Nở rộ trào lưu social game

10:00, 09/05/2011

VNG đang phát hành 20 game xã hội (social game). VTC cũng vừa ra mắt hai game xã hội trên mạng Go.vn. VC Corp cũng đang thử nghiệm những social game đầu tiên với tham vọng có 3 triệu người chơi trong năm 2011.  

Ông Vương Quang Khải, Phó Giám đốc Công ty VNG cho biết, khái niệm social game thực sự xuất hiện sau khi Facebook bắt đầu mở cửa cho các đối tác phát triển ứng dụng trên nền tảng của mình vào giữa năm 2007. Bản chất, social game chính là các game được phát triển trên nền mạng xã hội, sử dụng các khả năng tương tác có sẵn trong mạng xã hội làm cốt lõi trong thiết kế logic của game.

Tuy nhiên, social game chỉ thực sự bùng nổ với sự ra mắt của dòng game nông trại vào cuối năm 2008 khi Five Minutes - một công ty ở Bắc Kinh ra mắt game nông trại đầu tiên mang tên Happy Farm trên mạng xã hội Renren, Qzone và Facebook với tổng số lượng người chơi lên tới hàng chục triệu.

Theo ông Bùi Quang Minh, Trưởng dự án Social Media (VC Corp), social game thực chất chính web-game (được xây dựng trên môi trường web) nhưng được phổ biến và lan truyền mạnh trên các mạng xã hội.


Ở Việt Nam, social game bắt đầu phát triển từ giữa năm 2009 khi Zing Me đã ra mắt với 3 game đầu tiên là Cuộc chiến đỗ xe, Siêu thị bạn bè, và Nông trại vui vẻ. Sau đó, cuối 2009, Tamtay ra mắt social game Trang trại @. Năm 2011, Go.vn cũng chào thị trường với 2 game Airport và GoTrain. Hiện nay, trên Zing Me có hơn 20 social game, trong đó khoảng 40% do các studio của VNG (Công ty chủ quản Zing) xây dựng, 60% còn lại là do các nhà phát triển trong và ngoài nước cung cấp.

Với xuất phát điểm thu hút người dùng từ social game, đến nay Zing Me đã trở thành Mạng xã hội hàng đầu Việt Nam hay Tamtay, nguồn thu chính của họ từ social game và vẫn tồn tại… Chình vì thế, ông Minh cho rằng, thị trường social game ở Việt Nam thực sự tiềm năng và có thể kiếm ra tiền để đầu tư phát triển. “Đó cũng chính là lý do tại sao VC Corp đang thử nghiệm những social game đầu tiên với 500 nghìn người dùng và nhận được sự ủng hộ rất lớn của người sử dụng”, ông Minh cho biết thêm.

Theo ông Khải và ông Minh, thuận lợi lớn nhất của các social game là có thể “ăn theo” cộng đồng người dùng có sẵn của các mạng xã hội để nhanh chóng phát triển số lượng người chơi. Ngoài ra, do social game đơn giản, dễ chơi, thuận tiện và không mất nhiều thời gian nên đã tiếp cận được độ tuổi người chơi rộng hơn rất nhiều so với game truyền thống. Nếu như game truyền thống có đối tượng người chơi trong phạm vi khoảng từ 15,16 tuổi đến 30 tuổi thì social game lại từ thu hút từ phụ nữ, trẻ em, cho đến người già (đối tượng trong độ tuổi từ 10 đến 40, 50 tuổi).

Đó là lý do tại sao, game online thành công nhất - World of Warcraft chỉ có 12 triệu người chơi trên toàn thế giới, trong khi đó social game CityVille có tới 88 triệu người chơi mỗi tháng. Ngoài ra, khác với các game truyền thống thường bị giới hạn thành từng khu vực với vài chục ngàn người chơi (mô hình nhiều cụm máy chủ), các social game chỉ có một khu vực duy nhất, có thể lên tới hàng triệu người cùng tương tác với nhau.

Theo ông Minh, trong thời gian tới, VC Corp sẽ cho ra mắt một số social game trên một số trang cộng đồng như Linkhay, Sannhac, Muare… và tìm những game đình đám trên thế giới để phân phối lại, phát triển ở Việt Nam. VC Corp kỳ vọng mảng game sẽ đóng góp lớn vào doanh thu của công ty và dự kiến cuối năm đạt 3 triệu người sử dụng.

Ông Khải cũng khẳng định, trong năm 2011, Zing Me sẽ giới thiệu thêm nhiều social game mới do các nhà phát triển Việt Nam cung cấp thay vì chỉ chiếm 40% như hiện giờ.

(theo ICTnews)