến tật khúc xạ ở mắt.

Từ công nghệ lõi nhận diện con mắt, chúng tôi tự tin khẳng định có thể phát triển bất cứ sản phẩm nào về kính cả phần cứng và phần mềm. Sự linh hoạt này sẽ giúp MultiGlass đi xa hơn trong sự phát triển của mình”.

Trên nền tảng công nghệ lõi nhận diện con mắt đã phát triển trong nhiều năm, MultiGlass lập tức có ngay sản phẩm đáp ứng yêu cầu của khách hàng chỉ sau ba tháng nghiên cứu và phát triển.

Điểm đặc biệt của loại kính này là nó sẽ được kết nối với ứng dụng MultiGlass trên điện thoại, dựa theo cài đặt như khoảng cách từ mắt tới vật thể, thời gian nhìn tập trung một lần, cảm biến sẽ tự động thu thập thông tin và đưa ra cảnh báo tới người dùng.

Trong đợt Covid-19, đội ngũ MultiGlass bổ sung tính năng đo nhiệt độ cơ thể để cảnh báo nếu phát hiện người dùng bị sốt.

Sự hữu ích của chiếc kính đã khiến MultiGlass có thêm đơn hàng, dù trong giai đoạn diễn ra đại dịch. MultiGlass đã nhận được đơn đặt hàng 3.000 chiếc đầu tiên cùng với sự thỏa thuận của một đối tác lớn tại Nhật Bản - thiết kế và sản xuất theo yêu cầu dựa trên công nghệ nhận diện con mắt, vật thể.

Dù từ chối tiết lộ chi tiết hơn về đơn hàng này nhưng Lê Hoàng Anh cũng tin rằng đây chính là bước đệm quan trọng để startup này có cơ hội tiếp cận thị trường Nhật Bản dễ dàng hơn, khi mà sản phẩm của họ sẽ được gắn nhãn bảo đảm từ đối tác Nhật Bản này.

“Từ công nghệ lõi nhận diện con mắt, chúng tôi tự tin khẳng định có thể phát triển bất cứ sản phẩm nào về kính cả phần cứng và phần mềm. Sự linh hoạt này sẽ giúp MultiGlass đi xa hơn trong sự phát triển của mình”, Lê Hoàng Anh nói.

Theo giaoducthoidai.vn