TP.HCM: Nắng nóng còn kéo dài

18:10, 19/03/2014

Bước sang tháng 3, vào giữa trưa, nền nhiệt độ ở khu vực phía Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng đã tăng mạnh, duy trì ở mức 36 - 38 độ C, cá biệt có nơi tới 39 - 40 độ C, khiến các cung đường ở Sài Gòn nóng hừng hực. Nắng nóng kéo dài suốt mấy tuần qua đã làm đảo lộn sinh hoạt hằng ngày của người dân Sài Gòn.

Nắng nóng còn kéo dài

Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, bước vào trung tuần tháng 3, khu vực TP.HCM và các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam bộ bắt đầu bước vào thời kỳ cao điểm của mùa khô hạn. Và đợt nắng nóng này sẽ kéo dài đến cuối tháng 4, sang đầu tháng 5, với nhiệt độ cao nhất khoảng 38 – 39oC. 

Kết quả đo đạc tuần qua cho thấy, nhiệt độ tại TP.HCM và các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam bộ liên tục nhích lên. Trong đó, các khu vực thường xuyên có nhiệt độ ở mức cao gồm: TP.HCM (37°C), Long Khánh, Đồng Nai (37,5°C), Tây Ninh (36,9°C)…

Đây được xem là đợt nắng nóng đầu tiên ở giai đoạn cao điểm của mùa khô năm nay tại Nam bộ. Dự báo đầu tuần này, do có một luồng không khí lạnh tăng cường nhẹ từ phía Bắc tràn vào nên nhiệt độ tại Nam bộ có thể giảm 1 - 2°C, sau đó thời tiết nắng nóng sẽ quay trở lại, với nhiệt độ tăng cao hơn do luồng áp thấp nóng đang có xu hướng phát triển và mở rộng về phía Đông Nam.

Toàn bộ khu vực Nam bộ sẽ có nắng nóng, không mưa, trong đó, khu vực TP.HCM và các tỉnh dọc biên giới Việt Nam - Campuchia nhiệt độ sẽ ở mức từ 36 - 37°C, có nơi lên đến 39 - 40°C do sự hấp thu và tỏa nhiệt trở lại của các khối bê tông, nhựa đường và động cơ xe. Dự báo, mùa hè năm 2014 vẫn còn 5-7 đợt nắng nóng hơn nữa, với chỉ số nhiệt độ khá cao (trên 36oC). Vì vậy, người dân cần có những biện pháp để chủ động giữ gìn sức khỏe và phòng bệnh giữa tiết trời nóng như hiện nay.

Mùa mưa sẽ đến muộn

Mùa mưa ở Nam bộ thường bắt đầu vào khoảng cuối tháng 4 cho đến nửa đầu tháng 5 dương lịch. Nhưng năm nay, theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, mùa mưa sẽ đến muộn hơn, vào khoảng giữa tháng 5 trở đi.

Còn theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương từng dự báo, từ tháng 12/2013 đến 10 ngày đầu tháng 3/2014, từ các tỉnh ven biển Trung và Nam Trung bộ đến các tỉnh Tây nguyên và Nam bộ, lượng mưa phổ biến sẽ thiếu hụt từ 50 - 90% so với trung bình nhiều năm; đặc biệt khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận, các tỉnh Tây nguyên và Nam bộ từ tháng 1 đến 10 ngày đầu tháng 3/2014 nhiều nơi không xuất hiện mưa. Và thực tế, điều này đã được chứng minh.

Bệnh viện lại quá tải

Khu vực miền Tây Nam bộ nhờ được thiên nhiên ưu đãi, với lượng sông rạch nhiều cộng với các thảm cây xanh rải rác và đều khắp, nên cái nóng đầu mùa vẫn chưa đến nỗi. Nhưng tại khu vực miền Đông Nam Bộ, dù chỉ mới bắt đầu mùa khô nhưng đợt nắng nóng vừa qua đã làm nhiều người mệt mỏi và bệnh, nhất là trẻ nhỏ.

Trên địa bàn TP.HCM, hầu hết các bệnh viện Nhi và khoa Nhi của các bệnh viện đều có số lượng bệnh nhi đến khám và điều trị tăng đột biến.

