Nhân rộng mô hình hỗ trợ 100% học phí cần nhiều yếu tố

15:24, 27/07/2023

Năm học 2023 - 2024, trẻ mầm non, học sinh phổ thông của một số tỉnh/thành được hỗ trợ 100% học phí.

Cô trò Trường THCS Ái Mộ (Long Biên, Hà Nội) trong giờ học.

Đây là chính sách thể hiện sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo địa phương với phát triển giáo dục - đào tạo trên địa bàn.

Tín hiệu vui

Là địa phương tiên phong trong thực hiện hỗ trợ 100% học phí cho học sinh mầm non, THCS, THPT, giáo dục thường xuyên, ông Đỗ Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng cho biết: Từ năm 2019, Hội đồng nhân dân TP ban hành Nghị quyết 54 về miễn, giảm học phí cho học sinh các cấp.

Ngân sách TP hỗ trợ 100% học phí theo mức được Hội đồng nhân dân thành phố quyết định cho các đối tượng: Trẻ mầm non, học sinh THCS (từ năm học 2020 - 2021 đến khi Chính phủ có quy định miễn học phí đối với đối tượng này); học sinh THPT (từ năm học 2021 - 2022).

“Mỗi năm, thành phố trích hơn 400 tỷ đồng từ ngân sách địa phương hỗ trợ cho giáo dục. Việc hỗ trợ 100% học phí cho các cấp học có tác động rất lớn đến ngành Giáo dục; giúp giải quyết tốt chủ trương không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau, không học sinh nào phải bỏ học. Trước sự quan tâm của lãnh đạo thành phố, cán bộ quản lý, giáo viên cũng thấy cần có trách nhiệm hơn trong quản lý, giáo dục học sinh”, ông Đỗ Văn Lợi chia sẻ.

Đến năm học 2022 - 2023, 100% học sinh các cấp ở TP Hải Phòng được miễn học phí (trừ bậc tiểu học được miễn theo Luật Giáo dục). Trẻ mầm non đi học hè vẫn được hỗ trợ học phí theo quy định tại Nghị quyết của Hội đồng nhân dân TP hằng năm.

Hội đồng nhân dân TP Đà Nẵng cũng mới thông qua nghị quyết hỗ trợ học phí đối với trẻ mầm non và học sinh phổ thông năm học 2023 - 2024. Theo đó, trẻ mầm non, học sinh trường phổ thông công lập; học viên trung tâm giáo dục thường xuyên; cả trẻ mầm non, học sinh các trường phổ thông ngoài công lập được hỗ trợ 100% học phí theo mức thu học phí công lập do Hội đồng nhân dân thành phố quy định.

Dự kiến tổng số tiền ngân sách dành cho việc hỗ trợ này trong năm học 2023 - 2024 là 408 tỷ đồng. Đây là chính sách đặc thù của TP Đà Nẵng, được thực hiện hơn 2 năm qua, góp phần hỗ trợ người dân có con ở độ tuổi đến trường và hạn chế tình trạng học sinh nghỉ, bỏ học trên địa bàn.

Năm 2021, Quảng Ninh là một trong các địa phương đầu tiên của cả nước hỗ trợ 100% học phí năm học 2021 - 2022 cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông cả cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập trên địa bàn tỉnh theo mức thu học phí công lập đang được áp dụng. Tổng số tiền hỗ trợ là hơn 131 tỷ đồng. Năm học 2022 - 2023, Quảng Ninh tiếp tục chính sách này; không áp dụng cho học sinh mầm non, học sinh phổ thông đang học tại các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài.

Năm 2022, Hội đồng nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thông qua nghị quyết hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh THCS công lập và ngoài công lập giai đoạn 2022 - 2025. Theo đó, học sinh được hỗ trợ 100% học phí bằng với mức thu học phí công lập theo quy định.

Học sinh THCS ngoài công lập được bù phần chênh lệch giữa mức được hỗ trợ và mức thu của cơ sở giáo dục. Năm học 2022 - 2023, trẻ mầm non, học sinh phổ thông công lập Cần Thơ cũng được hỗ trợ hỗ trợ 100% học phí. Tuy nhiên, chưa có thông tin cuối cùng về việc 2 địa phương này có tiếp tục chính sách hỗ trợ hay không trong năm học 2023 - 2024.

