Phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược để quá trình chuyển đổi số đạt hiệu quả cao
Về kế hoạch chuyển đổi số quốc gia năm 2022, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải quyết tâm thực hiện tạo đột phá, xuất phát từ thống nhất nhận thức, quan điểm chỉ đạo, phải bố trí nguồn lực hợp lý.
Chiều ngày 30/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Phiên họp thứ nhất của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số.
Tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban nhấn mạnh: Phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, cách làm phù hợp, bám sát thực tiễn, điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam để quá trình chuyển đổi số đạt hiệu quả cao, mang lại lợi ích cho nhiều người dân, doanh nghiệp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp thứ nhất của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số.
Tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, chủ trương thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia được xây dựng trên 3 trụ cột: Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Chuyển đổi số trong những năm qua đã được thực hiện tích cực, đạt được nhiều kết quả đáng trân trọng trong điều kiện của một nước đang phát triển.
Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: xếp hạng về Chính phủ điện tử còn thấp (đứng thứ 6 trong các nước ASEAN); môi trường pháp lý, cơ chế, chính sách còn chưa theo kịp sự phát triển; một số cơ quan chưa thật sự coi trọng chuyển đổi số; kết nối các nền tảng số còn mất nhiều thời gian, gây lãng phí nguồn lực, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh, chuyển đổi số là xu thế, đòi hỏi, yêu cầu khách quan của sự phát triển, không thể không làm, không thể đứng ngoài cuộc. Đây là vấn đề tác động đến tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương nên phải bắt tay thực hiện ngay để tạo ra hệ thống tổng thể, liên thông từ trung ương đến cơ sở. Mọi chính sách đều hướng đến người dân, doanh nghiệp và mọi người dân, doanh nghiệp cũng phải tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Đồng thời, phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, cách làm phù hợp, bám sát thực tiễn, điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam để đạt hiệu quả cao, sức lan tỏa rộng và mang lại lợi ích cho nhiều người dân, doanh nghiệp.
Thủ tướng đề nghị, phải đầu tư thích đáng cho hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, công tác quản trị một cách khoa học, hợp lý, hiệu quả; thúc đẩy hợp tác công - tư trong chuyển đổi số; nâng cao nhận thức, tầm quan trọng của công việc này ở các cấp, các ngành, đặc biệt là người đứng đầu; tăng cường giám sát, kiểm tra, đo lường hiệu quả; tăng cường truyền thông để tạo sự đồng thuận, hưởng ứng, vào cuộc của người dân, doanh nghiệp. Thủ tướng cũng yêu cầu tích cực hoàn thiện cơ sở dữ liệu; đặc biệt phải đầu tư, quan tâm, thúc đẩy triển khai chương trình phát triển công dân số; tăng cường hợp tác giữa các bộ ngành, địa phương và quốc tế. Thủ tướng nhấn mạnh: các Bộ, ngành phải chia sẻ dữ liệu, tránh tình trạng cục bộ, bệnh thành tích.
Quang cảnh phiên họp.
Về kế hoạch chuyển đổi số quốc gia năm 2022, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải quyết tâm thực hiện tạo đột phá, xuất phát từ thống nhất nhận thức, quan điểm chỉ đạo, phải bố trí nguồn lực hợp lý. Bộ Thông tin và Truyền thông sớm hoàn thiện kế hoạch hoạt động của Ủy ban năm 2022 cụ thể, chi tiết; có kiểm điểm, đánh giá kết quả. Việc đôn đốc, kiểm tra, giám sát thực hiện các chương trình, kế hoạch phải được coi trọng hơn ở các cấp, các ngành.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành làm tốt các nhiệm vụ, theo đó, Bộ Công an tập trung xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định về định danh và xác thực điện tử và Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân; trình cấp có thẩm quyền ban hành Quy chế quản lý, vận hành, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong quý IV/2022. Cùng với Văn phòng Chính phủ phối hợp với các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và các cơ quan liên quan xây dựng Đề án đẩy mạnh ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và chuyển đổi số quốc gia, hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để tổ chức triển khai thực hiện trong tháng 12/2021...
Bộ Thông tin và Truyền thông thúc đẩy phát triển hạ tầng số, bảo đảm an toàn thông tin, kết nối, chia sẻ dữ liệu trong chuyển đổi số quốc gia. Văn phòng Chính phủ tập trung xây dựng, phát triển hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở phát triển Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ kết nối với các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin báo cáo của bộ, ngành, địa phương; xây dựng và phát triển các công cụ phân tích dữ liệu, dự báo hỗ trợ chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu số.
Bộ Tài chính thúc đẩy việc sử dụng hóa đơn điện tử, gắn với phát triển kinh tế số, phổ cập chữ ký số.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đẩy mạnh chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhỏ và vừa để thúc đẩy phát triển kinh tế số; theo dõi vấn đề đầu tư công.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có giải pháp đột phá để phổ cập thanh toán số, thanh toán không dùng tiền mặt theo hướng thuận tiện, dễ dàng và an toàn hơn, giúp các hoạt động kinh tế minh bạch hơn, hạn chế gian lận, tiêu cực trong thanh toán, tạo nền móng phát triển giao dịch trực tuyến và kinh tế số.
Bộ Nội vụ thúc đẩy gắn kết chặt chẽ giữa cải cách hành chính và chuyển đổi số, Chính phủ số. Hoàn thành xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức, để quản lý đồng bộ, thống nhất, minh bạch, kịp thời tạo nguồn dữ liệu cốt lõi cho phát triển Chính phủ số.
Bộ Xây dựng chủ trì nghiên cứu, xây dựng quy hoạch phát triển đô thị thông minh theo Đề án 950 về phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam; tăng cường quản lý về quy hoạch, kiến trúc.
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông thúc đẩy ứng dụng Hồ sơ sức khỏe điện tử hiệu quả.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thúc đẩy chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân.
Bộ Tài nguyên và Môi trường có cơ sở dữ liệu quản lý đất đai, môi trường, cảnh báo thiên tai, sạt lở đất.
Bộ Giáo dục và Đào tạo tập trung hoàn thiện tiêu chí, tiêu chuẩn, quy trình về ngành giáo dục, đào tạo số với định hướng, chiến lược có tầm nhìn…
Khôi Nguyên (T/h)