Quảng Ngãi tập trung khắc phục hậu quả bão NORU

15:11, 28/09/2022

Tỉnh Quảng Ngãi đang khẩn trương triển khai công tác khắc phục các cơ sở hạ tầng công cộng thiết yếu phục vụ nhu cầu nhân dân, phân công lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa nhà bị hư hỏng, sụp đổ.

Lý Sơn: 250 ngôi nhà tốc mái, thiệt hại 62,8 tỷ đồng - Ảnh 1.

Nhiều nhà dân tại huyện đảo Lý Sơn bị tốc mái.

Huyện đảo Lý Sơn: 250 ngôi nhà tốc mái, thiệt hại 62,8 tỷ đồng

Sáng 28/9, bà Phạm Thị Hương, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, bão số 4 đổ bộ vào Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi với sức gió cấp 10 đến 11, giật cấp 12, 13 kèm theo mưa to kéo dài nên đã gây thiệt hại cho người dân trên đảo. 

Thống kê sơ bộ, không có thiệt hại về người, khoảng 250 ngôi nhà tốc mái, 70 ha hành vụ hè thu hư hỏng, hệ thống cây xanh gãy, đổ, thiệt hại trên 70%. Hệ thống giao thông cơ động phía đông nam đảo bị sóng đánh chìm, hư hỏng một số điểm cống thoát nước, sóng lớn đã đẩy một lượng đá sạn lên mặt đường làm ách tắc giao thông. Nuôi trồng thủy sản không thiệt hại, hồ chứa nước Thới Lới an toàn. Tổng thiệt hại do bão số 4 gây ra khoảng 62,8 tỷ đồng.

Hiện tại Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Lý Sơn đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị lực lượng xung kích đến từng thôn trên địa bàn huyện, tập trung kiểm kê, giúp nhân dân khắc phục vụ nhà cửa bị thiệt hại và sớm ổn định đời sống.

Ông Võ Văn Đồng, Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn thông tin, trên địa bàn có tình trạng nhà tốc mái, hư hỏng nhưng chưa chính xác con số. Công tác thống kê thiệt hại vẫn đang được triển khai. Hiện chính quyền đang tập trung lực lượng giúp dân, xử lý cây cối hư hỏng, gãy, đổ.

Lý Sơn: 250 ngôi nhà tốc mái, thiệt hại 62,8 tỷ đồng - Ảnh 2.

70 ha hành tại huyện đảo Lý Sơn bị hư hỏng.

Huy động tổng lực khắc phục hệ thống lưới điện

Theo Công ty Điện lực Quảng Ngãi (PC Quảng Ngãi), tính đến sáng 28/9, có 188.923 khách hàng đang mất điện là, với tổng công suất mất điện là 70 MW.

Theo đánh giá chung, tình hình lưới điện PC Quảng Ngãi hiện tại vẫn giữ được lưới điện 110 kV, lưới 22 kV. Đang mất điện 1.641 trạm biến áp (50,6%), các khu vực mất điện Lý Sơn 30%, Trà Bồng 100%; Nghĩa Hành 93%, Mộ Đức 90%, Bình Sơn 69%, Sơn Tịnh 31%, Tư Nghĩa 34%, Sơn Hà 35%, Ba Tơ 40%, khu vực TP. Quảng Ngãi 10% và Đức Phổ 3%.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo các điện lực huy động toàn lực ra quân thực hiện các công tác kiểm đếm, đồng thời triển khai khôi phục lưới điện trung tâm, các phụ tải quan trọng theo phương án, phân công đã duyệt. Đặc biệt, phải  bảo đảm an toàn theo quy định, kịp thời báo cáo khối lượng thiệt hại, đề xuất nhân lực, phương tiện vật tư để khắc phục hậu quả do bão gây ra.

Ngày 28/9, ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố chủ động thông báo cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc các cơ quan, đơn vị mình trở lại làm việc bình thường, chậm nhất là 13h30' ngày 28/9.

Quảng Ngãi tập trung khắc phục hậu quả bão NORU - Ảnh 5.

Người dân sửa chữa lại nhà sau bão.

Các doanh nghiệp, công ty, xí nghiệp, nhà máy tư nhân chủ động cho công nhân, người lao động... trở lại làm việc bình thường tùy theo điều kiện thực tế của đơn vị. UBND các huyện, thị xã, thành phố tùy vào điều kiện thực tế, chủ động thông tin cho người dân biết, được ra khỏi nơi trú tránh bão để về nhà.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương khẩn trương triển khai công tác khắc phục các cơ sở hạ tầng công cộng thiết yếu phục vụ nhu cầu nhân dân, phân công lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa nhà bị hư hỏng, sụp đổ. Yêu cầu đơn vị cung ứng dịch vụ môi trường tại địa phương và chủ động huy động lực lượng, phương tiện dọn cây cối bị gãy, đỗ, chướng ngại vật, khẩn trương giải tỏa ách tắc,  bảo đảm giao thông thông suốt; dọn dẹp, vệ sinh trên tất cả các tuyến đường.

Chủ động sử dụng nguồn kinh phí, lương thực, thực phẩm, nước uống và thuốc men tại chỗ để cứu trợ cho nhân dân, không để một người dân nào bị thiếu đói, rét; rà soát lại tất cả những khu vực dân cư bị cô lập, nơi tập trung sơ tán, di dời có nguy cơ bị thiếu đói, những nơi có nguy cơ sạt lở cao, kịp thời điều động lực lượng, phương tiện và lương thực, thực phẩm, hàng hóa cứu trợ cho nhân dân; kịp thời thăm hỏi, động viên gia đình có người bị thương (nếu có); huy động lực lượng tại chỗ giúp nhân dân sửa chữa nhà ở, sớm ổn định cuộc sống.

Theo Báo điện tử Chính phủ