Phát triển năng lượng nguyên tử: Bảo đảm an toàn cao nhất cho con người và môi trường

09:48, 19/04/2025

Phát triển năng lượng nguyên tử phải bảo đảm an toàn cao nhất cho con người và môi trường, tạo không gian phát triển mới.

Thông tin từ báo Chính phủ cho biết, ngày 18/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng đã làm việc với Bộ KH&CN về xây dựng Đề án "Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng Nghị quyết về đẩy mạnh phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử (NLNT) vì mục đích hòa bình phục vụ phát triển đất nước trong thời kỳ mới".

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ KH&CN tiếp tục hoàn thiện đề án sớm nhất có thể để báo cáo Bộ Chính trị - Ảnh: VGP

Theo đó, tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định cho biết 6 quan điểm chủ đạo của dự thảo Nghị quyết.

Thứ nhất, phát triển mạnh mẽ, ứng dụng rộng rãi năng lượng nguyên tử (NLNT) trong các ngành, lĩnh vực; phù hợp, đồng bộ với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát triển các ngành, lĩnh vực liên quan; bảo đảm an toàn cao nhất cho con người và môi trường, tạo không gian phát triển mới, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao.

Thứ hai, phát triển điện hạt nhân là chương trình dài hạn, sử dụng công nghệ tiên tiến, an toàn và được kiểm chứng, góp phần đa dạng hóa nguồn cung và bảo đảm an ninh năng lượng, cung cấp nguồn điện nền ổn định phục vụ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.

Thứ ba, ưu tiên phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ hạt nhân, xác định công nghệ hạt nhân là công nghệ chiến lược. Tập trung phát triển năng lực, tiếp thu, làm chủ công nghệ hạt nhân, tiến tới sáng tạo công nghệ, gắn liền với chính sách đặc thù về đào tạo, sử dụng nhân lực chất lượng cao, trọng dụng đội ngũ chuyên gia, phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật hiện đại.

Thứ tư, đưa ứng dụng NLNT trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật, hình thành ngành công nghiệp hạt nhân phục vụ phát triển đất nước, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ Tổ quốc.

Thứ năm, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách và hệ thống tổ chức quản lý tạo môi trường thuận lợi cho phát triển, ứng dụng NLNT và bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và hướng dẫn của IAEA.

Thứ sáu, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, chú trọng hợp tác và hội nhập quốc tế trên cơ sở gia tăng nội lực đi đôi với tranh thủ ngoại lực.

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh thông điệp mạnh mẽ về phát triển NLNT, trong đó có điện hạt nhân phục vụ mục đích hoà bình và các mục tiêu để góp phần tăng trưởng kinh tế hai con số, cũng như quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững của quốc gia.

Cùng với đó là rà soát, phối hợp với Tổ biên tập kinh tế - xã hội của Đại hội XIV để bổ sung và đảm bảo tính tương thích của mục tiêu, giải pháp liên quan; làm rõ cách tiếp cận, phát triển các công nghệ ưu tiên; lộ trình, điều kiện cần và đủ để chuyển giao công nghệ; hợp tác với các nước phát triển, đã làm chủ được công nghệ, sẵn sàng có lộ trình chuyển giao công nghệ.

"Bộ KH&CN cần tham vấn thêm từ các chuyên gia quốc tế đầu ngành trong lĩnh vực này và tranh thủ ý kiến, kinh nghiệm của IAEA đối với từng bước đi, lộ trình, từng giai đoạn, phù hợp với bối cảnh, đặc điểm, điều kiện và định hướng phát triển của Việt Nam", Phó Thủ tướng lưu ý.