MISA đồng hành thúc đẩy chuyển đổi số trong chính phủ và ngành giáo dục
Ngày 25/9, Hội thảo trực tuyến “Chuyển đổi số trong công tác Quản lý Ngân sách Nhà nước, Quản lý Giáo dục, Quản lý Cán bộ công chức viên chức” do Công ty Cổ phần MISA chủ trì tổ chức đã góp phần thay đổi nhận thức, cung cấp nhiều thông tin giá trị để các đơn vị tin tưởng và hành động, thúc đẩy xây dựng Chính phủ số, thu hút được hơn 500 đại biểu từ các cơ quan, ban, ngành trung ương và các tỉnh, thành phố trên toàn quốc tham gia.
Hội thảo có sự tham gia chia sẻ của: Ông Nguyễn Huy Dũng – Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông; Ông Nguyễn Sơn Hải – Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo; Ông Nguyễn Thanh Bình – Giám đốc Trung tâm Thông tin Truyền thông, Bộ Nội vụ (tham gia trực tuyến); Bà Đào Hải Anh – Giám đốc Trung tâm Tư vấn nghiệp vụ và hỗ trợ đánh giá hiệu quả đầu tư CNTT, Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông; Bà Đinh Thị Thúy – Tổng Giám đốc CTCP MISA.
Ông Nguyễn Huy Dũng – Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông (ngoài cùng bên phải) – đã giúp các khách tham dự có cái nhìn cụ thể về mục tiêu, vai trò và cách thức chuyển đổi số trong từng lĩnh vực
Cùng với sự bùng nổ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, khái niệm về chuyển đổi số xuất hiện và xu hướng này đã phát triển mạnh mẽ ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, chuyển đổi số đã và đang diễn ra nhanh chóng, sâu rộng trong mọi lĩnh vực.
MISA kỳ vọng Hội thảo “Chuyển đổi số trong công tác Quản lý Ngân sách Nhà nước, Quản lý Giáo dục, Quản lý Cán bộ công chức viên chức” sẽ là cầu nối chuyển tải các thông tin, giải pháp hữu ích đến các đơn vị hành chính sự nghiệp, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong chính phủ và ngành giáo dục.
Chính phủ số là đầu tàu của đoàn tàu chuyển đổi số
Tại buổi hội thảo, ông Nguyễn Huy Dũng - Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định về vai trò của Chính phủ số trong chương trình Chuyển đổi số quốc gia: Nếu chuyển đổi số quốc gia có ba trụ cột chính là chính phủ số – kinh tế số – xã hội số, thì Chính phủ số là đầu tàu của đoàn tàu chuyển đổi số. Vì thế, cơ quan nhà nước, chính quyền phải làm gương, là nơi chuyển đổi số trước và dẫn dắt toàn bộ tiến trình chuyển đổi số của xã hội. Để chuyển đổi số diễn ra nhanh chóng, theo ông Dũng, bước đầu tiên phải xuất phát từ thay đổi nhận thức, tư duy.
Ông Dũng cho biết, với trụ cột Chính phủ số, chương trình đặt ra các mục tiêu lớn đến năm 2025 và 2030, gồm: 80% dịch vụ công (DVC) trực tuyến mức độ 4 và sử dụng chủ yếu trên điện thoại di động thay vì là trên máy tính truyền thống; 90% hồ sơ cấp Bộ, tỉnh; 80% hồ sơ điện tử cấp huyện; 60% hồ sơ điện tử cấp xã được sử dụng và xử lý hoàn toàn phiên bản điện tử; 100% cơ sở dữ liệu quốc gia được hoàn thành; 50% hoạt động thanh tra, kiểm tra quản lý nhà nước được tiến hành trực tuyến thông qua hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu (CSDL) của cơ quan quản lý. Đây là một trong những chỉ tiêu cốt lõi sẽ giúp nâng cao tính minh bạch, giảm tham nhũng, giảm nhũng nhiễu và nâng cao hiệu quả của việc thanh tra, kiểm tra quản lý nhà nước.
Mục tiêu là vậy nhưng theo Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT), tính đến tháng 8/2020, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trung bình cả nước mới chỉ là 17,97%, còn rất thấp so với mục tiêu Chính phủ đã đặt ra là 30%. Đặc biệt, có 5 bộ và 22 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 dưới 10%.
Với thực trạng này, nếu không có sự quyết tâm vào cuộc của lãnh đạo cao nhất cơ quan nhà nước các cấp thì mục tiêu cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 sẽ không thể đạt được. Đây là một trong những nguyên nhân khiến Bộ Thông tin và Truyền thông ra văn bản về việc đẩy nhanh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố.
Ngành giáo dục đang chuyển đổi số mạnh mẽ để hướng tới toàn dân
Chương trình chuyển đổi số quốc gia lấy người dân làm trung tâm, vì vậy, các lĩnh vực liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến người dân sẽ ưu tiên chuyển đổi số, trong đó, phải kể tới giáo dục. Theo đó, Giáo dục là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thực hiện trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Từ góc độ của Bộ ngành, theo ông Nguyễn Sơn Hải – Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo) nhận định: “Ngành giáo dục tập trung vào 4 lĩnh vực: với dạy và học cần đẩy mạnh các phương thức dạy và học trực tuyến; Đưa công nghệ vào các hoạt động kiểm tra, đánh giá trong trường học, đảm bảo minh bạch, khách quan và chính xác; Triển khai các giải pháp thư viện số để phục vụ việc nghiên cứu, số hóa các tài liệu, sử dụng thư viện số hóa, học liệu số làm sao có hiệu quả; Đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý giáo dục thông qua xây dựng các cơ sở dữ liệu lớn để phục vụ phân tích ngành, hỗ trợ tối đa hiệu quả công tác quản lý, hướng đến ngành giáo dục vận hành trên nền tảng số.”