Tại bệnh viện Nhi Đồng 1 và Nhi đồng 2 (TP.HCM), mỗi ngày, khoa Khám bệnh đã tiếp nhận khám và điều trị cho hơn 2.500 bệnh nhi, với các triệu chứng: Sốt, ho, sổ mũi, viêm đường hô hấp…

Do bệnh nhân đông, cộng thêm người nhà đi theo chăm sóc, khiến không gian ở các bệnh viện vốn đã chật nay càng trở nên bức bối, khổ sở.

 

Tình trạng 2 - 3 bệnh nhi 1 giường lại tái diễn.

Ngoài ra, nắng nóng và tiết trời ngột ngạt cũng khiến lượng người già nhập viện tăng cao. Khảo sát tại một số bệnh viện như: Đại học Y Dược, Nguyễn Tri Phương, Thống Nhất... cho thấy, đại đa số các bệnh nhân cao tuổi nhập viện vì các bệnh liên quan đến tim mạch, tăng huyết áp, rối loạn tiền đình v.v...

Theo các bác sĩ, do thời tiết quá nóng, nhiệt độ môi trường cao hơn nhiệt độ cơ thể, người già không thể thải nhiệt ra bên ngoài khiến các hoạt động bị ứ trệ, dẫn đến phát bệnh. Và các bác sĩ cho rằng, nếu không phát hiện và xử lý kịp thời, nguy cơ đột quỵ của người cao tuổi là lớn.

Ngoài ra, theo các bác sĩ, nhiều trường hợp do phải làm việc ở môi trường ngoài trời trong những ngày nắng nóng này đã bị say nắng, với triệu chứng như chóng mặt, choáng váng, buồn nôn, sốt cao đột ngột, hoa mắt… Nếu không được đưa vào chỗ mát và có biện pháp hỗ trợ kịp thời, dễ bị bất tỉnh, gây rối loạn và tổn thương các cơ quan, nghiêm trọng hơn, có thể đe dọa tính mạng.

Để bảo vệ cơ thể khi bắt buộc phải ra ngoài nắng, người dân cần mặc áo, đội mũ kín để che vùng đầu và vùng gáy. Đây là hai bộ phận rất quan trọng cần bảo vệ cẩn thận – Đó là lời khuyên của các bác sỹ.

Ăn uống, sinh hoạt trong mùa nắng nóng

Mùa nắng nóng, cơ thể ra nhiều mồ hôi, kéo theo mất nước và muối… khiến người bải hoải mệt mỏi không muốn ăn, chỉ thấy khát nước. Nếu không kịp thời bù đắp nước và các chất điện giải, kết hợp các biện pháp hạ nhiệt môi trường và thân nhiệt như dùng quạt, máy điều hòa nhiệt độ, đặc biệt là bổ sung các thức ăn, uống thanh nhiệt (có công hiệu giải nhiệt)… dễ dẫn tới thương tổn về sức khỏe.

“Ăn chín, uống sôi” là khẩu hiệu rất thực tế trong những ngày nắng nóng. Ngay thức ăn còn dư, dù được để trong tủ lạnh nhưng cũng nên nấu sôi (lại) trước khi dùng và không để quá 1- 2 ngày. Và khi trời nóng, quà vặt, hàng rong cần chú ý đặc biệt – Bởi rất dễ gây ngộ độc (nhiễm khuẩn).

 

Một ly nước chanh sẽ làm bạn dịu đi cơn nóng.

Trong những ngày nắng nóng, sông, hồ, ao luôn có “sức hấp dẫn” lớn đối với trẻ nhỏ.  Người lớn cần đặc biệt lưu ý, không cho trẻ tắm sông, hồ, ao một mình mà không có sự kèm cặp của người lớn. Trong khả năng có thể, nên cho trẻ tắm ở các hồ bơi (nếu cần), bởi ngoài việc đảm bảo vệ sinh của nguồn nước (tạm chấp nhận thế), tại đây luôn có người trông coi, đảm bảo an toàn cho trẻ.

Ngay người lớn cũng không nên lao động ngoài trời vào giữa trưa nắng gắt. Nếu buộc phải làm việc (không thể dời vào lúc khác), nên đội nón rộng vành, mặc áo, quần dài bằng loại vải coton, phủ kín tay chân để dễ thấm mồ hôi, đồng thời uống bù nước và muối khoáng.

Thanh Trà (tổng hợp)