Ngành sản xuất khẩu trang Trung Quốc phát tài nhờ COVID-19
Các chủ doanh nghiệp lạc quan rằng ngành sản xuất khẩu trang vẫn tiếp tục là lĩnh vực đầu tư hấp dẫn ngay cả khi đại dịch COVID-19 đi qua.
Nhu cầu thị trường khẩu trang đã tăng mạnh khi đại dịch COVID-19 bùng phát và lây lan ra toàn cầu, giúp cho ngành công nghiệp sản xuất khẩu trang trở thành "cỗ máy in tiền" của nền kinh tế Trung Quốc, báo Bangkok Post đưa tin.
Trung Quốc đang sản xuất ra một nửa lượng khẩu trang lọc khuẩn của thế giới.
Hàng loạt nhà sản xuất tham gia thị trường
Trong hai tháng đầu năm nay, khoảng 8.950 nhà máy mới ở Trung Quốc đã tham gia vào hoạt động sản xuất khẩu trang khi cả nhu cầu nội địa và nhu cầu xuất khẩu đều tăng cao, theo nền tảng số liệu kinh doanh Tianyancha.
Trong giai đoạn cao điểm dịch bệnh hồi đầu tháng 2, một công ty ở TP Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh đã xây dựng một nhà máy mới chuyên sản xuất khẩu trang lọc khuẩn N95. Thời gian xây dựng là 11 ngày.
Khi Trung Quốc dần kiểm soát được dịch bệnh, công ty này vẫn tiếp tục "hái ra tiền" khi chuyển hướng thị trường ra nước ngoài, nhất là Ý - nơi có số ca nhiễm và ca tử vong vì COVID-19 đều đã vượt qua Trung Quốc.
"Mỗi dây chuyền sản xuất khẩu trang thực sự là một cỗ máy in tiền", ông Shi Xinghui, nhân viên quản lý ở một nhà máy sản xuất khẩu trang N95 ở Đông Quan, Quảng Đông nói.
"Tạo ra 60.000 hay 70.000 khẩu trang mỗi ngày tương đương với việc in tiền", ông Shi nói tiếp.
Nhu cầu máy móc và vải nguyên liệu tăng cao
Ông Qi Guangtu - một chủ doanh nghiệp đã đầu tư hơn 50 triệu nhân dân tệ (NDT - gần 163,8 tỉ đồng) vào một nhà máy ở TP Đông Quan, chuyên thiết kế các dây chuyền sản xuất khẩu trang.
Nhà máy này đã hoạt động liên tục 24/24 từ ngày 25-1, chỉ hai ngày sau khi TP Vũ Hán bị phong tỏa để khống chế dịch bệnh.
Khoảng 8.950 nhà máy mới ở Trung Quốc đã tham gia vào hoạt động sản xuất khẩu trang khi cả nhu cầu nội địa và nhu cầu xuất khẩu đều tăng cao, theo nền tảng số liệu kinh doanh Tianyancha.
Ông Qi cho rằng "việc hoàn vốn chắc chắc không phải là một vấn đề" khi mà mỗi dây chuyền sản xuất khẩu trang có thể được bán ra với giá hơn 500.000 NDT (hơn 1,64 tỉ đồng). Hiện tại, 70 dây chuyền đã được bán ra và thêm 200 dây chuyền khác - tổng trị giá hơn 100 triệu NDT (327,57 tỉ đồng) - đã được đặt hàng.
Ông You Lixin, một chủ doanh nghiệp khác, cũng quyết định tham gia vào ngành công nghiệp sản xuất khẩu trang khi nhận thấy cơ hội từ nhu cầu tăng cao.
Kể từ khi ông You ra quyết định tạo ra các dây chuyền sản xuất khẩu trang, công ty của ông chỉ mất 10 ngày để bàn giao cho khách hàng sản phẩm đầu tiên.
Ông You chia sẻ ông và khách hàng đã ngủ rất ít, chỉ 2-3 giờ mỗi ngày, ngay tại nhà máy khi họ chờ đợi để nhận được dây chuyền đã đặt hàng.
"Họ đang đối mặt với những đơn đặt hàng mà họ không có đủ năng lực sản xuất và không thể thực hiện việc giao hàng", ông You nói.
Nhu cầu vải để sản xuất khẩu trang cũng tăng lên. Giá mỗi tấn vải đã tăng gần 5 lần lên mức 480.000 NDT (1,57 tỉ đồng).
Dù dịch bệnh đi qua, ngành sản xuất khẩu trang vẫn sống tốt
Mặc dù chi phí gia tăng, lợi nhuận vẫn khiến ngành công nghiệp sản xuất khẩu trang trở thành hoạt động kinh tế hấp dẫn.
Theo số liệu chính thức của Trung Quốc, năng lực sản xuất khẩu trang ở nước này đã vượt mức 116 triệu chiếc mỗi ngày và đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu.
Theo số liệu chính thức của Trung Quốc, năng lực sản xuất khẩu trang ở nước này đã vượt mức 116 triệu chiếc mỗi ngày và đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu.
Ông Guan Xunze, chủ nhà máy sản xuất khẩu trang ở Thẩm Dương, cho biết công ty ông đã xuất khẩu khoảng 1 triệu khẩu trang sang Ý. Trong khi đó, ông Shi cho biết đã nhận được 200 đơn đặt hàng từ Hàn Quốc và nhiều nước châu Âu.
Ông Shi cho rằng "Đông Quan vẫn đang là nhà máy của thế giới". Ông cũng cho biết thêm số đơn đặt hàng đã chạm đỉnh lần đầu hồi giữa tháng 2 và có thể tiếp tục tăng cao trong làn sóng dịch bệnh lần thứ hai đang diễn ra.
Ông Guan còn lạc quan về triển vọng của ngành này ngay cả khi dịch bệnh đã đi qua.
"Hầu hết mọi người sẽ có thói quen đeo khẩu trang sau khi dịch bệnh đi qua. Tôi sẽ ở lại trong ngành", ông Guan nói.
Phương Anh (TH)