Phát huy giá trị di sản văn hóa gắn liền với danh nhân Tô Hiến Thành

12:29, 06/07/2025

Sáng 6/7, xã Ô Diên long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 846 năm ngày mất của danh nhân Tô Hiến Thành, nhà chính trị, nhân cách văn hóa lớn của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ XII. Tới dự có Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Hà Nội Nguyễn Doãn Toản.

Dự buổi lễ còn có đông đảo cán bộ, Nhân dân địa phương và đại diện dòng họ Tô Việt Nam.

Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cùng lãnh đạo xã Ô Diên dâng hương.

Một nhân cách văn hóa tiêu biểu của Việt Nam

Hạ Mỗ - Ô Diên là mảnh đất địa linh nhân kiệt, là nơi hợp lưu của 3 dòng sông: sông Hồng, sông Đáy, sông Nhuệ. Thế kỷ thứ VI, thành cổ Ô Diên được Lý Phật Tử xây dựng và định đô của nhà nước Vạn Xuân. Vương triều Hậu Lý kể từ khi đức Thái Tổ Lý Công Uẩn lên ngôi (năm 1010) kéo dài 215 năm đã sản sinh ra nhiều “vua sáng – tôi hiền” như vua Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Thái úy Lý Thường Kiệt, Thái úy Tô Hiến Thành…

Các đại biểu dự buổi lễ.

Tô Hiến Thành, hiệu là Phi Diên, sinh năm 1102 tại làng Hạ Mỗ, xã Ô Diên, TP Hà Nội. Ông thi đỗ Thái học sinh và ra làm quan dưới các triều vua Lý Thần Tông, Lý Anh Tông và Lý Cao Tông. Là một nhà chính trị có tài, văn võ song toàn, vệ đạo, bảo dân, trung quân, ái quốc, nổi tiếng là công minh chính trực, Tô Hiến Thành đã giúp vua dẹp loạn trong nước, chống quân xâm lược Chân Lạp, chinh phạt Chiêm Thành, giữ vững biên cương, khai khẩn đất hoang, mở mang bờ cõi… làm cho vị thế quốc gia Đại Việt trở nên lớn mạnh, buộc nhà Tống phải công nhận nước Đại Việt là một quốc gia độc lập vào năm 1164.

Trên cương vị Thái uý, Tô Hiến Thành cũng hết lòng sửa sang việc chính trị, mở mang văn hóa, tu bổ tôn tạo Văn Miếu, chú trọng khoa cử, chọn hiền tài phụng sự quốc gia. Năm 1175, vua Lý Anh Tông phong cho Tô Hiến Thành chức Thái phó, Bình chương quân quốc trọng sự (Tể tướng), tước vương.

Tiết mục văn nghệ tại buổi lễ.

Tấm gương trong sáng, bình dị, cao đẹp, liêm khiết đầy khí chất của danh nhân Tô Hiến Thành thể hiện nổi bật ở việc kiên quyết không nhận hối lộ, không sợ áp lực, quyết tâm làm theo Di chiếu, chọn cử người tài giúp vu giữ nước. Một đời làm tướng trung thành, làm nhiếp chính cho vua nhưng không gian tham, vẫn luôn giữ được khí tiết, nhân cách của Tô Hiến Thành thật là cao cả. Khi ông mất, nhà vua đã nghỉ chầu bảy ngày, ăn chay 3 ngày để tỏ lòng thương tiếc ông.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND xã Ô Diên Đỗ Chí Hưng khẳng định, cuộc đời và sự nghiệp của Tô Hiến Thành đã toát lên ông là một nhân cách văn hóa tiêu biểu của Việt Nam. “Điều chúng ta lĩnh hội, thấm sâu nhất qua cuộc đời và sự nghiệp của Tô Hiến Thành là tinh thần yêu nước, thương dân, tinh thần chiến đấu không khoan nhượng vì đạo lý, vì Nhân dân. Tô Hiến Thành và di sản của ông không chỉ được người Việt Nam mãi mãi tôn vinh, tự hào, mà cần được bạn bè quốc tế biết đến và ngưỡng mộ” – ông Đỗ Chí Hưng bày tỏ.

Chủ tịch UBND xã Ô Diên Đỗ Chí Hưng phát biểu tại buổi lễ.

Theo GS.TS Nguyễn Quang Ngọc – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cũng nhìn nhận, Tô Hiến Thành là một danh nhân văn hóa kiệt xuất của dân tộc. Nhìn một cách tổng thể, kết tinh cao nhất danh nhân Tô Hiến Thành là nhân cách văn hóa, trung với đất nước, với vua và với sự phát triển của quốc gia dân tộc, một cuộc đời trong sáng như pha lê. Do đó, tri ân người có công cũng chính là nâng cao vai trò trong bảo tồn phát huy giá trị văn hóa của dân tộc.

Phát huy giá trị di sản

Theo lãnh đạo xã Ô Diên, Lễ kỷ niệm 846 năm ngày mất của danh nhân Tô Hiến Thành là dịp để chính quyền, Nhân dân địa phương bày tỏ lòng tự hào, tôn vinh những cống hiến to lớn của danh nhân đối với lịch sử, văn hóa Việt Nam. Đồng thời đây cũng là dịp để tìm trong di sản của danh nhân Tô Hiến Thành những kinh nghiệm, bài học quý báu cho sự phát triển của địa phương và đất nước trong tương lai.

Tri ân công đức của danh nhân Tô Hiến Thành, những năm qua, chính quyền và Nhân dân địa phương đã thực hiện nhiều công việc ý nghĩa như xây dựng, tu bổ, tôn tạo đền thờ, lăng mộ, tượng đài danh nhân, xếp hạng đền Văn Hiến là di tích quốc gia, tổ chức các hội thảo khoa học về thân thế sự nghiệp của danh nhân.

Đông đảo người dân địa phương dự buổi lễ.

Đặc biệt, ngày 12/12/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1569/QĐ-TTg về phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó định hướng xây dựng công viên di sản văn hóa danh nhân Tô Hiến Thành; nghiên cứu phục hồi các di sản văn hóa về vùng đất Ô Diên cổ.

Chủ tịch UBND xã Ô Diên Đỗ Chí Hưng cho biết, UBND TP Hà Nội đã chấp thuận chủ trương lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể di tích lịch sử danh nhân Tô Hiến Thành gắn với không gian Thành cổ Ô Diên đến năm 2035, tầm nhìn 2050. Trong thời gian tới, Đảng ủy, UBND xã Ô Diên sẽ tiến hành thực hiện các nhiệm vụ: lập dự án khơi thông dòng sông Nhuệ, xây dựng công viên di sản văn hóa danh nhân Tô Hiến Thành, lập hồ sơ đề nghị Ủy ban UNESCO công nhận danh nhân Tô Hiến Thành là danh nhân văn hóa thế giới và đề nghị nâng hạng cụm di tích đền Văn Hiến, đình Vạn Xuân, chùa Hải Giác, miếu Hàm Rồng, đền Chính Khí, đền Chi Trỉ là di tích quốc gia đặc biệt.

Chính quyền, Nhân dân xã Ô Diên quyết tâm gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa gắn liền với danh nhân Tô Hiến Thành.

Thời gian tới, xã Ô Diên tiếp tục gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị của di sản, tạo sức sống mới cho di tích; để di sản danh nhân Tô Hiến Thành ngày càng lan tỏa; góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng phát triển xã Ô Diên ngày càng giàu đẹp văn minh.