Quản lý nhà nước về khoa học - công nghệ: Đổi mới, hoàn thiện theo hướng thực chất

10:04, 06/03/2022

Với phương châm khoa học và công nghệ (KH&CN) phải gắn với thực tiễn, các nhiệm vụ KH&CN do Bộ Công Thương quản lý và tổ chức thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, định hướng rõ ràng, đóng vai trò là đòn bẩy quan trọng khuyến khích hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo tại các doanh nghiệp (DN).

Theo Ban cán sự đảng Bộ Công Thương, hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng, đổi mới công nghệ trong ngành Công Thương đã có những bước điều chỉnh nhanh chóng về định hướng cũng như cách thức tổ chức thực hiện, gắn với nhu cầu của DN; hướng tới tiếp thu và làm chủ các công nghệ tiên tiến của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Quản lý nhà nước về khoa học - công nghệ: Đổi mới, hoàn thiện theo hướng thực chất

Hoạt động KH&CN ngành Công Thương luôn gắn với nhu cầu của doanh nghiệp.

Công tác quản lý nhà nước về hoạt động KH&CN được đổi mới, hoàn thiện theo hướng thực chất, hiệu quả; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình tổ chức, giám sát thực hiện; tạo môi trường thuận lợi và cạnh tranh lành mạnh trong nghiên cứu, sáng tạo. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về KH&CN ngành Công Thương thường xuyên được rà soát, sửa đổi, bổ sung để phù hợp hơn với yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương tiếp tục rà soát, sắp xếp lại hệ thống các tổ chức KH&CN trực thuộc Bộ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, gắn với yêu cầu phát triển ngành và DN; khuyến khích các đơn vị thành lập DN KH&CN trực thuộc; tạo cơ chế chủ động tìm kiếm thị trường, thực hiện nhiều hợp đồng nghiên cứu, dịch vụ tư vấn cho DN trong ngành, qua đó tăng cường tính gắn kết giữa tổ chức KH&CN và DN.

Các nghiên cứu đã tập trung vào hỗ trợ DN ứng dụng, đổi mới công nghệ, quản trị sản xuất, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo trong DN; phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị để tạo ra sản phẩm, hàng hóa mang nhãn hiệu Việt Nam, có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao trên thị trường, nâng cao năng suất, chất lượng.

Nhờ đó, đã thúc đẩy sự tham gia mạnh mẽ, có hiệu quả của khối DN, được minh chứng thông qua tỷ lệ nguồn vốn đối ứng của các đơn vị tham gia nhiệm vụ KH&CN, đặc biệt là từ các DN được ứng dụng, chuyển giao công nghệ ngày càng tăng. Nhiều tập đoàn, DN đã thành lập Quỹ phát triển KH&CN, tăng cường đầu tư trang thiết bị và đào tạo nguồn nhân lực KH&CN.

Cũng theo Ban cán sự đảng Bộ Công Thương, trong giai đoạn tới, trước yêu cầu mới về tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, những thách thức mới từ bối cảnh quốc tế, trong nước và khu vực, việc tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động KH&CN trong ngành Công Thương là cần thiết để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Trong đó, chú trọng phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo gắn với quá trình tái cơ cấu ngành Công Thương, thực hiện mục tiêu phát triển ngành, lĩnh vực cụ thể trong giai đoạn 2021 - 2030; tập trung nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ, nâng cấp công nghệ cho DN; tạo nền tảng vững chắc giúp DN nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh; từng bước dịch chuyển nền sản xuất trong nước sang các khâu có trình độ công nghệ phức tạp, giá trị gia tăng cao; từ đó tận dụng tốt các cơ hội tiếp cận thị trường từ các hiệp định thương mại, nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Đồng thời, thúc đẩy hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo tại DN. Cơ quan quản lý sẽ đóng vai trò kết nối, hướng dẫn, hỗ trợ, thiết lập các yếu tố nền tảng cho quá trình đổi mới công nghệ của DN. Triển khai kết nối các chương trình KH&CN trọng điểm của Bộ với hoạt động KH&CN của DN trong ngành.

Nhờ những tiến bộ trong cơ chế quản lý, tăng cường đầu tư cho tiềm lực và trình độ KH&CN, lực lượng KH&CN đã đồng hành cùng doanh nghiệp ngành Công Thương để bám sát thực tiễn, đóng góp ngày càng thiết thực hơn cho yêu cầu phát triển ngành.

Theo/congthuong.vn