Nền kinh tế thế giới đang chuyển dịch theo hướng số hóa
Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã công bố một báo cáo thường niên nêu rõ, nền kinh tế thế giới đang tiến tới số hóa và chuyển đổi thông tin.
Báo cáo thương mại Thế giới 2020: Các chính sách của Chính phủ nhằm thúc đẩy đổi mới trong kỷ nguyên số được phát hành vào ngày 24/11 vừa qua của WTO tập trung vào chủ đề, cách thức đổi mới chính sách, của các chính phủ trong thời đại số.
Đồng thời phân tích chính sách và xu hướng của các chính phủ trong những năm gần đây, hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế số, thúc đẩy đổi mới số, đổi mới kinh tế và tiến bộ công nghệ cũng như tác động của xu hướng này đối với dòng chảy thương mại và thương mại toàn cầu.
Thúc đẩy kinh tế số từ các chính sách tích cực
Với sự phát triển không ngừng của nền kinh tế số, các công ty dựa nhiều hơn vào tài sản vô hình. So với các công ty truyền thống, các công ty kỹ thuật số có thể tham gia thị trường toàn cầu nhanh hơn. Sự thành công của nền kinh tế kỹ thuật số sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như mở cửa thị trường, tiếp cận thông tin và các sản phẩm và dịch vụ CNTT-TT, các dự án hợp tác nghiên cứu và phổ biến công nghệ mới.
Việc đưa ra các chính sách khuyến khích thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vẫn là cốt lõi trong chiến lược phát triển kinh tế số của các quốc gia. Đổi mới chính sách của chính phủ trong thời đại số là đưa ra các chính sách tốt hơn để hỗ trợ chuỗi cung ứng kỹ thuật số mới.
Báo cáo chỉ ra rằng, kể từ cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế năm 2008, sự can thiệp của các chính phủ vào nền kinh tế đã trở nên phổ biến trở lại. Cho đến nay, đã có khoảng 115 quốc gia xây dựng kế hoạch "chính sách công nghiệp mới", "công nghiệp 4.0" hoặc "chuyển đổi số". Tất cả các quốc gia ở các giai đoạn phát triển khác nhau đều có chính sách hỗ trợ đổi mới và chuyển đổi số, đặc biệt là ở nhiều nước đang phát triển.
Dữ liệu là cốt lõi của chuyển dịch kinh tế số
Trọng tâm của các chính sách liên quan của chính phủ là khuyến khích thu thập, xử lý và chia sẻ dữ liệu, đồng thời chú ý bảo vệ an ninh thông tin cá nhân; thứ hai là mở rộng quy mô của nền kinh tế số thông qua việc sử dụng và phổ biến công nghệ số và các đổi mới của nó; thứ ba là việc thiếu vốn sẽ kìm hãm các doanh nghiệp.
Các chính sách tích cực thúc đẩy sự phát triển của công nghệ số và xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông. Các chính sách mới này phản ánh đặc điểm của nền kinh tế số, đó là số hóa, khuyến khích nâng cấp công nghệ, sản xuất kỹ thuật số và đổi mới kỹ thuật số, đồng thời nêu bật vai trò trung tâm của dữ liệu trong các công cụ chính sách. Ngoài ra, vấn đề quan trọng nhất là khía cạnh đảm bảo an toàn thông tin, chống độc quyền khi chia sẻ các nguồn dữ liệu xuyên biên giới, đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ của các đơn vị khởi nghiệp.
Bên cạnh đó, các quốc gia cũng cần thúc đẩy năng lực số để xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng được yêu cầu về lưu trữ dữ liệu cũng như thu hút nhân tài và phát triển các công nghệ mới. Quá trình chuyển đổi kinh tế số cũng sẽ dẫn phát những khó khăn, áp lực khác mà các nước đang phát triển phải đối mặt trong việc chuyển đổi số, đặc biệt là sự chi phối và thống lĩnh thị trường của các công ty công nghệ.
Trong tương lai, WTO sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc giảm bớt sự không chắc chắn trên thị trường sản phẩm và dịch vụ số. Các quốc gia thành viên (khu vực) phải xem xét cách thức khuyến khích chia sẻ lợi ích của các chính sách đổi mới, các biện pháp cần thực hiện để thúc đẩy đầu tư và liệu tính linh hoạt của các chính sách mới có thể được mở rộng để hỗ trợ đổi mới kỹ thuật số hay không.
Minh Anh (T/h)