Ngày An toàn Thông tin 2021: 'Niềm tin số - Yếu tố quyết định thành công của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia

16:08, 25/11/2021

Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam cho biết, chương trình hội thảo - triển lãm quốc tế Ngày An toàn Thông tin 2021 lần thứ 14 là sự kiện lớn trong lĩnh vực ATTT mạng tiếp tục được Bộ Thông tin và Truyền thông bảo trợ.

Ngày 25/11, Hiệp hội An toàn Thông tin Việt Nam (VNISA) phối hợp với Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Ngày An toàn Thông tin 2021 với chủ đề 'Niềm tin số - Yếu tố quyết định thành công của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia'.

Đây là diễn đàn quan trọng cấp quốc gia để cộng đồng an toàn, an ninh mạng trong nước và quốc tế đóng góp ý kiến, phân tích thực trạng, nhu cầu ứng dụng và phát triển công nghệ, giải pháp an toàn thông tin phục vụ cho chuyển đổi số và an toàn thông tin cho giai đoạn thích ứng với dịch COVID-19 tại Việt Nam.

Phát biểu khai mạc sự kiện, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã đề cập đến những yếu tố quan trọng để bảo đảm an toàn thông tin như: ý thức về an toàn thông tin, tăng cường sử dụng công nghệ số để chống lại sự lộ lọt thông tin, chấp nhận rủi ro, phải có các nền tảng công nghệ Make in Vietnam, mọi nền tảng số quốc gia phải được phát triển an toàn, được đánh giá an toàn và được sử dụng an toàn. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng đề cập đến an toàn trong việc thu thập, xử lý dữ liệu cá nhân, phải tăng cường hợp tác quốc tế, thường xuyên truyền thông về an toàn thông tin đến người dân.

Bộ trưởng nhấn mạnh: "Muốn an toàn thì phải làm cho chuyển đổi số quốc gia an toàn. Chuyển đổi số quốc gia bao gồm chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Ngày An toàn thông tin năm nay, tôi yêu cầu cần làm rõ, đảm bảo an toàn thông tin cho các nền tảng số quốc gia như thế nào, đảm bảo an toàn cho các giao dịch điện tử, đảm bảo an toàn cho các thiết bị truy cập internet của người dân. Không chỉ là nhận thức, mà phải là làm một cách thiết thực, hiệu quả".

Nhìn nhận về vấn đề an toàn thông tin trong thời gian dịch COVID-19 cũng như liên hệ những biện pháp chống dịch hiệu quả với những biện pháp để Việt Nam thực hiện đảm bảo an toàn thông tin, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ: Kinh nghiệm chống dịch là Nhanh - Nhỏ - Gần - Cơ động. Xét nghiệm nhanh, khoanh vùng nhỏ, điều trị gần và cơ động ứng cứu nhau. An toàn thông tin cũng cơ bản là vậy. Công thức chống dịch thì liên tục phát triển, từ 5K rồi đến vaccine, rồi đến công nghệ, rồi đến ý thức người dân... Công thức phòng chống tấn công mạng cũng phải liên tục phát triển. Do đó, Cục An toàn thông tin, Hiệp hội An toàn thông tin cần tổng kết những kinh nghiệm, công thức đảm bảo an toàn thông tin để phổ biến ra toàn dân.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, cơ hội chuyển đổi số mang tính thời điểm, nếu không nắm bắt sẽ qua đi. Thời gian 3 năm, 5 năm tới là giai đoạn quyết định thành bại của quá trình chuyển đổi số quốc gia. An toàn thông tin mạng là điều kiện tiền đề để chuyển đổi số thành công.

Để xây dựng quốc gia thịnh vượng, cần phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong điều kiện đảm bảo an toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các doanh nghiệp công nghệ tiếp tục phát triển các giải pháp an toàn thông tin Make in Viet Nam, đồng thời có những biện pháp tổng thể để tạo dựng niềm tin số cho người sử dụng internet.

Trong thời gian dịch COVID-19, việc sử dụng internet gia tăng, mã độc tống tiền, các loại virus, hành vi lừa đảo trên mạng cũng phát triển nhiều hơn. Từ quý I đến quý III/ 2021, theo thống kê của Cục An toàn thông tin, đã có hơn 5.000 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm 2020.

