LTE đã sẵn sàng khởi động

00:00, 01/02/2011

Trạm BTS LTE đầu tiên do VNPT thử nghiệm vừa được khánh thành và vận hành thành công tại Hà Nội với tốc độ truy cập Internet lên đến 60Mbps. Giai đoạn 2 của dự án dự kiến sẽ được triển khai tại TPHCM. Việc VNPT hoàn thành và đưa vào phát sóng trạm BTS công nghệ LTE này đánh dấu bước tiến lớn về mặt làm chủ công nghệ của VNPT, đồng thời góp phần thực hiện mục tiêu chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin của chính phủ. Đây không chỉ là trạm BTS công nghệ LTE đầu tiên tại Việt Nam mà còn là trạm đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á.

Có mặt tại Hội thảo tối ưu hóa mạng lưới dịch vụ- Kỷ nguyên mới 3G- Internet di động và băng rộng di động- Giải trí số trên di động trong Triễn lãmVietNam Telecomp/Electronics 2010, Nokia Siemens Network (NSN) đã chia sẻ nhiều vấn đề cũng như kinh nghiệm triển khai LTE trên thế giới thu hút sự chú ý đặc biệt cho các diễn giả, quan khách và phóng viên. Đây là vấn đề nóng được bàn luận sôi nổi trong suốt thời gian qua bởi lẽ, LTE đang được cấp phép thử nghiệm và một khi đi vào triển khai hứa hẹn mang đến cho khách hàng các ứng dụng đòi hỏi băng thông lớn như HDTV, giải trí trực tuyến, xem HD trên cả màn hình tivi lớn và di động...

NSN LTE, mọi thứ đã sẵn sàng

LTE (Long Term Evolution) còn được gọi là EUTRA (Evolved UMTS Terrestrial Radio Access) hay E-UTRAN (Evolved UMTS Terrestrial Radio Access Network) là công nghệ có khả năng cung cấp cho người dùng tốc độ truy cập dữ liệu nhanh, cho phép các telco có thể phát triển thêm nhiều dịch vụ truy cập sóng vô tuyến mới dựa trên nền tảng IP tối ưu, và đặc biệt thuận tiện cho việc nâng cấp mạng từ 3G lên 4G. Mục tiêu mà 3GPP đặt ra cho LTE (Release 8) gồm: tốc độ truyền dữ liệu cao, độ trễ thấp và công nghệ truy cập sóng vô tuyến gói dữ liệu tối ưu. Hay nói cách khác, công nghệ LTE là 1 hệ thống công nghệ được phát triển từ họ công nghệ GSM/UMTS (WCDMA, HSPA đang được nghiên cứu thử nghiệm để tạo nên 1 hệ thống truy cập băng rộng di động thế hệ mới, hướng đến thế hệ thứ 4, 4G. Công nghệ này được sử dụng với cả 2 phương thức là LTE FDD (FREQUENCY DIVISION DUPLEX) và LTE TDD (TIMEDIVISION DUPLEX).
 
       Theo chuyên gia viễn thông thế giới, tốc độ của dịch vụ băng rộng ADSL được cung cấp tại Việt Nam trung bình từ 1,5Mbps- 6Mbps. Công nghệ LTE TDD có tốc độ lý tưởng lên đến 110Mbps. Còn theo các chuyên gia của VDC, LTE có thể đạt tốc độ tải xuống 100Mbps, tốc độ tải lên đạt 50Mbps với băng thông 20Mhz; hoạt động tối ưu với tốc độ di chuyển thuê bao là 0- 15Km/h; vẫn hoạt động tốt với tốc độ di chuyển của thuê bao từ 15- 120Km/h; vẫn duy trì được hoạt động khi thuê bao di chuyển với tốc độ từ 120- 350Km/h (thậm chí là đến 500Km/h tùy băng tần).

        Đặc biệt hơn cả, công nghệ LTE có khả năng tương thích gần như hoàn hảo với công nghệ nền tảng GSM. Hầu hết các hãng sản xuất thiết bị viễn thông hàng đầu: NSN, Motorola, Alcatel- Lucent, Ericsson, Nokia... đã thực hiện các cuộc thử nghiệm quan trọng trên công nghệ LTE và đạt những thành công đáng kể. Trong đó, NSN đã công bố thử nghiệm thành công LTE với tốc độ lên đến 173Mbps trong môi trường đô thị với nhiều thuê bao cùng lúc trên tần số 2,6Ghz, băng thông 20Mhz. Khi được các phóng viên phỏng vấn về việc triển khai LTE tại Việt Nam đã đúng thời điểm chưa và khi đưa vào thương mại hóa cần những yếu tố gì, ông Abdallah Harati, Tổng giám đốc NSN tại Việt Nam phát biểu: Bộ Thông tin Truyền thông quyết định cho thử nghiệm LTE trong giai đoạn này là cần thiết và đúng thời điểm. Khi các doanh nghiệp triển khai thử nghiệm sớm sẽ có những lợi thế nhất định, chẳng hạn doanh nghiệp sẽ biết vấn đề của công nghệ mới là gì, những lợi thế cũng như khiếm khuyết của nó. Nhờ đó, họ sẽ sẵn sàng khi công nghệ chín muồi và khi thời điểm đến họ có thể triển khai thương mại hóa ngay. Nền kinh tế Việt Nam đang phát triển rất nhanh, năng động và công nghệ 3G khi được ứng dụng rộng rãi sẽ phát triển rất nhanh trong chỉ một thời gian ngắn. Rồi đến một lúc nào đó, LTE sẽ được ứng dụng trong hệ thống công nghệ 4G. Hệ thống LTE của NSN hiện đã triển khai tốt trên thế giới và đã công bố thử nghiệm thành công tại Việt Nam. NSN cũng đang sẵn sàng triển khai hệ thống này bất cứ lúc nào. Vấn đề thương mại hóa hiện nay còn lại là hoàn toàn phụ thuộc vào các nhà khai thác mạng Việt Nam.