Ông Nguyễn Thanh Bình – Giám đốc Thông tin truyền thông, Bộ Nội vụ – khách mời trực tuyến đã có nhiều chia sẻ tâm huyết về chuyển đổi số trong ngành nội vụ
Đối với hoạt động chuyển đổi số trong ngành Nội vụ, ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm Thông tin (Bộ Nội vụ) cho biết: Có 3 mục tiêu chính trong Chuyển đổi số là quản lý con người, quản lý tài chính, quản lý văn bản bằng công nghệ. Một số đơn vị sử dụng phần mềm MISA đã có dữ liệu được đẩy về Bộ Nội vụ, từ đó quá trình trao đổi thông tin diễn ra thông suốt và chính xác. Ngành Nội vụ khuyến khích các cơ quan, đơn vị có thể tham khảo mô hình mẫu này để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.
MISA góp sức vào xây dựng Chính phủ số và chuyển đổi số quốc gia
Tham gia vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia, MISA nhận thấy rõ trách nhiệm và thách thức của mình để có thể góp phần thúc đẩy hành trình trở thành quốc gia số của Việt Nam. Suốt 26 năm qua, MISA luôn tiên phong phát triển các sản phẩm của mình dựa trên các công nghệ số như Big Data, AI, Blockchain, Cloud… để góp sức đưa các đơn vị hành chính sự nghiệp, cơ sở đào tạo, quản lý giáo dục lên môi trường số một cách nhanh chóng hơn.
Từ góc độ doanh nghiệp triển khai nền tảng cho chuyển đổi số các đơn vị sự nghiệp, bà Đinh Thị Thúy, Tổng Giám đốc MISA cho biết, hiện đơn vị đang triển khai tại hơn 70% đơn vị hành chính sự nghiệp, xã, phường trên toàn quốc về ứng dụng công nghệ số để liên thông cơ sở dữ liệu.
Việc này sẽ giúp các cơ quan chủ quản có bức tranh toàn diện về tài chính, ngân sách, quản lý các mảng chuyên môn mọi lúc mọi nơi, hỗ trợ việc ra quyết định kịp thời. Các đơn vị tại địa phương cung cấp được báo cáo chính xác, kịp thời, giảm bớt các thủ tục hành chính; giảm thời gian, công sức, tiết kiệm ngân sách nhờ tự động hóa các quy trình tác nghiệp.
Nền tảng MISA QLTH giúp các đơn vị hợp nhất mọi nghiệp vụ quản lý giảng dạy, học trực tuyến, thiết bị, khoản thu, giáo viên, học sinh… trên cùng một hệ thống, góp phần xây dựng một nền giáo dục thông minh.
Theo ông Nguyễn Huy Dũng, chuyển đổi số hiện nay được thúc đẩy nhờ vào các nền tảng. Trước đây, thời gian để triển khai các dự án đầu tư hệ thống công nghệ thông tin nhanh thì phải mất 3 - 5 năm mới thực hiện được tin học hóa quy trình nghiệp vụ. Hiện nay, với các nền tảng, thời gian chỉ tính bằng ngày, bằng tuần. Không cần có đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin vẫn có thể chuyển đổi số.
Các bệnh viện không cần có hệ thống, không cần có chuyên gia công nghệ thông tin, có thể sử dụng nền tảng để cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh từ xa. Các trường học cũng tương tự. Do đó, công thức chuyển đổi số cho các cơ quan, tổ chức không phải là công nghệ mà chính là yếu tố con người, mô hình, quy trình, sử dụng các nền tảng.
Đồng thời, ông Nguyễn Huy Dũng cũng dành những lời khen cho sản phẩm của MISA. Ông Dũng cho biết: “MISA có truyền thống cung cấp các giải pháp liên quan đến tài chính – kế toán. Tôi hoàn toàn tin tưởng bộ ba công cụ của MISA về Quản lý công chức viên chức (nền tảng quản lý cán bộ MISA QLCB) – Quản lý giáo dục (nền tảng Quản lý trường học MISA QLTH) – Quản lý, hỗ trợ tài chính ngân sách nhà nước (nền tảng Quản trị tài chính nhà nước MISA FinGov) để đẩy nhanh tiến trình Chuyển đổi số quốc gia”.
Chương trình đã diễn ra thành công với những chia sẻ rất hữu ích đến từ các diễn giả, cũng như sự quan tâm sâu sắc từ các đại biểu tham dự
Tại hội thảo, nhiều đại biểu đã bày tỏ sự quan tâm tới chủ đề bằng nhiều câu hỏi xoay quanh việc chuyển đổi số tại đơn vị mình và được các diễn giả chia sẻ thấu đáo.
Hội thảo với nhiều thông tin giá trị giúp các đại biểu hiểu hơn về chuyển đổi số – bằng một khái niệm gần gũi, chân thực và các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể gắn liền với từng đơn vị, từng lĩnh vực cụ thể. Từ bước thay đổi nhận thức này, MISA đã sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ để góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong Chính phủ và ngành Giáo dục Việt Nam
Nguyệt Hằng (T/h)