Những sáng chế đáng nể của học sinh

13:45, 10/06/2024

Nhiều học sinh Cà Mau sớm biết nuôi dưỡng niềm đam mê mãnh liệt trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học kỹ thuật.

Trịnh Tuấn Kiệt bên bộ sưu tập mô hình tàu quân sự.

Các em năng động, sáng tạo và cho ra đời nhiều mô hình được trưng bày, triển lãm, ứng dụng vào thực tế.

Bộ sưu tập mô hình tàu quân sự “khủng”

Từ khi là cậu học trò lớp 7 cho đến khi trở thành một nam sinh lớp 12X11, Trường THPT Cà Mau (TP Cà Mau), Trịnh Tuấn Kiệt đã luôn miệt mài theo đuổi niềm đam mê thú vị, thực hiện gần 40 mô hình tàu chiến quân sự, dân sự trên thế giới và trong nước. Kiệt cho biết, từ nhỏ khi nhìn thấy những chiếc tàu quân sự trên tivi hoặc sách báo em đã bị lôi cuốn vô cùng, tò mò muốn tìm hiểu, khám phá. Năm 13 tuổi, em quyết định thử làm con tàu đầu tiên.

“Những con tàu đầu tiên em làm còn đơn giản, chủ yếu bằng vật liệu bìa giấy, thiết kế thủ công. Về sau, khi đã có kinh nghiệm em mới thay bằng vật liệu gỗ, nhựa, kết hợp bìa giấy và một số vật liệu khác để tàu mang tính thẩm mỹ, sát với hình ảnh ngoài thực tế hơn. Tự tăng độ khó dần dần, với nhiều loại tàu em đã gắn động cơ vào để có thể điều khiển được dưới nước và trang trí thêm hệ thống đèn cho mô hình sinh động hơn”, Tuấn Kiệt chia sẻ.

Để làm mỗi con tàu, bước đầu Tuấn Kiệt thu thập tài liệu hình ảnh, thông số thiết kế, sau đó lên bản vẽ, tính toán các thông số sao cho hợp lý, rồi tiếp theo mới chuẩn bị vật liệu, dụng cụ để tiến hành lắp đặt. “Do chủ yếu nhìn trên hình ảnh, kết hợp với trí tưởng tượng và làm thủ công là chính nên có một số mẫu tàu em gặp rất nhiều khó khăn. Với những con tàu có thiết kế khó, em phải mất nhiều thời gian mới hoàn thành, cố gắng làm giống với hình ảnh thực tế từ 70 - 80%”, Kiệt cho biết.

Hiện tại, bộ sưu tập gần 40 tàu chiến quân sự, dân sự các loại của nam sinh lớp 12X11 được trưng bày trong phòng riêng của gia đình với nhiều tên gọi khác nhau như: Tàu tên lửa tấn công nhanh, tàu chiến đấu ven biển, tàu tuần dương thiết giáp hạm hạt nhân, tàu khu trục, tàu cứu hộ, tàu kinh hạm hộ tống, tàu tiếp vận, tàu hàng không mẫu hạm bay, tàu ngầm... Mỗi con tàu, Tuấn Kiệt đều có hồ sơ ghi chép riêng về tên gọi, sơ đồ lắp đặt, mật danh tàu, các thông số kỹ thuật, tính chiến đấu, cũng như khả năng vũ trang.

Tuấn Kiệt chia sẻ, sở thích nghiên cứu khoa học của em được người thân trong gia đình, thầy cô, bạn bè ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện. Một số mô hình tàu trong bộ sưu tập của em còn được mượn đưa đi trưng bày, triển lãm trong và ngoài tỉnh Cà Mau nhằm tuyên truyền về vấn đề bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Cô Nguyễn Thị Mộng Hảo - chủ nhiệm lớp 12X11, Trường THPT Cà Mau nhận xét: “Trong lớp, Kiệt học giỏi và hòa đồng với bạn bè, rất chịu khó tìm tòi, sáng tạo, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật. Giáo viên ở trường cũng luôn tạo điều kiện thuận lợi để em phát triển năng khiếu và thực hiện ước mơ”.

“Năm nay là năm cuối cấp nên em tạm gác lại việc thực hiện thêm các mô hình tàu, dồn sức cho việc học để thực hiện ước mơ thi đỗ vào ngành du lịch hoặc khoa học quân sự. Thi xong, có thời gian em sẽ tiếp tục tìm tòi các thiết kế mới, để thực hiện mô hình. Với em việc thiết kế mô hình tàu chiến không chỉ là để thỏa đam mê, sở thích, mà còn gắn với tình yêu biển đảo, yêu quê hương, đất nước”, Tuấn Kiệt chia sẻ.