Cùng với các giải pháp tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người sử dụng internet, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin, ông Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hiệp hội An toàn Thông tin Việt Nam chia sẻ, trong năm 2022, Hiệp hội An toàn Thông tin Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liện quan để thực hiện các chương trình như Chương trình chìa khóa vàng nhằm tôn vinh quảng bá các sản phẩm dịch vụ an toàn thông tin Make in Viet Nam; Cuộc thi sinh viên an toàn thông tin Asean nhằm thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về an toàn thông tin; Cuộc thi học sinh với an toàn thông tin nhằm bổ sung kỹ năng an toàn số cho các công dân số trẻ tuổi…

Đồng thời, Hiệp hội sẽ triển khai một số tiêu chuẩn cơ sở, bao gồm đánh giá các doanh nghiệp có năng lực kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin, để giới thiệu tham gia chương trình Hệ sinh thái tín nhiệm mạng của Cục An toàn thông tin. Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam sẽ triển khai chương trình khảo sát về sự tin tưởng, tin cậy của người dùng đối với các nền tảng số quan trọng của các doanh nghiệp trong nước.

Sự kiện có  3 chuyên đề và 1 tọa đàm, hội thảo có sự tham gia của gần 30 diễn giả là lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước; các chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực ATTT cả trong và ngoài nước.

Trong đó, chuyên đề đầu tiên về "Bảo đảm ATTT cho chuyển đổi số" sẽ có các tham luận đề cập tới một số vấn đề và giải pháp ATTT mạng cho Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Đáng chú ý, tại phiên chuyên đề này, ông Mikko Hypponen, chuyên gia ATTT người Phần Lan, người được mệnh danh là "huyền thoại bảo mật" thế giới sẽ có tham luận về vấn đề phòng chống tấn công mạng toàn cầu.

Chuyên gia bảo mật hàng đầu thế giới Mikko Hypponen, sinh năm 1969, là Giám đốc nghiên cứu của F-Secure Corporation. Ông đã làm việc cho công ty này từ năm 1991 và năm 2020 đã được bình chọn là Lãnh đạo An ninh mạng của năm. Ông được tạp chí PC World bình chọn là 1 trong 50 người quan trọng nhất trên mạng và được đưa vào danh sách FP Global 100 Thinkers (100 tư tưởng gia của thế giới - PV). Ông cũng là thành viên hội đồng quản trị của Diễn đàn Doanh nghiệp Bắc Âu và thành viên Ban cố vấn của T2.

Trong chuyên đề 2 về "Bảo đảm ATTT cho các nền tảng công nghệ trong giai đoạn thích ứng với dịch COVID-19 tại Việt Nam" của hội thảo Ngày ATTT năm nay, các tham luận xoay quanh những vấn đề về hợp tác và chia sẻ thông tin về tấn công mạng khu vực châu Á - Thái Bình Dương; bảo đảm ATTT cho điện toán đám mây, chống lại tấn công mạng vào chuỗi cung ứng toàn cầu; ATTT là động lực thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển kinh tế hậu COVID-19... cùng những bài học kinh nghiệm do chuyên gia của các công ty đa quốc gia như Kaspersky, Fortinet, IBM, Huawei trình bày.

Cũng trong sáng 25/11, dưới sự chủ trì của Cục ATTT, Bộ thông tin và truyền thông, các chuyên gia đến từ Viettel, FIS, CMC, McAfee sẽ cùng thảo luận về "Bảo đảm ATTT cho các nền tảng công nghệ phòng chống và thích ứng với dịch Covid-19: Những vấn đề thực tiễn".

Chủ đề "Bảo đảm ATTT cho dữ liệu và giao dịch trực tuyến" là nội dung sẽ được các chuyên gia của các công ty công nghệ trong nước và quốc tế như FIS, VNPT-IT, Checkpoint, Samsung, Techdata, IBgroup VN, MK, Mi2... trao đổi trong phiên hội thảo chuyên đề vào buổi chiều. Phiên này do lãnh đạo Bộ Tư lệnh 86 (Bộ Quốc phòng), Cục A05 (Bộ Công an) và VNISA đồng chủ trì.

Bên cạnh Hội thảo là triển lãm trực tuyến với gần 30 gian hàng giới thiệu các giải pháp công nghệ an toàn thông tin tiên tiến của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

 Khôi Nguyên (T/h)