MASA: giải pháp “thần tốc” xét nghiệm PCR diện rộng
Trung tá, TS.BS. Hồ Hữu Thọ, Trưởng phòng Công nghệ Gene & Di truyền tế bào, Viện Nghiên cứu Y dược học Quân sự, Học viện Quân y đã sáng chế ra công cụ hỗ trợ tự lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR tại nhà đơn giản, hiệu quả. Hàng triệu mẫu xét nghiệm RT-PCR sàng lọc Covid-19 có thể được lấy sau 1 đêm, mà không phải huy động tới lực lượng nhân viên y tế.
Trung tâm xét nghiệm dã chiến Covid-19 ở Học viện Quân y. |
Tiết kiệm chi phí truy tìm F0
Trung tá, TS.BS Hồ Hữu Thọ là nhà khoa học về chẩn đoán và công nghệ xét nghiệm. Với mong muốn hàng triệu mẫu xét nghiệm RT-PCR sàng lọc Covid-19 có thể được lấy sau 1 đêm mà không phải huy động tới lực lượng nhân viên y tế đang căng mình chống dịch, TS.BS Hồ Hữu Thọ đã nghiên cứu sáng chế ra bộ kit tự lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR sàng lọc Covid-19. Bộ kit gồm một ống xylanh được gắn với đầu tăm bông. Người dân chỉ cần khạc lấy dịch họng, ngậm đầu tăm bông như kẹo mút, kéo xylanh lấy đủ 0,5 - 1ml nước bọt từ dịch họng. Rút bỏ đầu tăm bông, cho dịch nước bọt vào ống giữ mẫu có sẵn, đậy chặt nắp cho vào túi kẹp zip, bỏ vào hộp của bộ kit gửi về phòng xét nghiệm.
Trung tá, TS.BS Hồ Hữu Thọ hướng dẫn thao tác lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR tại nhà. |
Để nhanh chóng triển khai diện rộng “thần tốc” dập dịch, Trung tá, TS.BS Hồ Hữu Thọ đã phối hợp với PGS.TS Nguyễn Đức Hoàng, Giám đốc Trung tâm Khoa học và Công nghệ Sinh học (Đại học Quốc gia TPHCM), ThS Trương Võ Hữu Thiên, Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ giáo dục GaraSTEM và Kỹ sư Hoàng Thế Công, Giám đốc Công ty phần mềm HL Solutions để thiết lập một quy trình lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR tại nhà và trả kết quả khép kín, an toàn với tên gọi MASA (Massive Sampling - Lấy mẫu hàng loạt).
Theo ThS Trương Võ Hữu Thiên, sau khi lấy mẫu, dịch nước bọt sẽ được người dân gửi tới Trung tâm xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm sẽ được cập nhật lên hệ thống ứng dụng (app) MASA với mã QR, giúp cho người sử dụng có thể dùng kết quả cho các công việc xác minh xét nghiệm trong cuộc sống.
Để giải quyết bài toán lượng mẫu rất nhiều nhưng năng lực xét nghiệm thực tế không đạt được mức độ lấy mẫu, TS.BS Hồ Hữu Thọ đã tiếp tục nghiên cứu công nghệ xét nghiệm gộp AIMS PCR. Công nghệ này cho phép phối hợp giữa lấy mẫu đơn, mẫu gộp và xét nghiệm RT-PCR hàng loạt để tiết kiệm thời gian, có hiệu quả cao hơn.
PGS.TS Nguyễn Đức Hoàng, Giám đốc Trung tâm Khoa học và Công nghệ Sinh học (Đại học Quốc gia TPHCM) cho biết, MASA là bộ giải pháp được đúc kết & hoàn chỉnh qua kinh nghiệm thực tế ở các tâm dịch, bao gồm: Hệ thống IT, công cụ hỗ trợ tự lấy mẫu xét nghiệm, cách thức tổ chức, kết nối các bộ phận phòng xét nghiệm - điều phối - vận chuyển - giao nhận mẫu - đăng ký xét nghiệm và tự lấy mẫu - trả kết quả trên ứng dụng.
Việc tự lấy mẫu sẽ giúp người dân không bị buồn nôn, khó chịu, không phải tiếp xúc gần với nhân viên lấy mẫu. Đối với cấp quản lý sẽ giảm tải được đáng kể công việc lấy mẫu và trả kết quả nhờ MASA có kết hợp với hệ thống IT. Giải pháp MASA giúp duy trì hoạt động xét nghiệm PCR sàng lọc thường xuyên, đảm bảo an toàn phòng chống dịch lâu dài khi mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế - xã hội, đạt mục tiêu "kép". Hiện tại đội nghiên cứu IT đang tiến hành các phiên bản ứng dụng thử nghiệm app MASA, dự định sẽ hoàn thành ra mắt vào ngày 2/9.
Được quốc tế đánh giá cao
Giải pháp công nghệ MASA vừa chính thức được ra mắt trên cổng thông tin Chương trình Đổi mới sáng tạo ứng phó Covid-19 của Sở KH&CN TPHCM. Kit xét nghiệm RT-PCR Made in Vietnam đã lọt vòng Bán kết Giải thưởng Xprize Rapid Covid Testing (Mỹ) được các nhà khoa học đánh giá cao với thành công trên các mẫu mù. XPRIZE Rapid Covid Testing là cuộc thi phát triển các phương pháp thử nghiệm Covid-19 nhanh hơn, rẻ hơn và dễ sử dụng hơn trên quy mô lớn do Mỹ.
TS Nguyễn Đức Thái, nhà sinh học phân tử, chuyên gia y sinh Đại học California San Francisco cho rằng, công nghệ xét nghiệm gộp AIMS PCR của TS.BS Hồ Hữu Thọ là một “vũ khí” đặc biệt giúp Việt Nam có thể nhanh chóng kiểm soát dịch Covid-19. Tại những vùng tâm dịch như TPHCM, lượng mẫu rất nhiều nhưng năng lực xét nghiệm thực tế không đạt được mức độ lấy mẫu đã nảy sinh nhiều bất cập, cần sớm triển khai công nghệ xét nghiệm gộp AIMS PCR. AIMS PCR có độ nhạy cao, chi phí thấp nhờ có thể pha trộn nhiều mẫu từ cộng đồng trong một lần xét nghiệm, mà vẫn có thể xác định được virus.
Chuyên gia y sinh Nguyễn Đức Thái cũng cho biết, việc xét nghiệm gộp mẫu mang lại 2 giá trị lớn. Giá trị thứ nhất là nhanh chóng xác định và khoanh vùng cộng đồng cần tầm soát. Thứ hai, khi làm gộp mẫu của 100 người, chúng ta có thể tiết kiệm được chi phí để truy tìm F0. Từ đó, có thể tìm ra người bệnh mà không cần phải làm xét nghiệm quá nhiều mẫu. Với công nghệ PCR xét nghiệm gộp này, con số xét nghiệm có thể được nhân lên 100 lần so với trước đây, tương đương 50.000 - 100.000 mẫu/ngày.
Theo khoahocdoisong.vn