Một góc bộ sưu tập tàu chiến của Trịnh Tuấn Kiệt.

Một góc bộ sưu tập tàu chiến của Trịnh Tuấn Kiệt.

Quách Phước An với mô hình “Cầu trượt kỳ diệu” trong Ngày hội STEM.

Quách Phước An với mô hình “Cầu trượt kỳ diệu” trong Ngày hội STEM.

Quách Phước An với mô hình sơ đồ tư duy.

Quách Phước An với mô hình sơ đồ tư duy.

Nhà sáng chế nhí “đáng gờm”

Dù chỉ mới học lớp 5, nhưng Quách Phước An - học sinh Trường Tiểu học Quang Trung (TP Cà Mau) đã sáng tạo, thiết kế ra các mô hình giúp ích rất nhiều trong việc dạy và học của nhà trường. Năm 2023, Phước An sáng tạo ra mô hình máy chiếu thông minh; sơ đồ tư duy môn Lịch sử. Năm nay, em tiếp tục cho ra đời mô hình sơ đồ tư duy môn Địa lý.

Bằng kiến thức tin học, Phước An đã lên ý tưởng và lập bản vẽ trên máy tính chi tiết của từng bài học môn Lịch sử, Địa lý, sau đó em thiết kế thành một hệ thống trên sơ đồ bản vẽ, truyền tải hết thông tin trong một bài học. Những đóng góp của An đem lại hiệu quả cao, góp phần thúc đẩy cải tiến đổi mới sáng tạo dạy và học trong nhà trường.

Cô Nguyễn Thị Thiệp - Trường Tiểu học Quang Trung nhận xét: “Phước An là một học sinh nổi bật về tư duy tìm tòi, khám phá những cái mới. Em có kỹ năng giao tiếp tốt, đặc biệt là kỹ năng làm việc độc lập và làm việc theo nhóm. Mô hình sơ đồ tư duy của Phước An sáng tạo vô cùng bổ ích, giúp cho các học sinh hào hứng tiếp cận và lĩnh hội kiến thức khi học môn Lịch sử, Địa lý”.

Gần đây nhất, khi Trường Tiểu học Quang Trung tổ chức Ngày hội STEM, Quách Phước An lại tiếp tục tìm tòi, suy nghĩ đưa ra ý tưởng, cùng với giáo viên chủ nhiệm và các bạn trong lớp thực hiện mô hình “Cầu trượt kỳ diệu” trong môn Khoa học. Điểm nổi bật của mô hình là thiết kế phần mạch điện cho động cơ hoạt động một cách hiệu quả. Mô hình “Cầu trượt kỳ diệu” của nhóm Quách Phước An đem lại sự thích thú cho các bạn và được giáo viên, Ban giám khảo Ngày hội STEM đánh giá rất cao.

“Khi em đưa ra ý tưởng, các thầy cô sẽ hỗ trợ làm khung sườn trước, sau đó nhóm chúng em sẽ cùng nhau trao đổi, phối hợp thực hiện, ráp lại để mô hình hoạt động được. Theo em, mô hình này rất thiết thực, giúp thực hành môn Khoa học trong bài sử dụng điện, giúp các bạn dễ hiểu và biết thêm về các chi tiết mạch điện”, Phước An giải thích.

Chia sẻ thêm về những sáng kiến, mô hình của mình, Quách Phước An cho biết, em rất thích sự sáng tạo và những điều mới mẻ nên sẵn sàng dành thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu lĩnh vực khoa học kỹ thuật. Trước khi thực hiện mô hình nào đó em sẽ lên mạng tìm hiểu, tham khảo từ các video clip. Nếu thấy khó khăn ở đâu em sẽ nhờ sự hỗ trợ, hướng dẫn từ cha. Em luôn quyết tâm làm ra sản phẩm hoàn chỉnh cuối cùng chứ không bao giờ bỏ cuộc.

“Dù nhỏ tuổi, nhưng Quách Phước An có niềm đam mê rất lớn trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Thời gian qua, em đã thử sức đua tài, tham gia nhiều cuộc thi như: Olympic Toán, tiếng Anh; các cuộc thi tiếng Anh, Tin học trẻ cấp thành phố, tỉnh; IOE cấp tỉnh; Trạng nguyên (tiếng Việt, tiếng Anh) cấp tỉnh... và đều vượt lên, bứt phá đạt thành tích cao, trở thành gương mặt học sinh tiêu biểu của nhà trường”, thầy Lý Ngọc Hiển - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quang Trung nhận xét.

Theo Báo Giáo dục & Thời đại

(https://giaoducthoidai.vn/nhung-sang-che-dang-ne-cua-hoc-sinh-post686747.html)