Phối hợp, đẩy mạnh hơn nữa ngoại giao vắc xin, thuốc điều trị Covid-19
Chiều 16-8, tại trụ sở Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã chủ trì cuộc họp đầu tiên của Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vắc xin.
- Hơn 8,8 tỷ đồng từ nguồn Quỹ vaccine phòng COVID-19 để hỗ trợ thử nghiệm lâm sàng vaccine COVIVAC
- Việt Nam thử nghiệm lâm sàng vaccine ARCT-154 phòng COVID-19 cho 100 tình nguyện viên
- Chính phủ đồng ý mua bổ sung gần 20 triệu liều vaccine Pfizer
- “Vaccine mRNA làm thay đổi DNA” là thông tin sai sự thật
Cuộc họp tập trung đánh giá, rà soát những kết quả tích cực bước đầu đạt được trong triển khai công tác ngoại giao vắc xin thời gian qua; trao đổi, thống nhất các biện pháp phối hợp để tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa ngoại giao vắc xin thời gian tới nhằm mục tiêu tiếp cận nhanh nhất, nhiều nhất vắc xin, thuốc điều trị và trang thiết bị phục vụ trực tiếp công tác phòng, chống dịch.
Quang cảnh cuộc họp Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vắc xin.
Cuộc họp cũng thống nhất cơ chế làm việc, phối hợp giữa các thành viên Tổ công tác để thực hiện hiệu quả nhất nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao là vận động viện trợ, thúc đẩy, thẩm tra, đôn đốc, hỗ trợ nhập khẩu vắc xin, thuốc, thiết bị y tế và chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin.
Đại diện lãnh đạo các bộ, ngành tham dự cuộc họp nhất trí cần đẩy nhanh mọi nỗ lực, thần tốc, quyết liệt, tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành để vận động, thúc đẩy qua các kênh song phương và đa phương. Phải coi ngoại giao vắc xin như một "mặt trận" quan trọng để triển khai thắng lợi chiến lược vắc xin mà Chính phủ đã đề ra, nhằm sớm kiểm soát dịch bệnh, đưa đất nước sớm trở lại trạng thái bình thường mới.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, Tổ trưởng Tổ công tác nhấn mạnh trong tình hình cấp bách hiện nay, phương châm của ngoại giao vắc xin là chủ động tiến công, phối hợp chặt chẽ, sáng tạo, hiệu quả; đồng thời Bộ trưởng cũng chỉ đạo một số hướng và biện pháp vận động cần triển khai ngay sau cuộc họp, phấn đấu đạt số lượng vắc xin càng nhiều càng tốt, càng sớm càng tốt, đặc biệt trong tháng 8 và tháng 9 tới đây. Cần tiếp tục đưa nội dung vận động vắc xin, thuốc và trang thiết bị y tế thành ưu tiên hàng đầu trong tất cả các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành từ nay đến cuối năm; coi nhiệm vụ vận động vắc xin là trọng tâm hàng đầu trong triển khai công tác đối ngoại của tất cả các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Tính đến sáng 17/8, Việt Nam đã ghi nhận 283.696 ca mắc COVID-19, trong đó có 104.203 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh; Gần 14,7 triệu liều vaccine COVID-19 đã được tiêm chủng ở nước ta.
Tính đến hết ngày 16/8, toàn thế giới ghi nhận 208.198.857 ca mắc COVID-19, hiện số bệnh nhân phục hồi là 186.656.850 người trong khi số bệnh nhân phải điều trị là 17.163.056 người.
Trà My (T/h)