Loạt trường tuyển sinh ngành công nghệ vi mạch bán dẫn từ năm 2024

15:07, 18/01/2024

Nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ về phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực vi mạch bán dẫn, từ năm 2023 đến nay đã có hơn 10 cơ sở đào tạo trong nước công bố tuyển sinh đào tạo nhân lực cho ngành này từ năm học 2024-2025.

Mới đây nhất là trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) đã thông báo bắt đầu tuyển sinh ngành công nghệ vi mạch bán dẫn. Chương trình đào tạo hướng tới trang bị cho người học kiến thức và kỹ năng chuyên môn liên quan đến thiết kế, chế tạo và đóng gói, kiểm thử vi mạch bán dẫn tích hợp, nhằm cung cấp nguồn nhân lực chuyên môn cao, đón đầu xu hướng phát triển của ngành công nghiệp nhiều tiềm năng này.

Trước đó, trường Đại học FPT; Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông; Đại học Bách khoa Hà Nội; trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt – Hàn, trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, trường đại học Sư phạm Kỹ thuật (thuộc Đại học Đà Nẵng); Đại học Cần Thơ; Đại học Quốc tế Sài Gòn (SIU); trường Đại học Phenikaa; trường Đại học Bách khoa, trường Đại học Công nghệ thông tin và trường Đại học Khoa học tự nhiên (thuộc ĐHQGTPHCM) đều đã công bố mở ngành đào tạo nhân lực cho lĩnh vực vi mạch bán dẫn.

Hiện nay tại Việt Nam có hơn 50 công ty vi mạch hoạt động, tuy nhiên, đến hết năm 2022, Việt Nam mới có khoảng 5.000 kỹ sư làm việc trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, tập trung tại TP HCM (74%), Hà Nội (10%), Đà Nẵng (8%). Số này chỉ đáp ứng 20% nhu cầu nhân lực. Dự báo, Việt Nam cần thêm 50.000 lao động trình độ cao từ nay tới năm 2030.

Dự báo, Việt Nam cần thêm 50.000 lao động trình độ cao cho ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn từ nay đến năm 2030. Ảnh minh họa.

Tại Hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn từ các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam” được tổ chức tại Đà Nẵng vào ngày 19/10/2023, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết, thực hiện chủ trương của Chính phủ, sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT đang xây dựng Kế hoạch hành động trong toàn ngành để thúc đẩy triển khai đào tạo, gia tăng nhanh số lượng và chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, nhất là kỹ sư thiết kế vi mạch.

Để thực hiện nhiệm vụ rất quan trọng này, các cơ sở giáo dục đại học đóng vai trò chủ yếu. Theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT, hiện nay có khoảng 35 cơ sở giáo dục đại học có khả năng tham gia, tuy nhiên số lượng cơ sở đào tạo có kinh nghiệm, có truyền thống còn rất ít.

Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết đang chủ trì xây dựng Đề án đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghệ cao, trong đó đề xuất các chính sách hỗ trợ khuyến khích chung cho phát triển nguồn nhân lực các lĩnh vực STEM và công nghệ cao nói chung, trong đó có lĩnh vực điện tử, bán dẫn, vi mạch. Đề án trình Thủ tướng Chính phủ cuối năm 2023.

Ngoài đào tạo trong các cơ sở giáo dục đại học, thời gian qua tại Việt Nam cũng đã thành lập một số Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch. Điển hình như ngày 28/10/2023, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia cơ sở Hòa Lạc đã công bố thành lập  Trung tâm đào tạo bán dẫn Việt Nam. Ngày 6/9/2023, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM đã ra mắt Trung tâm điện tử và vi mạch bán dẫn – ESC. Trung tâm được thành lập trên cơ sở hợp nhất hai đơn vị là Trung tâm Đào tạo Thiết kế vi mạch Khu Công nghệ cao (SCDC) và Trung tâm Đào tạo Điện tử Quốc tế (IETC); ngày 30/12/2023, UBND TP Đà Nẵng cho biết đã có quyết định thành lập Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng.

Theo Tạp chí điện tử Tự động hóa ngày nay

https://vnautomate.net/loat-truong-tuyen-sinh-nganh-cong-nghe-vi-mach-ban-dan-tu-nam-2024.html