Nhân rộng mô hình hỗ trợ 100% học phí cần nhiều yếu tố ảnh 1

Ảnh minh họa ITN.

Có thể nhân rộng?

Theo PGS.TS Lê Thị Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển thực hành pháp luật (CLD), miễn toàn bộ học phí cho học sinh THCS được Bộ GD&ĐT đề xuất tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, tháng 7/2022. Nếu triển khai, đây là việc làm nhân văn, bớt được gánh nặng kinh tế cho nhiều gia đình, thể hiện sâu sắc sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đến giáo dục.

Đặc biệt, chúng ta đang thực hiện phổ cập tiểu học, THCS và tiến tới là THPT; hiện thực hóa việc miễn học phí góp phần quan trọng đến thành công của chủ trương này. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, có lẽ khó có thể thực hiện được ngay việc miễn học phí cho các đối tượng này vì gánh nặng ngân sách rất lớn. Do đó, với địa phương mạnh dạn có chính sách hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông rất đáng hoan nghênh.

“Tôi mong rằng, thời gian tới sẽ có thêm nhiều tỉnh, thành phố làm được điều này. Tuy nhiên, cũng cần nói thêm rằng, trong điều kiện hiện nay, không ít gia đình có thu nhập tốt, sẵn sàng trả chi phí xứng đáng để con em họ có thể học tập trong môi trường chất lượng cao. Do đó, rất cần cơ chế, chính sách để thu hút sự chung tay, góp sức đầu tư cho giáo dục góp phần giảm bớt gánh nặng cho ngân sách Nhà nước”, PGS.TS Lê Thị Châu chia sẻ.

PGS.TS Lê Khánh Tuấn, Trường ĐH Sài Gòn, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ GD&ĐT) cho rằng: Về bản chất, học phí là một loại phí mà người học nộp để chi trả chi phí đào tạo cho chính mình. Người học dù ở đâu và thuộc thành phần xã hội nào đều phải có nghĩa vụ đóng khoản phí đó. Tuy nhiên, trên thực tế có người được miễn hoặc giảm học phí, những cũng có đối tượng được hỗ trợ thêm chi phí học tập. Đó là do Nhà nước thực hiện chính sách xã hội và Nhà nước phải chi ngân sách ra để bù đắp.

Đà Nẵng và một số địa phương khác hỗ trợ 100% học phí cho học sinh phổ thông, thực chất là tỉnh/thành phố thay mặt cho học sinh để đóng khoản học phí đó. Số tiền được địa phương sử dụng cho khoản hỗ trợ này có thể xem là khoản ngân sách địa phương dành cho phúc lợi xã hội, đầu tư vì mục đích dân sinh. Với ý nghĩa nhân văn như vậy, việc hỗ trợ học phí cho học sinh của các địa phương rất đáng hoan nghênh.

Tuy nhiên, có nhân rộng ra đại trà được hay không còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Đó là khả năng ngân sách của từng địa phương, quan điểm đầu tư như thế nào... Có thể có trường hợp lực bất tòng tâm, có nơi phải đặt các hạng mục đầu tư khác cao hơn việc ưu tiên hơn miễn giảm học phí. Do đó, để nói về tính đúng sai, chúng ta cần phân tích kỹ từng tình huống, ngữ cảnh.

PGS.TS Lê Khánh Tuấn cũng cho biết: Trên thế giới, không phải tất cả quốc gia giàu đều miễn học phí cho học sinh. Ngược lại, một số quốc gia nghèo hơn vẫn cung cấp giáo dục miễn phí cho học sinh phổ thông như Brazil, Cuba, Hy lạp, Lebanon, Sri Lanka, Uruguay... Điểm giống nhau của các quốc gia là khi miễn giảm học phí thì gánh nặng chi ngân sách Nhà nước sẽ tăng lên. Đó là bài toán không dễ có lời giải với mỗi nước.

Theo Báo Giáo dục & Thời đại

https://giaoducthoidai.vn/nhan-rong-mo-hinh-ho-tro-100-hoc-phi-can-nhieu-yeu-to-post647998.html