Bước đệm lên 4G

Điều ấn tượng đọng lại khi các phóng viên trao đổi với ông Abdallah Harati là ông nhấn mạnh đến việc các nhà mạng có thể phát triển, nâng cấp lên LTE ngay trên nền tảng 3G hiện có mà vẫn đảm bảo yếu tố tương thích, mang lại hiệu quả đầu tư cao. Điều này giúp nhà mạng không bỏ phí nền tảng hiện có mà vẫn có thể phát triển mạnh nền tảng mới với tốc độ và nhiều dịch vụ đi kèm hiện đại, vượt trội. Đồng thời, đây cũng là bước đệm quan trọng để tiến tới 4G trong tương lai. Và nền tảng LTE của NSN hiện hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu đó. Để khẳng định điều này, ông Abdallah Harati chia sẻ thêm, Việt Nam là thị trường cực kỳ quan trọng, NSN đến Việt Nam không chỉ kinh doanh mà cam kết mạnh mẽ hỗ trợ các nhà khai thác mạng tiến lên LTE một cách hiệu quả nhất trên mọi phương diện. Không chỉ vậy, NSN còn mong muốn được đưa đội ngũ kỹ thuật chuyên nghiệp của mình vào Việt Nam nhằm xây dựng đội ngũ kỹ thuật có trình độ cao. Từ đó giúp các nhà khai thác mạng phát triển nền tảng công nghệ thông tin, dịch vụ băng thông rộng mạnh mẽ nhất. Người tiêu dùng sắp tới sẽ được hưởng những dịch vụ tối tân với tốc độ nhanh chóng mặt không thua kém các nước phát triển trên thế giới.

Tổng giám đốc NSN Việt Nam khẳng định thêm, hiện nay, NSN đã cung cấp sản phẩm giải pháp, thiết bị cho 19 mạng triển khai LTE thương mại trên thế giới, NSN biết triển khai hệ thống này như thế nào vì NSN có kinh nghiệm. Nếu các nhà khai thác ở Việt Nam muốn triển khai thực tế mạng LTE, NSN sẽ giúp họ rút ngắn được nhiều thời gian, tránh được những sai lầm mà các đơn vị khác gặp phải vì NSN đã học hỏi được kinh nghiệm ở các hãng khác trên thế giới. Hơn thế, việc phát triển mạng vô tuyến còn có ý nghĩa tích cực ở các vùng sâu, xa, Ông Abdallah Harati bày tỏ: Khi quan sát nhiều quốc gia khác thì các vùng sâu vùng xa ở nông thôn vẫn chưa được thụ hưởng dịch vụ viễn thông. Khi đưa dịch vụ điện thoại, Internet về khu vực đó, việc triển khai hữu tuyến sẽ không hiệu quả mà phải triển khai các công nghệ vô tuyến như 3G hoặc các công nghệ không dây khác như LTE, Wimax, 4G. Khi đã tiếp cận đến lớp khách hàng đó, lưu lượng sử dụng sẽ tăng rất nhanh và đòi hỏi nhà khai thác mạng phải không ngừng đổi mới, nâng cấp công nghệ để đáp ứng kịp nhu cầu và cung cấp đến khách hàng nhiều dịch vụ hấp dẫn. Có thể nói việc ứng dụng, triển khai một công nghệ nào đó sớm hay muộn phụ thuộc vào chiến lược của từng nhà khai thác viễn thông. Ứng dụng công nghệ di động không phải là công việc bằng phẳng, tiến hành từ từ mà phải theo cách đột biến. Hơn nữa, không bao giờ là quá sớm để học hỏi một điều gì và chúng ta phải luôn sẵn sàng để khi thời cơ đến có thể nắm bắt và đối phó.

Trước các thắc mắc thị trường 3G và 4G có sự khác nhau như thế nào, ông Abdallah Harati cho biết: Thực ra thì 2G hay 3G, 4G cũng đều là lộ trình phát triển mạng thôi. Nay chúng ta so sánh 3G với 4G cũng tương tự như chúng ta từng so sánh 2G và 3G. Trước đây, dùng mạng 2G, chúng ta vẫn có thể dùng điện thoại để vào mạng Internet, truy cập dữ liệu, nhưng tốc độ chậm. Nhưng với 3G, chúng ta có thể truy cập hộp thư nhanh chóng, chuyển tải file lớn, và như tôi chẳng hạn, tôi có thể làm việc thoải mái trên ô tô. Với 4G, hiện tại có những ứng dụng mà chúng ta chưa hình dung được, song trên thế giới đã có hệ thống thử nghiệm công nghệ 4G LTE, chúng ta có thể trải nghiệm thực tế và hình dung. Ví dụ thay vì kết nối vô tuyến, chúng ta có thể sử dụng kết nối 4G để thuê bao 1 bộ phim HD trên máy chủ sau đó xem trên TV ở nhà, hoặc tổ chức hội nghị video, hoặc tất cả các ứng dụng khác như thoại, Internet được hội tụ trên một nền tảng... Như vậy nhà khai thác sẽ kinh doanh hiệu quả hơn.

Huỳnh Vi (ghi)

TIN LIÊN QUAN