Năm 2025, mạng 5G sẽ bao phủ 1/3 thế giới

Thùy Chi 13:15, 13/05/2020

Trong khi các ngành khác bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thì lĩnh vực viễn thông đang trên đà phát triển bởi nhu cầu sử dụng của người dân tăng lên đáng kể. Theo dự đoán từ nhiều chuyên gia, có thể trong năm 2025, gần 1/3 dân số thế giới dùng 5G.

Trước đấy, Tổng Giám đốc GSMA cho rằng, 5G và AI là những công nghệ quan trọng trong ngành công nghiệp viễn thông trong nhiều năm tới. Ngoài dự đoán rằng 70% dân số thế giới, tương đương khoảng 6 tỷ người sẽ sử dụng Internet di động, GSMA dự báo 40% dân số thế giới sẽ sử dụng mạng 5G vào năm 2025.

Trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ giúp cải thiện trải nghiệm cá nhân của người dùng, chẳng hạn trợ lý ảo và phục vụ nhu cầu mới của ngành như công nghệ phân chia mạng. Đồng thời khả năng kết hợp AI để giải quyết các vấn đề lớn của xã hội. Sáng kiến “Big Data for Social Good” của GSMA đã được triển khai tại 7 quốc gia trên thế giới.

GSMA cho biết, các nhà khai thác mạng di động tại các thị trường này đã làm việc với các đối tác địa phương để đưa ra những cảnh báo về ô nhiễm không khí, dự báo sốt rét lan rộng và chuẩn bị thiên tai, sử dụng dữ liệu lớn, máy học và các khả năng tiên đoán.

Mới đây, Ericsson - tập đoàn truyền thông đa phương tiện có trụ sở tại Thuỵ Điển cũng dự đoán trong thời gian tới số lượng thuê bao 5G vào năm 2025 lên 2,8 tỷ người. Trước đó, trong Báo cáo di động được công bố vào tháng 11/2019, Ericsson từng dự đoán con số khoảng 2,6 tỷ thuê bao 5G vào năm 2025. 

Điều này cho thấy dịch Covid-19 đã làm thay đổi cách chúng ta kết nối và lên kế hoạch kết nối, cả hiện tại và trong tương lai, theo chiều hướng tích cực.

“5G sẽ mở khóa tiềm năng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và là nền tảng cho khả năng cạnh tranh tương đối của một quốc gia, nếu như 4G mang lại cho chúng ta nền kinh tế ứng dụng, thì 5G sẽ là nền tảng đổi mới sáng tạo mở lớn nhất từ trước đến nay”, CEO Börje Ekholm của Ericsson cho biết.

CEO của Ericsson cũng nhận định rằng 5G sẽ giúp thúc đẩy hiệu quả trong các dịch vụ công cộng, cung cấp các phương thức hoạt động mới và hiệu quả hơn, ví dụ như trong y tế, giáo dục, giao thông và kiểm soát thảm họa. 

Ông dự đoán sẽ có khoảng 13 triệu thuê bao 5G vào cuối năm nay; trong đó, Trung Quốc sẽ chiếm phần lớn. 

Theo Dân trí, một tổ chức phân tích khác là Gartner lại đưa ra dự đoán sẽ có khoảng 221 triệu smartphone 5G bán ra trong năm 2020, chiếm 12% tổng doanh số smartphone toàn cầu và là một trong những cách gần gũi nhất để đưa 5G vào cuộc sống.

Thực tế cho thấy, nhu cầu mạnh mẽ của 5G kết hợp cùng những mẫu iPhone 5G “tin đồn” đầu tiên được Apple cho ra mắt vào cuối năm nay có thể sẽ thúc đẩy toàn diện nhu cầu sở hữu smartphone, đặc biệt ở các khu vực châu Á/Thái Bình Dương và Trung Quốc. 

Ông Gartner nhận định, hai khu vực này sẽ lần lượt trở thành các thị trường smartphone lớn nhất thế giới trong năm nay, với doanh số dự đoán lần lượt là 432 triệu và 376 triệu thiết bị.

Trong khi đó, Guiqing Liu, EVP của China Telecom cho rằng, 4 khả năng quan trọng trong ngành công nghiệp mà các nhà khai thác mạng cần phải nắm vững để thành công trong việc chuyển số. Đó là phân lớp đối tượng để phục vụ cho nhu cầu khác nhau của người dùng và ngành công nghiệp cần, điện toán biên FMC để mang lại trải nghiệm liền mạch; các mạng và dịch vụ dựa trên 5G và cloud được cung cấp một cách tùy chỉnh đặc biệt và linh hoạt; và 5G + AI để tối ưu hóa cả việc phân phối dịch vụ và quản lý mạng.

Liu cũng vạch ra những thách thức chính mà ngành công nghiệp đang phải đối mặt trước khi 5G có thể thành công thực sự khi thương mại hóa. Ông thừa nhận rằng, nhiều nhà mạng vẫn tập trung nhiều vào eMBB và không suy nghĩ thay đổi mô hình kinh doanh phù hợp với thời đại mới. Đối với những thách thức về mạng, ngoài CAPEX và OPEX, Liu cũng chỉ ra điểm yếu độ bao phủ bên trong của các dải tần số cao mà hầu hết các mạng 5G sẽ được xây dựng.

Thùy Chi